Đứng bên con người để làm cho xã hội tốt hơn!

Đại Đoàn Kết 21/06/2016 12:04

Đối mặt với sự chi phối của những luồng thông tin xuất hiện dễ dàng và thản nhiên trên những trang mạng xã hội, đa số các nhà báo và các tờ báo vẫn đang bình tĩnh làm nghề. Để công nghệ giúp cho nghề báo ngày càng nhanh hơn, hiện đại hơn chứ công nghệ không phải để xóa nhòa ranh giới giữa nghề báo và những người truyền tin. Báo chí ngày nay cho dù có phát triển đến đâu, vẫn phải tự đặt mình trước trách nhiệm với bạn đọc, với đất nước, với nhân dân… 

Nhà báo tác nghiệp trong dòng chảy của sự kiện.

Nhà báo khác với một người đưa tin thông thường như ngày nay người ta vẫn làm trên mạng xã hội là ở tính trách nhiệm. Nhà báo không phải chỉ là người dùng công cụ để đưa tin, cứ có những gì mắt thấy tai nghe được là đưa lên, mà còn là người xử lí thông tin, thẩm định thông tin, truyền tới công chúng những thông tin có trách nhiệm. Thấy gì cũng đưa lên thì trong đó có lẫn cả rác, chứ không phải là thông tin báo chí. Nhà báo khác người đưa tin ở chỗ phải có thao tác, có trách nhiệm.

Phẩm chất của báo chí là trung thực, là phản ánh hiện thực khách quan.

Công việc làm báo đòi hỏi nhiều thao tác, thông tin chính xác, nhạy bén nhưng phải tin cậy. Đấy chính là điểm để phân biệt một cơ quan báo chí với một trang mạng xã hội. Phân biệt ở chính ở phẩm chất đầu tiên: Trách nhiệm. Nhà báo cũng khác những người không phải nhà báo ở chính trách nhiệm ấy, ở trình độ nghề nghiệp ấy!

Không thể chối bỏ vai trò cực kỳ quan trọng của các phương tiện kĩ thuật hiện đại, nhưng phương tiện hiện đại chỉ có ích khi được sử dụng kèm theo sự đúng mực, đạo đức và lương tâm. Nếu không, nó sẽ gieo họa vào niềm tin của độc giả.

Với phương tiện để loan truyền thông tin ngày nay, tất cả mọi tin tức đều có quyền và có điều kiện để xuất hiện, kể cả từ những người không phải là nhà báo. Và độc giả, đôi khi không phân biệt được đâu là tin của nhà báo, đâu chỉ đơn giản là tin trên mạng. Khi xã hội có nhiều thông tin thì cũng có mặt tích cực là làm phong phú, đa dạnghơn nhưng nếu tỉ lệ tin chưa được “lọc” cao quá thì sẽ làm hoang mang xã hội. Những cái không lành mạnh sẽ lấn át những cái lành mạnh. Bởi vì nó đánh đúng vào sự tò mò, vào thị hiếu tiêu dùng của thời đại.

Cho đến ngày Báo chí năm nay, có những tờ báo hoặc nhà báo đặt ra câu hỏi lo ngại về cuộc đổ bộ của mạng xã hội làm mất thị phần của báo chí. Đó là một nỗi lo ngại có thật. Nhưng mặt khác, chưa hẳn đã là như thế. Trong cơn bão về thông tin, báo chí càng cần có mặt để làm nơi neo đậu cho xã hội, với trách nhiệm, lương tâm của người làm báo. Nếu không làm được điều đó, độc giả không cần báo chí nữa. Nếu thông tin trên mạng và trên báo chí không khác gì nhau, độc giả chỉ cần mạng xã hội là đủ thì báo chí không còn lý do tồn tại. Báo chí muốn tồn tại, phải để độc giả tìm được niềm tin ở đó.

Báo chí không sửa đổi được hiện thực, nhưng sẽ thế nào nếu cứ khai thác hiện thực theo hướng làm cho độc giả bất an? Báo chí trong khi phản ánh hiện thực phải giúp cho con người tin và hướng về phía ánh sáng. Báo chí vẫn chân thực phản ánh sự thật nhưng để người ta tin vào sự tích cực, để con người đứng trước cái xấu mà không cảm thấy tuyệt vọng. Muốn vậy báo chí phải đứng bên con người để cho con người sống tích cực hơn, có đủ nghị lực để sống và làm cho xã hội tốt đẹp hơn.

Chắc chắn đó vẫn là dòng chủ lưu, là tâm niệm nghề nghiệp của đại đa số những người đang làm nghề báo hôm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đứng bên con người để làm cho xã hội tốt hơn!

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO