Đưa giám sát, phản biện thấm sâu vào đời sống

Trung Hiếu 16/04/2019 09:00

Sau 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và số 218-QĐ/TW, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ thành phố Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Những con số biết nói là minh chứng rõ nét cho thấy hoạt động này đã thấm sâu vào đời sống xã hội.

Đưa giám sát, phản biện thấm sâu vào đời sống

Giám sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khoá XI) và Luật Khoa học và Công nghệ tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Qua 5 năm thực hiện Quyết định số 217, 218-QĐ/TW, MTTQ thành phố Hà Nội là một trong những đơn vị chủ động đi đầu hướng dẫn các cấp cơ sở triển khai thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Theo thống kê, trong khoảng thời gian này, Uỷ ban MTTQ thành phố đã tổ chức 48 cuộc giám sát chuyên đề tại các cơ quan, đơn vị, địa phương cấp huyện và cấp xã phối hợp và tham gia với các cơ quan nhà nước giải quyết được 148 cuộc. Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện đã thực hiện 1.167 cuộc tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, tham gia với các cơ quan nhà nước giám sát được 3.130 cuộc. Các xã, phường, thị trấn tổ chức giám sát được 7.440 cuộc, phối hợp giám sát được 19.581 cuộc.

Qua giám sát, MTTQ các cấp đã kiến nghị với cấp ủy, chính quyền và các đơn vị được giám sát tiếp thu các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cách làm về công khai dân chủ, phát huy giám sát đầu tư của cộng đồng, các hình thức tự quản, mở rộng thực hiện cơ chế đặc thù trong xây dựng các công trình nông thôn mới, điều chỉnh nhiều nội dung thực hiện chính sách giảm nghèo…

Tại cơ sở, MTTQ các cấp trên địa bàn thành phố đã phát huy vai trò tự quản của nhân dân thông qua tổ chức và hoạt động của 584 Ban Thanh tra nhân dân (TTND) và 678 Ban Giám sát đầu tư (GSĐT) của cộng đồng. Từ năm 2014 đến nay, các Ban TTND cấp xã trên địa bàn đã tham gia giám sát trên 32.402 cuộc. Các Ban GSĐT của cộng đồng đã tổ chức giám sát 24.993 cuộc đối với các công trình, dự án triển khai trên địa bàn các xã, phường, thị trấn. Qua giám sát, các Ban TTND và Ban GSĐT của cộng đồng, đã kiến nghị với chính quyền thu hồi 252.054m2 đất, gần 15,2 tỷ đồng.

Đặc biệt, Quyết định 217 là một đòn bẩy làm thay đổi mạnh mẽ đối với hoạt động phản biện xã hội ở Mặt trận cấp xã, vì trước đó chưa có một đơn vị nào thực hiện hoạt động này. Sau 5 năm, MTTQ các phường, xã, thị trấn trên địa bàn Thành phố Hà Nội đã tổ chức được 2.558 hội nghị phản biện xã hội với các nội dung về thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Có một số xã trong 1 năm thực hiện được 2 đến 3 hội nghị phản biện xã hội.

Đáng chú ý, ở Mặt trận cấp quận, huyện, nhiều đơn vị đã tổ chức 3 đến 4 hội nghị phản biện xã hội trong một năm như: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, thị xã Sơn Tây, Thanh Trì, Ứng Hòa, Phú Xuyên… Đến nay, có 204 hội nghị phản biện xã hội do Mặt trận cấp quận, huyện chủ trì; gửi văn bản góp ý đối với dự thảo gần 500 cuộc với các nội dung phản biện xã hội từ kế hoạch, nghị quyết, đến các đề án chuyên ngành liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của nhân dân.

Còn ở cấp thành phố, công tác phản biện xã hội với nội dung, phương thức hoạt động đã có nhiều đổi mới, sáng tạo khi đã được cấp uỷ Đảng tập trung chỉ đạo, chính quyền phối hợp chặt chẽ và xác định về cơ bản các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản nghị quyết liên quan nhiều đến quyền, trách nhiệm và lợi ích của nhân dân đều chuyển qua Mặt trận để phản biện trước khi trình HĐND các cấp thông qua.

Theo thống kê trong 5 năm Mặt trận thành phố đã tiến hành khảo sát thực tế và tổ chức 18 hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết, Tờ trình, Đề án quan trọng liên quan đến đời sống nhân dân trên địa bàn. Và chỉ trong năm 2018, Mặt trận thành phố đã phản biện được 5 chủ trương chính sách quan trọng về giao thông, môi trường, quản lý nhà ở xã hội, chính sách nông nghiệp và sữa học đường.

Để đưa hoạt động giám sát và phản biện xã hội tiếp tục thấm sâu vào đời sống, Phó Chủ tịch MTTQ thành phố Hà Nội Dương Cao Thanh cho rằng, căn cứ vào tình hình thực tiễn của từng địa phương, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần lựa chọn được nội dung, vấn đề giám sát, phản biện xã hội phù hợp, đúng, trúng những vấn đề mà xã hội và nhân dân đang quan tâm để tham mưu với cấp ủy xây dựng kế hoạch thực hiện. Đặc biệt MTTQ các cấp phải thường xuyên lắng nghe, tập hợp các ý kiến, kiến nghị của nhân dân, lắng nghe các vấn đề mà nhân dân quan tâm, phản ánh. Các ý kiến, kiến nghị phải được chắt lọc, giải pháp đưa ra phải đảm bảo hiệu quả, tính khả thi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đưa giám sát, phản biện thấm sâu vào đời sống

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO