Đua nhau đào mỏ, dân khốn khổ

Đức Sơn - Kim Hoa 11/05/2016 09:00

Tình trạng khai thác khoáng sản tràn lan ở tỉnh Phú Thọ diễn ra trong nhiều năm gây ra nhiều hệ lụy xấu, gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân địa phương. Trong khi người dân bị ảnh hưởng rất bức xúc thì ngành chức năng tỉnh Phú Thọ lại liên tục “kêu khó” và đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Đua nhau đào mỏ, dân khốn khổ

Doanh nghiệp khai thác Cao Lanh rầm rộ khiến núi đồi ở xã Dị Nậu,
huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ bị phá tan hoang.

Mạnh ai nấy “đào”

Khảo sát tại địa bàn huyện Thanh Sơn, có hàng chục doanh nghiệp đang tiến hành thăm dò, khai thác khoáng sản ồ ạt tại các xã Khả Cửu, Thục Luyện, Cự Thắng, Thượng Cửu… Việc các doanh nghiệp chỉ chăm chăm khai thác khoáng sản để kiếm lợi nhuận mà “quên” các biện pháp bảo vệ môi trường đã khiến đời sống của nhân dân quanh khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo lãnh đạo UBND xã Cự Thắng, chính quyền xã nhận được nhiều kiến nghị của người dân Khu 13 về diện tích lúa, hoa màu bị ảnh hưởng bởi bùn thải của Công ty cổ phần Gang thép công nghiệp Việt Nam. Hiện Cty đang dừng hoạt động nhưng chất thải trong quá trình tuyển quặng vẫn chưa được xử lý. Tiếp tục khảo sát tại xã Dị Nậu (huyện Tam Nông), chúng tôi nhận thấy việc các doanh nghiệp khai thác cao lanh rầm rộ để lại hệ lụy và nguy cơ mất an toàn cao. Trong đó, quy mô khai thác lớn nhất thuộc về hai Cty cổ phần khoáng sản Hùng Vương và Cty TNHH khoáng sản Thành Phương.

Điều khiến nhân dân bức xúc và hoang mang nhất đó là chất thải, đất đá thải được tập kết trong quá trình bóc tầng, sàng tuyển được chất cao như núi, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố rất cao. Ông Hán Vinh Khánh- Chủ tịch UBND xã Dị Nậu cho biết, cuối năm 2015, sau trận mưa lớn, những núi chất thải của hai Cty Hùng Vương và Thành Phương đã ập xuống, vùi lấp diện tích lớn ruộng lúa của người dân khiến nhân dân thiệt hại nặng. Hiện tại, những núi chất thải khổng lồ của hai công ty này vẫn treo lơ lửng gần khu dân cư, đe dọa tính mạng tài sản của người dân, nhất là mùa mưa lũ.

Tại địa bàn xã Phúc Khánh (huyện Yên Lập), chúng tôi quan sát thấy có 3 mỏ đá của Cty TNHH Thắng Lợi, Cty TNHH Yên Long, Cty TNHH đầu tư và thương mại Trung Anh đang khai thác rầm rộ quy mô lớn. Theo người dân địa phương phản ánh, cả 3 mỏ đá đều gây tiếng ồn, bụi bẩn, đất đá văng ra khu dân cư đe dọa sức khỏe, tính mạng, ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân xung quanh.

Theo ông Nguyễn Anh Tùng- Trưởng phòng TN&MT huyện Thanh Thủy cho biết, trên địa bàn xã Tân Phương có 4 công ty tham gia khai thác cao lanh. Việc giám sát về môi trường, các quy định của pháp luật trong quá trình khai thác được các cơ quan phối hợp kiểm tra thường xuyên. Tuy nhiên, thực tế một số đơn vị khai thác không thực hiện đúng với quy định, việc mua đi, bán lại các mỏ cao lanh cho người khác vẫn có dẫn đến nhiều hệ lụy.

Tình trạng khai thác khoáng sản trên sông cũng bát nháo không kém. Ban ngày, dọc tuyến đê sông Lô từ địa bàn TP Việt Trì và huyện Phù Ninh đến huyện Đoan Hùng không khó để bắt gặp cảnh các tàu cát đua nhau thọc vòi rồng xuống sông hút cát, sỏi. Ban đêm, mặc dù lòng sông tối mịt nhưng hàng trăm chiếc tàu vẫn miệt mài hút cát “móc ruột” lòng sông. Thêm vào đó, hàng trăm tàu đầy ắp cát, sỏi vận chuyển đi tiêu thụ cũng làm khúc sông Lô trở nên náo động. Do mức độ hút cát quá lớn, nên nhiều đoạn bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng, kéo theo diện tích lớn đất nông nghiệp của bà con nông dân bị “Hà bá” nuốt chửng.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Được biết, hiện trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có hơn 100 giấy phép khai thác khoáng sản, trong đó có 97 mỏ đang hoạt động, 11 mỏ chưa hoạt động và 22 mỏ đang tạm dừng hoạt động. Trao đổi với chúng tôi, nhiều lãnh đạo chính quyền cấp cơ sở cho rằng, cấp xã thẩm quyền có hạn nên không thể áp dụng biện pháp mạnh để xử lý những sai phạm của doanh nghiệp khai thác khoáng sản. Thẩm quyền xử lý triệt để thuộc cấp huyện và tỉnh.

Đánh giá về tình hình khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, ông Nguyễn Ngọc Thắng- Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ cho biết, UBND tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo Sở TN&MT cùng các ngành liên quan và chính quyền địa phương triển khai nhiều biện pháp quản lý nhà nước về khoáng sản. Do đó hoạt động khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn không ít các trường hợp khai thác chưa chú trọng công tác bảo vệ môi trường.

Trước câu hỏi, tình trạng khai thác cát tràn lan, múc đất trái phép ở huyện Phù Ninh, Cao Lanh ở huyện Thanh Sơn, Thanh Thủy, khai thác cát trên sông Lô…rất bát nháo mà chưa được xử lý đứt điểm phải chăng Sở TN&MT buông lỏng quản lý? Ông Nguyễn Ngọc Thắng lý giải, hiện nay tren toàn tuyến sông Lô chỉ có các doanh nghiệp Trường Thành và Thái Sơn được phép khai thác cát. Theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường không cho bất cứ đơn vị nào lợi dụng thông luồng để nạo vét cát sỏi, điều này thực hiện theo đúng nội dung Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng hiện nay, Bộ GTVT vẫn cấp phép cho doanh nghiệp khơi thông luồng lạch để tận thu sản phẩm. Sông Lô phần lớn là cát sỏi, không lấy đâu ra bùn mà làm việc đó. “Trong khi các doanh nghiệp được tỉnh Phú Thọ cấp phép khai thác đều được thăm dò, đánh giá trữ lượng, nộp nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Riêng với mấy ông khơi luồng chả làm gì, không có bất cứ trách nhiệm nào đối với Nhà nước, cứ thế mà móc tài nguyên lên bán. Tôi cho rằng, đây là lỗ hổng, vô lý, thiếu sự bình đẳng, minh bạch…”- Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ Nguyễn Ngọc Thắng nhấn mạnh. Cũng theo ông Thắng, năm 2010, việc cấp phép khai thác cao lanh, các khoáng sản là vật liệu xây dựng do Bộ TN&MT Quyết định.

Theo thống kê Bộ gửi về, có 8 doanh nghiệp đã bị xử lý, 10 doanh nghiệp đang chờ kết quả xử lý và 10 doanh nghiệp đang cấp phép thăm dò, hoàn thiện thủ tục xin cấp phép được khai thác. Về nguyên tắc, các đơn vị chưa được cấp phép, chưa được gia hạn khai thác thì phải dừng lại. Trong quá trình đó, các cơ quan chức năng, đơn vị có thực hiện hay không là do chính quyền cơ sở giám sát, chứ tỉnh không quản lý xuể. “Tôi khẳng định, trách nhiệm là của chính quyền địa phương, khởi đầu chính quyền địa phương quản lý trên địa bàn, làm sao để xảy ra việc khai thác tràn lan? Nếu chính quyền địa phương làm đúng trách nhiệm, xử lý rồi mà đối tượng không tuân thủ thì phải báo cáo lên cấp Huyện, cấp Tỉnh, Sở TN&MT để xử lý…”- ông Thắng trình bày. Ông Thắng cho biết thêm, có một số trường hợp lợi dụng việc mở đường để khai thác đất, cao lanh. Tuy nhiên, hiện nay Nhà nước không có đủ kinh phí để thăm dò, khảo sát hết được. Mặt khác, hiện tại bộ phận quản lý theo dõi khoáng sản của Sở TN&MT chỉ có 4 người, họp hành báo cáo biết bao nhiêu là việc, làm sao giải quyết nổi những vụ việc như trên nêu. “Nói như vậy là để gắn với trách nhiệm của chính quyền địa phương. Chúng tôi chỉ quản lý nhà nước đối với lĩnh vực trên về mặt pháp luật, còn về lĩnh vực khai thác là thuộc bên kỹ thuật, xây dựng…”- ông Thắng trình bày.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đua nhau đào mỏ, dân khốn khổ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO