Đừng để thủ tục đẻ ra vòi vĩnh

Hoài Vũ 20/05/2020 07:30

Lâu nay văn hóa “phong bì” được nhắc đến như một tệ nạn. Nó là nỗi sợ của doanh nghiệp, người dân bởi không “bôi trơn” thì không xong việc. Mọi thứ cứ “ngâm” và nằm chờ trên bàn làm việc của cán bộ. Và nó lâu ngày trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho tham nhũng vặt, còn doanh nghiệp và người dân ngán ngẩm, chán nản.

Vì thế gần 5 triệu hộ sản xuất kinh doanh cá thể không muốn “lớn” thành doanh nghiệp do lo sợ bị phát sinh thêm nhiều thủ tục hành chính, thanh kiểm tra nhiều lần của nhiều cơ quan. Vì hễ cứ lớn là được “thăm hỏi” nhiều hơn. Hệ quả là gây cản trở cho sự phát triển của đất nước.

Một trong ba trọng tâm của công tác cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020 là nâng cao chất lượng dịch vụ công, với mục tiêu là đảm bảo trên 80% người dân, tổ chức hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước vào năm 2020. Đây là việc làm thể hiện tinh thần “chính quyền phục vụ vì dân”. Tuy nhiên không phải vì thế mà không còn những bất cập.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, trong chỉ số cải cách hành chính năm 2019 thì kết quả đo lường sự hài lòng cho thấy các hạn chế còn tồn tại của chất lượng cung ứng dịch vụ công, phục vụ người dân, tổ chức của cơ quan hành chính Nhà nước. Một loạt thống kê được người đứng đầu ngành nội vụ nhắc đến như: vẫn còn có người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần để giải quyết công việc, bị công chức gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực, bị trễ hẹn trả kết quả, không được cơ quan thông báo, xin lỗi về việc trả kết quả trễ hẹn.

Chưa kể, qua xác định chỉ số cải cách hành chính năm 2019 cũng cho thấy, vẫn còn một số bộ chưa hoàn thành việc thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong năm 2019, hoặc đã hoàn thành nhưng có một số nhiệm vụ còn hoàn thành muộn so với thời hạn được giao. Đặc biệt, công tác cải cách thể chế còn một số hạn chế, bất cập, giá trị trung bình đạt thấp nhất trong 7 lĩnh vực đánh giá. Bên cạnh đó, một số bộ chưa hoàn thành việc xử lý, trả lời các kiến nghị của địa phương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách thuộc phạm vi quản lý của bộ. Một số bộ vẫn còn tình trạng trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính.

Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức là việc làm khó, nhạy cảm. Bởi nó đòi hỏi Chính phủ, chính quyền phải dũng cảm lắng nghe ý kiến phê bình của người dân, tổ chức. Một nghịch lý vẫn đang tồn tại đó là khi người dân, doanh nghiệp không chấp hành theo các thủ tục thì bị xử phạt, song chính những cơ quan, tổ chức không thực hiện nghiêm lại chỉ bị nhắc nhở, cùng lắm “bêu tên” trong các báo cáo, hoặc là sự đánh giá của nhân dân bằng việc đánh giá: “không hài lòng”, “chưa hài lòng”. Không phải ngẫu nhiên, một trong tám kiến nghị đối với Chính phủ được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra để phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 sau đại dịch Covid-19, trong đó có yêu cầu thực hiện có hiệu quả, thực chất cải cách hành chính, giao dịch điện tử liên thông giữa các bộ, ngành, địa phương để thu hút mạnh đầu tư nước ngoài, phục hồi và phát triển doanh nghiệp trong nước. Bởi thực tế từ việc ảnh hưởng của dịch Covid-19, cả hệ thống chính trị đã chuyển từ họp “trực tiếp” sang “trực tuyến” song vẫn phát huy được hiệu quả công việc. Làm việc tại nhà nhưng công việc vẫn trôi chảy, không bị ách tắc.

Tại phiên thảo luận dự án Luật Cư trú sửa đổi, Bộ Công an đã mạnh mẽ thay thế phương thức quản lý cư trú, thủ công là “Sổ Hộ khẩu”, “Sổ Tạm trú giấy” sang quản lý thông qua dữ liệu điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin. Theo đó, ngành này sẽ sử dụng mã số định danh cá nhân của công dân để truy cập, cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bởi đây là phương thức quản lý hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý cư trú, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho nhân dân.

Cũng chính vì lẽ đó, điều quan trọng là sau kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2019 được công bố thì các bộ, ngành cần có sự “chuyển mình” trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Cải cách thủ tục hành chính một cách thực chất, không chỉ giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc đi đến nhiều cơ quan mà còn giảm bớt sự “tiếp xúc” giữa người dân và cán bộ để tránh sự “vòi vĩnh”, “bôi trơn”.

Và để làm được điều đó cần thực hiện nhất quán và triệt để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập làm cản trở doanh nghiệp phát triển; xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp gây nhũng nhiễu, thao túng, chi phối khi thực thi công vụ, vi phạm quy định của pháp luật, làm chậm thời gian, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đừng để thủ tục đẻ ra vòi vĩnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO