Đừng hất giáo viên ra đường

Nam Việt 28/10/2015 09:45

Từ câu chuyện mất việc của hơn 200 giáo viên Hà Tĩnh mới thấy sự đời quá mong manh. Nhận đấy rồi sa thải đấy, nào ai nghĩ đến số phận một con người, ghê hơn là vài trăm con người. Đất nước khác rồi. Khá rồi. Vì thế càng không thể hất nhà giáo ra đường khi mà họ không có tội tình gì.    

Đừng hất giáo viên ra đường

Cô giáo như mẹ hiền.

Ngày 26/10, sau khi đoàn công tác của Bộ Nội vụ do Thứ trưởng Trần Anh Tuấn dẫn dầu vào xem xét vụ 214 giáo viên huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) bị chấm dứt hợp đồng lao đồng; lãnh đạo UBND tỉnh này thừa nhận cấp dưới đã không tuân thủ quy định về quản lý viên chức, sử dụng hợp đồng lao động không đúng, có trường học đang dôi dư song vẫn tuyển mới. Thừa nhận sai là tốt, nhưng quan trọng là số phận hơn 200 giáo viên sẽ ra sao.

Về vụ việc này, theo Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), từ năm 2010 đến 2014, UBND huyện Kỳ Anh (cũ) đã ban hành quyết định cho các trường học trên địa bàn ký hợp đồng với 214 lao động. Sau tách địa giới hành chính, huyện Kỳ Anh có 142 người, thị xã Kỳ Anh có 72 người, trong đó nhiều trường hợp không ký hợp đồng với người sử dụng lao động và không đóng bảo hiểm.

Vẫn theo lãnh đạo huyện này, do địa bàn (cũ) rộng, đã dẫn đến tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ. Đây cũng được coi là nguyên nhân chính dẫn đến sự việc nêu trên.

Lãnh đạo huyện này cũng biện minh rằng, sau khi chia tách huyện Kỳ Anh (cũ) thành TX Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh (mới), căn cứ vào chỉ đạo của tỉnh về việc xử lý số giáo viên dôi dư, hợp đồng, đầu năm học 2015-2016, huyện và TX đã tổ chức nhiều cuộc họp thông báo về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với hơn 200 giáo viên (đa số là Tiểu học và THCS), giải quyết đầy đủ chế độ cho người lao động. Cách hành xử như vậy được coi là đã đầy đủ trách nhiệm với người lao động.

Nhưng đó là cách nói của bậc “phụ mẫu”, còn thì quan trọng hơn và đau hơn: 214 con người, 214 giáo viên sẽ ra sao, thì lại là một việc rất khác.

Trở lại vụ việc, trước việc sẽ bị chấm dứt hợp đồng lao động vào ngày 30/9, hơn 200 giáo viên của TX Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh đã viết “Đơn kêu cứu” gửi tới Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT.

Lui lại, ngày 23/4/2015, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh (cũ) đã ký văn bản số 570/UBND-NV về việc thực hiện công tác đối với cán bộ hợp đồng; yêu cầu các trường lập danh sách đề nghị UBND huyện chấm dứt hợp đồng đối với các trường hợp là giáo viên, nhân viên đã được UBND huyện ký hợp đồng vào làm việc. Theo đó, vào ngày 30/9, 214 giáo viên của cả hai huyện sau khi chia tách sẽ chính thức bị chấm dứt hợp đồng.

Đọc lại lá đơn kêu cứu, thấy thật buồn.

“Với chúng tôi, có những giáo viên thâm niên công tác 12 năm đã từng cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục. Nhiều người được giao những nhiệm vụ quan trọng như: bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi, công tác tuyển sinh; thậm chí có người là tổ trưởng, tổ phó chuyên môn. Ở bất cứ vị trí nào chúng tôi đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Ngày 25/8, họ được triệu tập đến hội trường UBND huyện Kỳ Anh và TX Kỳ Anh để nghe UBND huyện đọc quyết định về việc yêu cầu xử lý giáo viên dôi dư. Nhiều người đã bật khóc.

Thôi, cũng không nói thêm về hơn 200 con người (trong đó phần lớn là phụ nữ) sẽ ra sao khi mất việc. Nhưng có mấy người hiểu mức độ khủng hoảng của họ cả về công việc, thu nhập, tâm lý.

Nói như cô giáo Lương Thị Hải (Trường THCS Giang Đồng) thì họ rất sợ khi học sinh hỏi: Vì sao cô không đi dạy nữa (có nghĩa là cô giáo có tội nên bị đuổi việc). Về nhà chồng con, cha mẹ, người thân, hàng xóm dị nghị, eo xèo, bữa cơm thiếu thức ăn.

Về tâm tư nguyện vọng, đa số giáo viên mất việc chỉ mong rằng, sau lần làm việc của Bộ Nội vụ, họ được tỉnh ưu tiên hơn trong các đợt xét và thi tuyển giáo viên sắp tới, nhất là đối với các giáo viên có thâm niên. Thật đáng phục khi cô giáo Lương Thị Hải cho rằng, cán bộ làm sai, chịu hậu quả là các giáo viên, nhưng họ chỉ mong được đứng trên bục giảng mà thôi.

Nói như lãnh đạo UBND huyện Kỳ Anh, căn cứ vào Luật Lao động, hợp đồng có thời hạn thì hết hạn chấm dứt là đương nhiên. Đó là luật, nhưng ở đây lại khác, vô tình quá.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng, việc chấm dứt hợp đồng với 214 giáo viên có nguyên nhân khách quan là tách huyện, chủ quan thì có những cái chưa thực hiện đúng pháp luật. Mặc dù tỉnh đã phân cấp, nhưng từ năm 2011 tới nay huyện Kỳ Anh (cũ) mới tổ chức một kỳ xét tuyển giáo viên là chưa được, một số bộ môn dôi dư nhưng vẫn ký hợp đồng lao động là sai.

Hiển nhiên rằng, không ai có thể “nhảy” vào trường, vào lớp để dạy học được, nếu không được phép. Nói như ông Nguyễn Thiện- Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh thì UBND huyện Kỳ Anh (cũ) không tuân thủ các quy định về quản lý viên chức, sử dụng hợp đồng lao động không đúng, có trường đang dôi dư và mà vẫn ký hợp đồng.

Có thời điểm thừa 24 giáo viên, nhưng lại nhận hợp đồng 109 người. Trường Tiểu học TX Kỳ Anh thiếu 77 người, nhưng lại hợp đồng với 133 người.

“Như vậy là buông lỏng trong quản lý, thiếu sự kiểm tra, giám sát của Sở Nội vụ, ngành giáo dục, mặc dù đã có sự phân cấp”- theo ông Thiện. Nhưng, UBND huyện là ai? Chẳng lẽ lại là “lỗi tập thể” khi hậu quả thì từng giáo viên phải chịu.

Như vậy, lỗi nào phải do các giáo viên được nhận vào rồi bị mất việc.

Từ câu chuyện mất việc của hơn 200 giáo viên Hà Tĩnh mới thấy sự đời quá mong manh. Nhận đấy rồi sa thải đấy, nào ai nghĩ đến số phận một con người, ghê hơn là vài trăm con người. Quy định của luật là rõ ràng, nhưng cả phía người nhận lẫn phía người được nhận cũng cần nhìn lại. Nhất là phía người nhận. Người xin việc chạy vạy, tìm cửa, mất tiền để có một vị trí công việc, nhưng rồi lại mất việc như chơi.

Thời gian đi qua, quá đắm đuối, cuối cùng là xôi hỏng bỏng không, tiền mất tật mang. Vậy, ai phải chịu trách nhiệm về số phận của những người bỗng chốc đứng đường?

Chừng 30 năm trước, khi đất nước khó khăn, nghề giáo bị coi rẻ. “Thầy giáo tháo giày đi chân đất”, giáo viên bị coi là người “bán cháo phổi”; thầy giáo chạy xe ôm, cô giáo bán cua bán cá... chỉ vì muốn giữ lấy nghề. Nay, đất nước khác rồi. Khá rồi. Vì thế càng không thể hất nhà giáo ra đường khi mà họ không có tội tình gì.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đừng hất giáo viên ra đường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO