‘Đừng để cháy nhà, chết người mới bàn đến chuyện cải tạo chung cư’

Nguyên Khánh 20/04/2018 09:59

Đó là ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đầu tư xây dựng sáng nay, 20/4. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, đây không phải dịp bàn về kết quả của ngành xây dựng mà là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng…

‘Đừng để cháy nhà, chết người mới bàn đến chuyện cải tạo chung cư’

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, Tổng hội xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng đề nghị phải có cơ chế rõ khuyến khích nhà đầu tư cải tạo chung cư cũ vì đây là vấn đề rất bức xúc.

Ngắt lời ông Trần Ngọc Hùng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, phải tập trung cải tạo chung cư cũ “đừng để cháy nhà, chết người mới nói đến chuyện cải tạo chung cư cũ”. Vì vậy các cấp các ngành cần đề xuất các giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề này.

Với tư cách là người trong cuộc khi tham gia cải tạo chung cư cũ ở khu Văn Chương, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, vấn đề này còn lắm bức xúc, nhiều nhức nhối.

Khu tập thể Văn Chương được xây dựng từ những năm 1960, như vậy đã có tuổi thọ 58 năm. Người dân sống ở khu nhà này rất nguy hiểm, có thể sập bất kỳ lúc nào. Nhưng có một vướng mắc lớn, đó là người dân có tâm lý cải tạo chung cư cũ là việc của Nhà nước chứ không phải việc của dân. Thế nên, khi cải tạo, người dân thường đòi hệ số đền bù gấp 2 - 2,5 thậm chí 5 lần mà cơ chế về vấn đề này chưa có.

“Tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ có quyết định giao cho HĐND cấp tỉnh, theo từng khu vực có hệ số đền bù là bao nhiêu để nhà đầu tư có thể áp dụng”, ông Hiệp nói. Cải tạo chung cư cũ rất cần sự hỗ trợ của nhà nước như ngân sách, nguồn đất tái định cư nếu không doanh nghiệp sẽ lỗ nặng.

Chẳng hạn khu Văn Chương xây dựng 24 tầng thì lỗ khoảng 1.500 tỷ. “Nếu lỗ như vậy sẽ không có doanh nghiệp nào dám nhận nhiệm vụ cải tạo chung cư cũ”, ông Hiệp nói.

Trước đó, phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, còn tình trạng cơ quan chức năng "ngâm" hồ sơ đầu tư xây dựng kéo dài và đề nghị cần mạnh dạn chỉ ra cơ quan nào, đơn vị nào và cần sửa cái gì để tháo gỡ. Cho rằng đây không phải dịp bàn về kết quả của ngành xây dựng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh chủ đề của Hội nghị là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng nhằm bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng.

“Việc tháo gỡ gồm 2 phần, là trước mắt và lâu dài như đơn giá, định mức, tiêu chuẩn, quy chuẩn…”, Thủ tướng nói. “Chúng ta cần bàn, thảo luận những vấn đề này thêm và các bộ, ngành, đặc biệt là ngành xây dựng sẽ tiếp thu các ý kiến có liên quan đến xây dựng cơ bản để hoàn thiện thể chế tốt hơn”.

Thủ tướng nhấn mạnh, nội dung Hội nghị là tập trung tháo gỡ khó khăn trước mắt làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng xây dựng, giải ngân vốn đầu tư công trung hạn, đặc biệt là năm 2018.

Thủ tướng cho rằng, hệ thống pháp luật về xây dựng rất lớn với 12 luật, hơn 100 nghị định, hàng trăm thông tư hướng dẫn, “nhiều đến mức độ không thể nhớ hết”. Sự chồng chéo trong quản lý và các văn bản pháp lý liên quan được coi là rào cản lớn nhất trong công tác đầu tư xây dựng mà “chúng ta cần gỡ cái này, nhất là trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ cần sửa đổi bổ sung thì các đồng chí kiến nghị sớm hơn để giải quyết, cụ thể là gì”.

Về thủ tục hành chính, “bộ nào, ngành nào, cấp tỉnh có vướng mắc gì để nâng cao hiệu quả giải quyết, một cửa liên thông, hậu kiểm những vấn đề gì… để tháo gỡ”, Thủ tướng cho rằng, thủ tục giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn nhiều khâu ách tắc trong khi đã bước sang quý II của năm 2018.

Vấn đề đấu thầu, đất đai, giải phóng mặt bằng, phối hợp giữa chủ đầu tư với chính quyền địa phương còn bất cập. “Chậm do nhiều nguyên nhân trong đó có việc chọn nhà thầu không có đủ năng lực, kinh nghiệm vì lý do này, lý do khác. Rồi nhất là giải phóng mặt bằng, thủ tục đất đai. Chế độ công tác, kiểm tra, giao ban, đôn đốc xử lý vướng mắc trên công trường, trên nhật ký công trình, trong những vấn đề đặt ra của từng đơn vị cũng chưa phải làm tốt. Cơ chế nào điều hành cái này cho rõ hơn”, Thủ tướng đặt vấn đề.

“Những tồn tại về chất lượng, tiến độ và những hiện tượng thất thoát, lãng phí trong xây dựng phải được chấn chỉnh tốt hơn nữa”. Cho rằng còn tình trạng cơ quan chức năng "ngâm" hồ sơ đầu tư xây dựng kéo dài, sợ trách nhiệm, làm ảnh hưởng đến tiến độ, những thủ tục tiếp theo, Thủ tướng đề nghị cần mạnh dạn chỉ ra cơ quan nào, đơn vị nào và cần sửa cái gì để tháo gỡ.

Thủ tướng cũng đề nghị “nói thẳng ra những nghị định, thông tư nào làm ảnh hưởng đến tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia để tháo gỡ”.

Việc tháo gỡ các vướng mắc để thúc đẩy vốn đầu tư công hay vốn đầu tư xây dựng nói chung trong năm nay, bởi vốn là một yếu tố quan trọng tạo ra tăng trưởng.

“Mong rằng các đồng chí phát biểu thẳng thắn để xây dựng, để tháo gỡ cho đất nước, cho ngành mình, đơn vị mình, cho tỉnh mình, chứ không phải chỉ báo cáo thành quả”, Thủ tướng nêu rõ. “Muốn tiếp tục có thành quả thì chúng ta phải tháo gỡ để làm tốt hơn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Đừng để cháy nhà, chết người mới bàn đến chuyện cải tạo chung cư’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO