Đừng tận thu di sản

Từ Khôi 05/10/2019 08:00

Khi ngành công nghiệp khó phát triển, nhiều địa phương đã chọn mũi nhọn cho phát triển du lịch. Khi đó, di sản văn hóa của mỗi vùng miền sẽ trở thành thế mạnh để thu hút khách du lịch. Di sản văn hóa không chỉ bao gồm các di tích lịch sử văn hóa mà còn là những danh thắng thiên nhiên tươi đẹp. Thế nhưng, nếu chỉ chăm chú tận thu di sản, không biết bảo vệ gìn giữ thì những di sản sẽ mau chóng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đừng tận thu di sản

Khu nhà 7 tầng ở đỉnh Mã Pì Lèng (Mèo Vạc, Hà Giang).

Báo động tình trạng vi phạm

Báo chí và mạng xã hội mới đây nêu vụ việc khu nhà 7 tầng có tên Mã Pì Lèng Panorama ngạo nghễ ở đỉnh Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, Hà Giang) nhìn xuống sông Nho Quế phá vỡ cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Có người ví kiến trúc như này như những chiếc gai bê tông đâm vào sườn núi. Khối nhà với chức năng nhà nghỉ, nhà hàng, café này được xây dựng trên đất trồng cây lâu năm, khởi công từ đầu năm 2018, đến năm 2019 chính thức kinh doanh nhưng chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Điều đáng nói là khu vực Mã Pì Lèng là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia được Bộ VHTTDL xếp hạng tháng 11/2009. Danh lam thắng cảnh Mã Pì Lèng bao gồm đèo Mã Pì Lèng là khu vực đặc sắc về địa chất và cảnh quan, thuộc vùng đệm công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn. Như vậy, theo Luật Di sản văn hóa, khi tiến hành xây dựng, ngay cả UBND huyện Mèo Vạc có cấp phép đi chăng nữa thì cũng cần có ý kiến thỏa thuận đồng ý bằng văn bản của Bộ VHTTDL. Đó là xét về mặt quy trình “hành chính” của việc làm sai. Thế nhưng, ngay cả khi quy trình được thực hiện đúng, nhà đầu tư được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, có giấy phép xây dựng, có văn bản đồng ý của Bộ VHTTDL thì công trình này vẫn không nên xuất hiện. Bởi vì, công trình này phá vỡ cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Khi một công trình tồn tại, những công trình khác sẽ tiếp tục mọc lên nhanh chóng. Và khi đó, danh thắng thực sự bị ảnh hưởng. Mã Pì Lèng sẽ khó lòng thu hút được du khách quốc tế tham quan.

Tình trạng xâm hại di sản để phục vụ du lịch cũng đang diễn ra tại Khánh Hòa. Những kiến trúc biệt thự lầu Bảo Đại (đường Trần Phú, TP Nha Trang, Khánh Hòa) cũng đang bị phá nát bởi tỉnh Khánh Hòa đã giao cho Công ty CP đầu tư Khánh Hà thực hiện dự án khu du lịch (resort) nghỉ dưỡng 5 sao.

Hiện tượng khai thác tận diệt di sản còn diễn ra ở nhiều nơi như Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Mật độ xây dựng ngày một nhiều khiến núi rừng Tam Đảo “ngột thở”. Đến ngay Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long cũng khiến dư luận dậy sóng khi doanh nghiệp khai thác đá, rồi lấn biển. Hay như ở Quần thể danh thắng Tràng An năm 2018 bị Công ty Cổ phần Du lịch Tràng An tự ý đầu tư, xây dựng mở điểm du lịch có tên là “Tràng An Cổ,” tại khu vực núi Cái Hạ nằm trong vùng lõi của di sản.

Cần bảo vệ “tài nguyên văn hóa”

Tầm quan trọng của văn hóa nói chung, di sản văn hóa nói riêng trong phát triển kinh tế đã được Đảng, Nhà nước quan tâm trong nhiều kỳ Đại hội. Nếu như ở Hội nghị Trung ương 5, Khóa VIII văn hóa được nâng tầm ở mức: “Văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là động lực vừa là mục tiêu thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội” thì đến Đại hội XI, trong cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) Đảng ta đã nêu lên định hướng về văn hóa với nội hàm toàn diện, sâu sắc: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”.

Còn với UNESCO từng khuyến cáo các nước trên thế giới: “Tiếp thêm sức mạnh của nền văn hóa đương thời và nâng nó lên ngang tầm với sự phát triển kinh tế và sự phồn vinh của xã hội”, và: “Từ nay trở đi văn hóa cần coi mình là một nguồn bổ sung trực tiếp cho phát triển và ngược lại phát triển cần thừa nhận văn hóa giữ một vị trí trung tâm, một vai trò điều tiết xã hội”.

Trong quy hoạch du lịch Việt Nam đến năm 2030, mục tiêu dự kiến sẽ phát triển 7 vùng du lịch với những sản phẩm đặc trưng theo từng vùng; 46 khu du lịch quốc gia; 41 điểm du lịch quốc gia; 12 đô thị du lịch và một số khu, điểm du lịch quan trọng khác tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch cho các vùng và cả nước.

Nhìn vào con số trên 15 triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm 2018, ít ai chú ý đến “tài nguyên văn hóa” của đất nước đã thu hút khách du lịch như thế nào? Với một nước đang phát triển thì không thể nói thu hút khách du lịch ở các nước phát triển, các nước giàu có, thu nhập bình quân cao đến tham quan nước mình. Những điểm du lịch thu hút khách tham quan ở nước ta chủ yếu là những nơi có di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng hay những địa phương giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Vậy thì việc bảo tồn gìn giữ di sản văn hóa cần được đặt ra một cách cấp thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đừng tận thu di sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO