Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài: Nhanh chóng tháo gỡ khó khăn

Lê Bảo 17/10/2016 08:10

Có hiệu lực từ 1/7/2007, Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã phát huy tích cực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động, các tổ chức, doanh nghiệp cung ứng lao động, góp phần tăng nhanh số lượng lao động xuất khẩu. Tuy nhiên, sau 9 năm thực hiện, Luật cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc cần tháo gỡ.

Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài: Nhanh chóng tháo gỡ khó khăn

Trong 2 năm 2014 và 2015 Việt Nam đều đưa hơn 100 ngàn lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Theo Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội, việc triển khai các quy định của Luật đã được cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này thực hiện tương đối đồng bộ và toàn diện, đáp ứng cơ bản các mục tiêu đề ra.

Kết quả, hàng năm, số lao động đưa đi đều đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đáng chú ý, liên tiếp trong 2 năm 2014 và 2015 Việt Nam đều đưa hơn 100 ngàn lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Đa số người lao động có thu nhập tương đối ổn định, cao hơn so với việc làm cùng ngành nghề và trình độ ở trong nước.

Tính chung, thu nhập sau khi trừ chi phí sinh hoạt của người lao động đạt khoảng từ 3-4 triệu đồng/tháng tại thị trường thu nhập thấp, sử dụng lao động giản đơn (Malaysia); từ 7-12 triệu đồng tại thị trường có thu nhập trung bình (Trung Đông, Đông Âu) và từ 15-20 triệu đồng ở những thị trường thu nhập cao (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan), góp phần tích cực trong việc giải quyết việc làm cho người lao động, xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ gia đình, tăng thêm nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.

Có thể nói, hệ thống các chính sách theo luật này được ban hành đã cơ bản đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và người lao động, tạo lập một cơ chế thông thoáng hơn trong hoạt động này và hướng tới việc bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của các đối tượng thụ hưởng.

Tuy nhiên, sau 9 năm thực hiện, Luật này cần phải sửa đổi cho phù hợp hơn.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật còn chậm so với yêu cầu; một số quy định của Luật chưa có hướng dẫn hoặc hướng dẫn chưa cụ thể, đầy đủ, như: Quy định về chính sách hỗ trợ tín dụng cho người nghèo, người dân tộc thiểu số đi lao động ở nước ngoài chưa thống nhất, đồng bộ về mức vay và lãi suất cho vay.

Chưa chủ động trong xây dựng chính sách để tổ chức thực hiện một số quy định của Luật (chính sách về hỗ trợ đào tạo cán bộ quản lý, dạy nghề, ngoại ngữ cho người lao động; chính sách khuyến khích đưa nhiều lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao;…).

Bên cạnh đó, chất lượng và hiệu quả tuyên truyền phổ biến pháp luật còn thấp, chưa thực sự đến với phần đông người lao động và gia đình họ.

Tại Hội thảo “Công đoàn tham gia xây dựng chính sách về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Luật đưa lao động Việt Nam đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng” (gọi tắt là Luật) còn nhiều khoảng trống cần được điều chỉnh để phù hợp với thực tế.

Điển hình như qua thống kê của các tổ chức quốc tế, Việt Nam có khoảng 50.000 lao động sang các nước lân cận như Trung Quốc, Lào, Campuchia bằng giấy thông hành hoặc đi chui.

Họ đi 1 tuần hay 1 tháng rồi lại về mà không có sự kiểm soát trong khi đó đối tượng này lại không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật.

Những hạn chế nêu trên đòi hỏi cần khẩn trương rà soát lại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật để sửa đổi, bổ sung, thay thế những quy định không còn phù hợp, cũng như ban hành những quy định còn thiếu, nhằm thúc đẩy hơn nữa hoạt động XKLĐ trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài: Nhanh chóng tháo gỡ khó khăn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO