Dùng chế tài để chặn thất thoát

Lục Bình 04/03/2017 11:35

Ông Mai Xuân Vinh- Trưởng phòng Quản lý công sản, sở Tài chính Hà Nội cho biết: tổng số 43 xe ôtô công tại 8 sở và quận, huyện thực hiện thí điểm khoán kinh phí sử dụng ôtô sẽ được TP Hà Nội thu hồi. Những xe chưa hết thời gian khấu hao sẽ được điều chuyển về các đơn vị thiếu phương tiện, còn những xe đã hết khấu hao sẽ được bán thanh lý. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra trong việc thanh lý tài sản công không dễ dàng.

Theo thống kê của Hà Nội, hiện có tới 12 xe ôtô hết khấu hao sẽ được giao cho các quận huyện thực hiện thí điểm thanh lý. Trước khi thanh lý sẽ kiểm định chất lượng xe. Nếu chất lượng xe còn lại trên 30% phải thanh lý theo dạng xe đã qua sử dụng; dưới 30% mới bán với giá sắt vụn. Vấn đề đặt ra lúc này là quá trình thẩm định xe sẽ diễn ra thế nào. Ai là người thẩm định. Sau khi có kết quả thẩm định chất lượng chiếc xe sẽ bán theo hình thức nào? Ai là đơn vị giám sát cả quá trình này cần những kiến giải thích đáng.

Hẳn dư luận còn chưa quên hồi giữa năm 2016 Bộ Tài chính thông tin về việc 6 tháng đầu năm 2016, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã thanh lý 264 xe ôtô công (tổng nguyên giá 79,68 tỷ đồng), thu về 390 triệu đồng. Như vậy, bình quân, sau khi bán ra mỗi chiếc xe công, ngân sách chỉ thu về gần 1,5 triệu đồng/xe. Thông tin này khiến dư luận ngạc nhiên vì 1,5 triệu đồng là mức giá quá nhỏ so với một chiếc ôtô dù chỉ là ôtô cũ và có một sự chênh lệch không hề nhỏ vì thực tế những chiếc xe này rao bán ngoài thị trường có giá không dưới 100 triệu.

Tại thời điểm đó, lý giải vì sao những chiếc xe được thanh lý lại có giá như vậy, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính Trần Đức Thắng phân trần, “sau hơn chục năm sử dụng, giá trị xe còn lại chỉ có vậy”. Ông Thắng cho biết, “đơn vị sử dụng xe khi thấy xe cũ, hỏng, không sử dụng được nữa, tự họ tổ chức bán thanh lý hoặc thuê tổ chức có chức năng thanh lý tài sản. “Việc thanh lý xe công được diễn ra theo quy trình đấu giá công khai, ai cũng được mua”- ông Thắng khẳng định. Dù đại diện Bộ Tài chính cho rằng việc đấu giá diễn ra công khai, ai cũng được quyền mua, nhưng cũng ngay tại thời điểm đó không ít lùm xùm xung quanh đấu giá công sản.

Vụ việc đầu tiên được kể đến liên quan đến những lùm xùm trong đấu giá là hồi tháng 6/2016, Hà Tĩnh bán đấu giá thanh lý 135 xe máy bị Công an huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) thu giữ. Lô xe có giá khởi điểm 115,6 triệu đồng. Hội đồng đấu giá của Công an huyện Can Lộc đã ủy quyền cho chi nhánh Công ty cổ phần đấu giá Phú Quý tại Hà Tĩnh thực hiện đấu giá. Trong thời gian đăng ký tham gia đấu giá, rất nhiều cá nhân đã tìm cách liên lạc trực tiếp với lãnh đạo Công ty Phú Quý nhưng câu trả lời cuối cùng chỉ nhận được là “lô xe đã bán!”.

Vụ bán đấu giá quyền sử dụng đất của nhà nước tại lô đất số 3 Đặng Thái Thân (Hoàn Kiếm, Hà Nội)- trụ sở Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia diễn ra vào hồi tháng 5/2016 cũng gây không ít tai tiếng. Trước sự việc như vậy, Sở Tư pháp Hà Nội từng tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra công tác bán đấu giá tài sản tại một số tổ chức bán đấu giá trên địa bàn Hà Nội. Sở này đánh giá, “việc niêm yết, thông báo chưa đầy đủ nội dung đấu giá” rất có thể là một trong những thủ đoạn thông đồng dìm giá, đưa “quân xanh, quân đỏ” vào bán đấu giá và biến buổi đấu giá thành “màn kịch” được sắp đặt. Thế nên tưởng qua đấu giá mọi chuyện sẽ minh bạch nhưng rút cục tài sản nhà nước được bán rẻ như mớ rau.

Để tránh chuyện những “màn kịch” bán đấu giá được sắp đặt trước tái diễn trong lần bán đấu giá những chiếc ôtô công của Hà Nội thời gian tới, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Đinh Văn Nhã cho rằng, phải làm theo hướng tổ chức bán thanh lý tập trung, tùy theo quy mô quốc gia hay quy mô khu vực, quy mô địa phương. Nhưng trước hết có lẽ là tập trung bán thanh lý theo quy mô địa phương thay vì từng sở, ban ngành tự thanh lý như trước đây. Các địa phương có thể tập trung 5-7 xe lại giao cho một cơ quan quản lý công sản tổ chức bán tập trung và buộc phải theo hình thức đấu giá công khai và có đơn vị cũng như người dân giám sát rõ ràng.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận cho rằng, thanh lý tài sản phải công khai minh bạch. Việc bán hồ sơ phải không được giới hạn. Thời gian bán đấu giá phải được thông báo trước cả tháng trên phương tiện thông tin đại chúng để có nhiều đối tượng tham gia đấu giá. Phải tăng cường sự giám sát của các cơ quan chức năng đặc biệt là cơ quan báo chí. MTTQ, các đoàn thể và người dân là nhân vật không thể thiếu trong cả quá trình đấu giá. Đặc biệt phải quy trách nhiệm rõ ràng nếu để xảy ra sai phạm. Đừng để mua xe công thanh lý thành món hời cho một nhóm người khiến tài sản của Nhà nước lại thất thoát.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dùng chế tài để chặn thất thoát

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO