Đừng để 'lờn thuốc'!

Thanh Tùng 16/02/2017 09:45

Ngày 15/2, đúng 15 ngày Nghị định 155/2016 NĐ – CP (thay thế Nghị định 179/2013) của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường có hiệu lực thi hành, nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong xử phạt các hành vi xả rác, tiểu tiện, phóng uế nơi công cộng.

Dù ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, đã có một số người tiểu bậy bị ghi hình, bắt quả tang và xử phạt nhưng đây chỉ là con số rất nhỏ so với những gì đã và đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ ở nhiều địa phương – nhất là ở những nơi thu hút đông đảo khách du lịch.

Tiểu tiện bừa bãi không thuyên giảm dù chế tài xử phạt tăng gấp 10 lần so với Nghị định 179/2013. Theo Nghị định 155/2016, người nào tiểu tiện nơi công cộng sẽ bị phạt từ 1 triệu đến 3 triệu đồng (mức phạt cũ theo Nghị định 179/2013 cao nhất là 200.000 đồng, tái phạm là 300.000 đồng).

Tiền phạt cao ngất vẫn không ngăn được hành vi tiểu tiện bừa bãi ở khu vực bến xe buýt Yên Phụ (đối diện bức tường gốm sứ trên đường Yên Phụ của Hà Nội). Đây cũng là một trong những nơi tập trung nhiều nhất người lao động vãng lai.

Tất cả các tài xế xe buýt và lao động vãng lai tập trung hàng ngày ở khu vực bến xe buýt Yên Phụ hình như không mấy quan tâm đến chế tài xử phạt xấp xỉ mức lương hàng tháng của họ đối với 1 lần tiểu tiện bừa bãi vì cho rằng cơ quan chức năng không thể giám sát thường xuyên hành vi này.

Trong số những người “hồn nhiên” tiểu tiện ở nơi công cộng, có rất nhiều người – nếu căn cứ cách ăn mặc, phương tiện sử dụng là ô tô, xe máy đắt tiền – thuộc giới “thượng lưu”, cho thấy hành vi phản văn hóa này đã thành căn bệnh lờn thuốc.

Ai cũng công nhận tiểu tiện bừa bãi là việc làm đáng xấu hổ, lên án hành vi này nhưng hình như trong đời sống hàng ngày, ai cũng tìm được do thỏa hiệp dung dưỡng cho vài phút đáng xấu hổ của mình.

Nghịch lý này lâu nay mặc nhiên tồn tại. Có gì đó chưa thật thỏa đáng để mỗi người trong tư cách thành viên tham gia vào hoạt động đời sống xã hội tự giác đưa mình vào khuôn phép.

Hà Nội đang thiếu trầm trọng nhà vệ sinh công cộng (VSCC). TP Hồ Chí Minh mới chỉ có khoảng 300 nhà VSCC cho lượng dân số xấp xỉ 10 triệu người, chưa kể hàng chục triệu khách vãng lai, du khách (trong khi thống kê ở Singgapore năm 2008 cho thấy có đến 29.500 NVSCC cho 4,5 triệu dân).

Ngoài 2 thành phố lớn ở 2 đầu đất nước, các thành phố thu hút đông đảo khách du lịch ở miền Trung như Đà Nẵng, Hội An cũng thiếu NVSCC.

Việc “xã hội hóa” NVS bằng hình thức vận động doanh nghiệp khách sạn, nhà hàng, hộ gia đình cho khách sử dụng miễn phí NVS “thoải mái như ở nhà mình”, chưa thể là giải pháp căn cơ. Khi mật độ NVSCC còn quá thấp ở các thành phố, đô thị lớn và ở những nơi hàng ngày thu hút đông đảo du khách thì hiển nhiên, vẫn còn có người không sợ… phạt – dù mức phạt tăng gấp 10 lần so với trước đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đừng để 'lờn thuốc'!

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO