Đừng làm biến dạng văn hóa cộng đồng

Phạm Sỹ 28/08/2021 07:23

Những năm qua, ngành văn hóa luôn coi việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng. Trên cơ sở đó khai thác tiềm năng phục vụ phát triển du lịch. Song có nơi lạm dụng, khai thác lệch lạc, không đúng định hướng các giá trị.

Giá trị bị mai một

Đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số chứa đựng kho tàng văn hóa đa dạng, độc đáo. Tuy nhiên đang có một thực tế hết sức đáng lo ngại là việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội có nơi làm tốt nhưng cũng có nơi lạm dụng, khai thác lệch lạc, không đúng định hướng các giá trị. Mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển luôn là vấn đề hiện hữu với những người làm văn hóa.

Để xảy ra thực trạng này, PGS.TS Lê Ngọc Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc cho biết: “Nguyên nhân là do từ chủ trương đến nhận thức và đầu tư không phải tỉnh nào cũng có thể làm tốt. Có tình trạng chỉ dẫn khách du lịch đến nhưng không có sự đầu tư, hoặc có thì rất ít. Xuất phát từ tầm nhìn, phải biến du lịch cộng đồng thành sản phẩm du lịch và là quan điểm lâu dài. Phải đầu tư để cho đồng bào khôi phục. Ở ta cái yếu nhất trong quản lý nhà nước là sự phối hợp giữa các ngành với các địa phương. Để có sản phẩm du lịch tốt phải có đầu tư, địa phương và đơn vị làm du lịch phải cùng chung tay. Đây là thực trạng cần khắc phục”.

Nhiều nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra rằng lớp trẻ ngày nay không còn ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc… Thế hệ trẻ ngày nay nhiều người không nói được tiếng nói của dân tộc mình. Với những dân tộc có chữ viết riêng đứng trước nguy cơ bị thất truyền như dân tộc Nùng, Dao, Thái… Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư còn hạn chế, đội ngũ cán bộ quản lý và làm công tác văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu. Cùng với đó, đa phần nghệ nhân tuổi đã cao, việc tổ chức truyền dạy các loại hình văn hóa truyền thống chưa được bài bản…

Cũng theo PGS.TS Lê Ngọc Thắng: “Trong thời buổi hiện nay, với nền kinh tế thị trường, diễn ra xung đột giữa các nền văn hóa. Các giá trị truyền thống được nhà nước quan tâm nhưng sự mai một vẫn đang diễn ra từng ngày, từng giờ. Những dân tộc có chữ viết và cả tiếng nói bị mai một. Về chính sách thì quan tâm nhưng về cách làm chưa đúng. Có hỗ trợ học tiếng dân tộc nhưng học xong không dùng. Thậm chí trong cộng đồng cũng không được sử dụng. Giữa việc đào tạo và sử dụng có vấn đề. Thiếu giải pháp quyết liệt để cho đồng bào có ý thức trong bảo tồn, truyền dạy lại tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình cho thế hệ trẻ”.

Những vấn đề trên chỉ là điển hình về thực trạng mai một bản sắc văn hóa của một số đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay. Quá trình đô thị hóa cùng sự bùng nổ thông tin bởi công nghệ hiện đại, sự giao lưu văn hóa diễn ra rất nhanh và mạnh khiến văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số đang đứng trước những thách thức lớn do chưa giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.

Đồng bào dân tộc Xơ Đăng (tỉnh Kon Tum) biểu diễn văn nghệ truyền thống giới thiệu cho khách tham quan.

Giữ gìn bản sắc khi khai thác du lịch

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Trong kế hoạch, cần ưu tiên đầu tư, huy động tổng hợp các nguồn lực hỗ trợ công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc thiểu số. Đặc biệt, ưu tiên bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của vùng đồng bào các dân tộc thiểu số có tiềm năng phục vụ phát triển du lịch, có nguy cơ mai một, các dân tộc thiểu số rất ít người.

Vẫn theo đánh giá của PGS.TS Lê Ngọc Thắng: “Nhiều tỉnh đã ý thức coi du lịch là mũi nhọn để phát triển kinh tế. Nếu có điều kiện có thể đưa Việt Nam trở thành một quốc gia du lịch. Việt Nam là một quốc gia có di sản thiên nhiên, di sản văn hóa hiếm có ở trên thế giới. Phải ý thức đây là một cách đi vừa bảo tồn bản sắc văn hóa, vừa thúc đẩy phát huy được di sản thiên nhiên, di sản văn hóa”.

Song song tập trung phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, gắn kết du lịch với giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá các dân tộc thiểu số. Triển khai các giải pháp nhằm tăng tỷ lệ lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ tại các địa phương.

Người Tày ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh chiếm 55% dân số toàn huyện. Có mặt ở vùng đất này từ rất sớm, tộc người Tày đang lưu giữ một kho tàng văn hóa đặc sắc, trong đó có hát then - được ví là tiếng hát của các nàng tiên. Ông Tô Đình Hiệu - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông văn hóa huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) cho rằng: “Ở Việt Nam văn hóa rất đa dạng. Nếu như khai thác được vốn văn hóa đó sẽ phục vụ cho chính đời sống đồng bào các dân tộc. Khi mà khai thác đúng hướng cũng chính là cách để bảo tồn rất tốt. Có thể nói đây là một mũi tên trúng hai đích, đó là bảo tồn và sinh kế. Để giá trị văn hóa nơi cộng đồng đó không bị biến dạng trong quá trình đưa vào khai thác du lịch thì cộng đồng đó có gì sẽ đưa nguyên bản để cho du khách thưởng thức; để du khách trải nghiệm và theo nhu cầu của khách du lịch”.

Đất nước ta đang bước vào thời kỳ mới, vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa, truyền thống của mỗi dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội đang đứng trước những thách thức. Nếu làm không đúng sẽ dẫn tới giá trị văn hóa bị lệch lạc, mất bản sắc. Vì thế chỉ khi xử lý tốt vấn đề này thì công cuộc xây dựng và bảo tồn mới thành công.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đừng làm biến dạng văn hóa cộng đồng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO