Đừng để doanh nghiệp ngại chính quyền

Thanh Giang 13/04/2017 09:00

“Chính quyền là chỗ dựa để doanh nghiệp (DN) yên tâm làm ăn, vì vậy đừng để DN sợ chính quyền. Hiện nay DN ngại chính quyền, đây là một thực tế cần tháo gỡ và xóa bỏ”. Đó là nhận định của ông Trần Vĩnh Tuyến- Phó Chủ tịch UBND TP HCM tại buổi họp triển khai giải pháp và nhiệm vụ nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố mới đây.

Thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp tại TP HCM đã và đang được đơn giản hóa.

Liên quan đến PCI, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cho biết, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có công bố về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2016. Theo bảng công bố này thì PCI TP HCM đã giảm từ hạng 6 năm 2015 xuống hạng 8 trong năm 2016.

Sau khi rà soát các chỉ số thành phần của PCI năm 2016, Sở KH-ĐT nhận thấy, trong 10 chỉ số thành phần của PCI thì có 5 chỉ số có điểm tăng và 5 chỉ số có điểm giảm. 5 chỉ số có điểm tăng gồm chỉ số gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, chi phí đào tạo lao động. Còn 5 chỉ số có điểm số giảm tập trung vào tính minh bạch, pháp chế, năng động,… của chính quyền địa phương.

Đơn cử, chỉ số minh bạch giảm từ 6,51 xuống còn 6,50 điểm. Các DN đánh giá còn hạn chế trong việc công khai minh bạch các tài liệu liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn TP HCM. Sự gắn kết giữa DN và cơ quan nhà nước chưa thật chặt chẽ dẫn đến tình trạng cần có “mối quan hệ” và biết cách “thương lượng” với cơ quan nhà nước là cần thiết và quan trọng trong hoạt động kinh doanh.

Tiếp theo, chỉ số năng động của chính quyền địa phương giảm từ 4,19 xuống còn 4,17 điểm. Theo đó, tỷ lệ DN đánh giá việc triển khai và thực hiện các chủ trương, chính sách đối với việc tạo môi trường thuận lợi phát triển khu vực kinh tế tư nhân từ chính quyền địa phương và việc triển khai các chính sách ở sở/ngành, quận/huyện vẫn chưa hiệu quả. Chưa hết, chỉ số thiết chế pháp lý là chỉ số giảm nhiều điểm nhất trong năm 2016, từ 5,04 điểm giảm xuống còn 4,25 điểm.

Ông Nguyễn Hoàng Minh- Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TP HCM khẳng định, kết quả khảo sát về các chỉ số PCI của thành phố cho thấy, DN chưa thật sự hài lòng về cách hướng dẫn và giải quyết thắc mắc cho DN. “Chính quyền vẫn còn gây khó khăn cho DN. Nên xác định ai cần ai để có thái độ phục vụ đúng. Nói chung, khi DN cần đến chính quyền thì chính quyền phải giúp DN một cách tích cực. Chính quyền nên xem DN là khách để có thái độ đón tiếp nhiệt tình và trân trọng hơn”.

Ông Minh cho rằng, chỉ khi nào chính quyền phục vụ tốt cho cộng đồng DN và người dân thỉ chỉ số này sẽ cải thiện đáng kể. Về kế hoạch triển khai các giải pháp nâng cao các chỉ số giảm điểm trong năm 2016, Sở KH-ĐT khẳng định sẽ tập trung công khai các tài liệu pháp lý của thành phố, địa phương trên cổng thông tin điện tử của đơn vị, phương tiện truyền thông đại chúng ở các linh vực xây dựng, đất đai, cấp phép đầu tư,… Về chỉ số tính năng động, sẽ đề cao trách nhiệm của người lãnh đạo trong việc tháo gỡ khó khăn, thực thi chính sách hiện hành để hỗ trợ DN. Tập trung đối thoại, lấy ý kiến DN qua đường dây nóng để lắng nghe và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Dựa trên những chỉ số CPI, ông Trần Vĩnh Tuyến- Phó Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh: “Chính quyền là chỗ dựa để DN yên tâm làm ăn, vì vậy đừng để DN sợ chính quyền. Hiện nay DN ngại chính quyền, đây là một thực tế cần tháo gỡ và xóa bỏ”.

Ông Tuyến cho rằng, chỉ số chi phí không chính thức có tăng từ 4,37 thành 4,74 điểm nhưng vẫn còn tình trạng DN trả chi phí không chính thức vì muốn được việc. TP vận động DN, khi có vấn đề gì khó khăn thì liên hệ lãnh đạo. Song DN vẫn im lặng đưa tiền cho cán bộ rồi than vãn là không được. Cứ để tình trạng này không ổn, làm hỏng cán bộ. Muốn xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh cần cả DN và cơ quan quản lý nhà nước.

Vẫn theo ông Tuyến, 90% sự việc có những bất cập mà DN và người dân phản ánh đúng. Tuy nhiên điều này không đồng nghĩa cán bộ nhũng nhiễu. Vấn đề ở đây là cán bộ không đi sâu vào để tháo gỡ vướng mắc. Chắc chắn các kiến nghị sẽ được bộ/ngành xử lý nếu cán bộ địa phương nỗ lực tìm hiểu sâu vấn đề.

Ông Tuyến dẫn chứng, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gặp vướng mắc gì thì cơ quan liên quan phải tìm hiểu cặn kẽ vấn đề giải quyết rốt ráo cho người dân, DN. Lý do đất đai là tài sản, là nguồn vốn làm ăn. Trường hợp chậm cấp giấy chứng nhận hoặc không được cấp sẽ ảnh hưởng đến cơ hội làm ăn kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đừng để doanh nghiệp ngại chính quyền

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO