Đưa nợ xấu lên sàn

H.Hương 19/11/2016 10:15

Cựu thống đốc Ngân hàng nhà nước ông Lê Đức Thúy cho rằng phải cùng nhau có trách nhiệm với nợ xấu, nếu không thì ngân hàng không thoát nổi mớ bòng bong nợ xấu.

Vẫn tranh luận về nợ xấu

Vấn đề nợ xấu tranh luận mãi, đi vòng vòng mà chưa thực sự có giải pháp hiệu quả. Nhiều quan điểm đưa ra là không dùng ngân sách nhà nước xử lý nợ xấu, cứ kệ ngân hàng. Vậy thì ngân hàng làm sao thoát ra được khỏi nợ xấu. Muốn xử lý nợ xấu, bằng cách nào? Ông Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế thẳng thắn chia sẻ: chỉ duy nhất ở Việt Nam mới có cách xử lý nợ xấu không bằng tiền. “Nếu không có tiền thì buộc phải có cơ chế và mạnh tay”- Ông Lê Xuân Nghĩa đề xuất.

Theo số liệu thống kê tỷ lệ nợ xấu tại các tổ chức tín dụng hiện nay là 2,8% - nằm trong ngưỡng an toàn. Thế nhưng ai cũng biết rằng, con số nợ xấu đang còn nhiều góc khuất khác. Khoảng 160.000 tỷ đồng nợ xấu được tổ chức quản lý tài sản các tổ chức tín dụng( VAMC) mua về chưa giải quyết được, bên cạnh đó còn có khoảng 145.000 tỷ đồng nợ xấu đang nằm ở nội bảng các tổ chức tín dụng cũng cần được xử lý, nếu không có giải pháp sớm cũng nhanh chóng trở thành nợ xấu.

Thực tế khối lượng nợ xấu cân đong đo đếm được lớn, bao gồm: tỷ lệ nợ xấu báo cáo là 2,8%; nợ xấu bán cho VAMC khoảng 4,4% tổng tín dụng. Xử lý nợ xấu năm 2016 ước khoảng 95 nghìn tỷ đồng, trong đó bán nợ cho VAMC 21%; xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro chiếm 26,6%; thu hồi nợ từ khách hàng và bán tài sản bảo đảm chiếm 52,4%. Giải bài toán nợ xấu như thế nào vẫn tìm được ra đáp án.

Chứng khoán hóa nợ xấu

Theo TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và PGS-TS Đặng Ngọc Đức, Chủ nhiệm Đề tài nhà nước về xử lý nợ xấu, trong điều kiện hiện nay xử lý nợ xấu bằng ngân sách rất khó nhận được sự đồng thuận của xã hội. Do đó, phương án xử lý nợ xấu khả thi và hiệu quả nhất hiện nay là chứng khoán hóa nợ xấu thành trái phiếu chính phủ để đưa vào giao dịch trên thị trường chứng khoán. Đồng thời, sử dụng phiếu nợ chuyển đổi của các doanh nghiệp nợ xấu là tài sản đối ứng cho lượng trái phiếu chính phủ đã phát hành.

Với phương án này, trách nhiệm của Nhà nước được thực hiện thông qua việc tiến hành chứng khoán hóa nợ xấu thành trái phiếu chính phủ. Số lượng trái phiếu chính phủ được phát hành căn cứ vào tổng giá trị nợ xấu, sẽ được đưa ra giao dịch trên thị trường chứng khoán và cả trên thị trường liên ngân hàng.
Trách nhiệm của doanh nghiệp có nợ xấu là phải phát hành phiếu nợ chuyển đổi làm tài sản đối ứng với lượng trái phiếu chính phủ trên.

Trách nhiệm của ngân hàng là tham gia nhận trái phiếu chính phủ (và cũng có thể chấp nhận cả phiếu nợ chuyển đổi của doanh nghiệp - coi như đã nhận được khoản thanh toán nợ xấu). Để thu hồi tiền từ xử lý nợ xấu, các ngân hàng thương mại có thể bán trái phiếu chính phủ trên thị trường cho nhà đầu tư trong và ngoài nước theo nhu cầu sử dụng vốn.

Nhiều quan điểm cho rằng, khi chứng khoán nợ xấu thành trái phiếu Chính phủ giúp Chính phủ không phải phát hành thêm tiền để xử lý nợ xấu và có thể kêu gọi các nhà đầu tư tham gia. Với doanh nghiệp, đây là giải pháp “khoanh nợ” bằng phiếu nợ chuyển đổi và thực chất đã chuyển chủ nợ từ ngân hàng thương mại sang Chính phủ. Dĩ nhiên, với giải pháp này, doanh nghiệp vẫn chịu trách nhiệm trả nợ cho chủ thể nắm giữ phiếu nợ chuyển đổi. Với giải pháp này, ngân hàng được thanh toán số tiền nợ xấu bằng trái phiếu chính phủ (thay vì phải đấu thầu mua trái phiếu chính phủ) hoặc mua phiếu nợ chuyển đổi của doanh nghiệp nợ xấu.

So với bán nợ cho VAMC và nhận về trái phiếu đặc biệt, giải pháp này giúp ngân hàng thương mại chủ động hơn về giá cả, quy mô dòng tiền và thời điểm sử dụng vốn. Khi đổi nợ xấu thành trái phiếu chính phủ, các ngân hàng vẫn được trả lãi, đồng thời giảm được gánh nặng trích lập dự phòng rủi ro như với trái phiếu đặc biệt và bất kỳ khi nào cần vốn, có thể bán lại số trái phiếu đặc biệt này cho các ngân hàng thương mại khác, bán trên thị trường hoặc chiết khấu tại Ngân hàng Nhà nước. Rủi ro lớn nhất của giải pháp này là doanh nghiệp nợ xấu phát hành phiếu nợ chuyển đổi để xử lý nợ xấu bị phá sản trước khi phiếu nợ chuyển đổi đáo hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đưa nợ xấu lên sàn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO