Đưa đón học sinh

Vi Cầm 12/10/2018 09:00

Chuyện cha mẹ đưa đón học sinh chốn thị thành giờ không còn là hình ảnh xa lạ nữa. Sáng sáng ở các cổng trường, từ bậc học mầm non tới bậc THPT, việc phụ huynh đưa đón con bằng đủ các loại phương tiện còn gây cảnh tắc đường.

Việc bình thường với bao người, bao nhà, nhưng bỗng một hôm cũng thấy giật mình lạ lẫm bởi cô cháu học lớp 10 ở quê ra chơi hỏi: Tại sao các anh chị ở Hà Nội đã học đến lớp 12 rồi mà bố mẹ vẫn phải đưa tới trường?

- Tại trường xa quá, cách nhà 3 km.

- Cháu đi học cách nhà 7km, sáng nào cũng phải tự đạp xe đi học…

Có lẽ mỗi gia đình sẽ có những lý giải khác nhau về nguyên nhân phải đưa đón con hàng ngày. Nào là đường phố đông đúc, lo mất an toàn giao thông cho con trẻ; do bố mẹ tiện đường đi làm, nhân thể đưa con đi học; hoặc là phải đưa đón các cháu đã học bậc THPT để còn tiện bề kiểm soát những mối quan hệ của con…Chung quy lại, đa phần phụ huynh đều mong muốn con đỡ phải trải qua chặng đường đến trường vất vả. Khi giải quyết được vấn đề “an tâm”, họ sẽ bớt được một phần áp lực, lo lắng trong cuộc sống.

Nhưng có bao bọc được các con mãi không? Câu hỏi này chắc chắn không phụ huynh nào có thể trả lời ngay được. Chỉ biết rõ một điều: so với phụ huynh của chúng ngày trước, việc phụ thuộc vào bố mẹ đưa đón khiến các em trở nên thụ động, thiếu tự tin với những va chạm ở bên ngoài gia đình. Ấy là chưa kể các em cũng bao phen bị trễ giờ học oan, bởi bố hoặc mẹ mải việc công- tư đầu giờ sáng. Có cô giáo tiểu học thường xuyên phàn nàn về chuyện bạn A, bạn B vào lớp muộn, một ngày nọ con bị phạt chép bài 20 lần. Òa lên khóc nức nở vì oan ức, con lí nhí: Thưa cô, tại vì sáng nào mẹ con cũng tô son rất lâu!

Xét cho cùng, việc không thể tự đi tới trường cũng giống như là các em đang bị khuyết đi một phần kỹ năng sống đáng kể. Sẽ không còn nhiều những tình bạn được kết giao trên đường đi học kiểu “có bạn có ta, đường xa hóa gần”; là sự thiếu hụt những kỹ năng ứng xử, đối phó với những trục trặc nhỏ trong cuộc sống, như là tự tìm cửa hiệu chữa xe chẳng hạn… Ngày lại ngày, tâm lý ỷ lại của các em càng lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đưa đón học sinh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO