Đừng chủ quan với bệnh trầm cảm

Minh Hiền 18/07/2021 14:53

Theo các chuyên gia y tế, trầm cảm là một rối loạn tâm thần có thể chữa được nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời cùng với sự tuân thủ phác đồ điều trị từ phía người bệnh, gia đình. Tuy nhiên, trên thế giới, hơn 2/3 số người bị trầm cảm không nhận ra mình có bệnh và không được điều trị. Điều này khiến quá trình điều trị gặp rất nhiều khó khăn.

Gia tăng số người bị trầm cảm

Theo PGS.TS Trần Văn Cường, Chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam, trầm cảm là một bệnh lý phức tạp với 13 thể, dễ nhầm lẫn với sự buồn phiền thông thường. Các bằng chứng sinh học về bệnh này có thể được nhìn thấy qua quét não - phương pháp thể hiện các mức độ hoạt động bất thường. Các hóa chất quan trọng trong não cũng thể hiện sự mất cân bằng ở những người trầm cảm. Trong đó có nhiều thể có biểu hiện giống chấn thương, nhiều thể giống bệnh nội khoa… nên nhiều khi rất khó phân biệt và cần phải hội chẩn nhiều lần mới biết rối loạn trầm cảm.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số người mắc bệnh trầm cảm trên thế giới đang gia tăng tới con số hàng trăm triệu. Theo dự báo của WHO, đến năm 2020, trầm cảm là căn bệnh xếp thứ hai sau bệnh tim mạch về mức độ ảnh hưởng tới cuộc sống của loài người. Điều đáng báo động là có tới 48% những người trầm cảm có ý định tự sát và 24% những người có ý định tự sát được báo cáo là không nhận được sự hỗ trợ điều trị trước đó.

Theo phân loại bệnh quốc tế về các rối loạn tâm thần của WHO, các rối loạn tâm thần lần thứ X (ICD-X) rất đa dạng, phổ biến với nhiều mã bệnh khác nhau. Thí dụ, bệnh lý loạn thần: bệnh tâm thần phân liệt, rối loạn loạn thần cấp và nhất thời; các rối loạn về cảm xúc: trầm cảm, hưng cảm; các rối loạn liên quan đến rối loạn sử dụng chất ma túy, các rối loạn nhân cách, rối loạn tâm thần liên quan đến bệnh thực tổn...

Đặc biệt, ngày nay khi áp lực cuộc sống lớn, từ áp lực học tập, công việc và các tác động từ thiên tai, thảm họa..., các rối loạn tâm thần liên quan đến stress rất đáng báo động với nhiều biểu hiện lâm sàng như rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm, rối loạn sự thích ứng...

Các rối loạn tâm thần này gây tác động sâu sắc không chỉ cho bản thân người bệnh với nhiều mức độ ảnh hưởng khác nhau từ giảm hiệu suất làm việc, học tập, giảm cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp, mất việc, nguy cơ tan vỡ hôn nhân, bị kỳ thị, giảm chất lượng cuộc sống... Nặng nề nhất là người bệnh có thể xuất hiện ý định và hành vi tự sát.

Ở Việt Nam, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia Nguyễn Doãn Phương cho biết, hiện có khoảng 30% dân số có rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%. Ngày nay với rất nhiều yếu tố nguy cơ như áp lực cuộc sống tăng lên, sự phổ biến của các trò chơi trên mạng internet, của các chất ma túy, nhất là các chất ma túy tổng hợp... thì mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc rối loạn trầm cảm cũng như các rối loạn tâm thần khác.

Thí dụ, lứa tuổi trẻ em thanh thiếu niên khi nhân cách chưa phát triển dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tác động bên ngoài. Vì vậy khi học tập đạt kết quả không như mong muốn hoặc bị bạn bè tẩy chay... cũng dễ xuất hiện các rối loạn tâm thần. Nhóm tuổi già với sự lão hóa của nhóm tuổi, sự cô đơn, nhiều bệnh cơ thể... là những yếu tố nguy cơ mắc rối loạn trầm cảm ở người già, sa sút trí tuệ...

Căn bệnh khó điều trị

Theo Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, thực tế nhiều người chưa hiểu về hội chứng này. Nhiều trường hợp điều trị theo bệnh lý khác không khỏi mới đi khám tâm thần. Vì vậy phần lớn bệnh nhân trầm cảm thường chậm trễ trong việc phát hiện và điều trị đúng chuyên khoa.

Quá trình điều trị gặp rất nhiều khó khăn do lâu, bệnh nhân và gia đinh người bệnh không tuân thủ phác đồ... Đa số các trường hợp trầm cảm có khuynh hướng trở thành mạn tính và tái diễn cũng như phục hồi không hoàn toàn giữa các giai đoạn, vì điều trị trầm cảm cần phải kéo dài, nhưng nhiều bệnh nhân và gia đình người bệnh không tuân thủ phác đồ, bỏ điều trị giữa chừng khi tự thấy bệnh được cải thiện.

Thực tế điều trị, hơn 50% bệnh nhân có nguy cơ cơn tái diễn sau cơn thứ nhất, tỷ lệ này tăng dần lên đến 70% sau cơn tái diễn thứ 2 và sau cơn tái diễn thứ 3 là 90%.

TS.BS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị bệnh nhân liên quan stress (Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia) cũng chia sẻ, những năm gần đây, các ca bệnh trầm cảm do stress rất nhiều. Tuy nhiên, có tới 30-50% số người bệnh không được phát hiện ở y tế cơ sở hoặc đa khoa vì ít được quan tâm đến triệu chứng cảm xúc, mà chủ yếu là sự than phiền về cơ thể, vì trầm cảm là yếu tố nguy cơ của một số bệnh lý tim mạch như suy tim, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp…

Ngoài ra, do thiếu thông tin cũng như những định kiến và thiếu nhân lực dẫn đến tỷ lệ bệnh trầm cảm được điều trị đúng cách còn rất hạn chế, ở một số nước tỷ lệ này dừng lại ở con số khiêm tốn là 10%.

Theo các chuyên gia y tế, trầm cảm là một rối loạn tâm thần có thể chữa được, giúp người bệnh ổn định và hòa nhập với xã hội nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời cùng với sự tuân thủ phác đồ điều trị từ phía người bệnh, gia đình và cộng đồng.

Đặc biệt, điều trị bệnh trầm cảm thường liên quan đến sử dụng liệu pháp nói chuyện, vì vậy hãy nói chuyện với những người mà mình tin tưởng, điều đó có thể là bước đầu tiên hướng tới phục hồi sự suy thoái về tinh thần.

Việc cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi là vô cùng quan trọng để giảm các nguy cơ phát sinh các rối loạn tâm lý liên quan tới stress, trong đó có trầm cảm.

Các chuyên gia y tế cảnh báo: Trầm cảm - một căn bệnh không quá mới, cũng không quá cũ và không phân biệt tuổi tác, giới tính, chủng tộc, hay tình trạng kinh tế xã hội, tất cả mọi người đều có thể bị trầm cảm.

Căn bệnh này cũng ghi nhận tỷ lệ cao những người ly thân, ly dị, thất nghiệp. Nguy cơ mắc trầm cảm cũng gia tăng với những người mắc các bệnh lý về thần kinh, tim mạch kèm theo như đột quỵ, Parkinson...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đừng chủ quan với bệnh trầm cảm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO