Dừng thí điểm hợp nhất: Cần có đánh giá cái được, cái chưa được

H.Vũ (thực hiện) 30/07/2022 10:45

Bộ Chính trị đã quyết định tạm dừng thực hiện thí điểm các mô hình hợp nhất như: Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra cấp ủy đồng thời là Chánh thanh tra cấp tỉnh, huyện; Trưởng Ban tổ chức cấp tỉnh đồng thời là Giám đốc Sở Nội vụ. Câu hỏi đặt ra là: Liệu biên chế trong thời gian tới sẽ tăng trở lại? Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định: Không lo ngại vấn đề trên.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh.

PV:Thưa ông, Bộ Chính trị vừa quyết định các địa phương hợp nhất Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch MTTQ cấp tỉnh, huyện. Nhưng lại tạm dừng thí điểm các mô hình hợp nhất như: Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra cấp ủy đồng thời là Chánh thanh tra cấp tỉnh, huyện; Trưởng Ban Tổ chức cấp tỉnh đồng thời là Giám đốc Sở Nội vụ. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Mặt trận và Dân vận là những cơ quan có tính tương đồng, gần gũi với nhau. Còn Ủy ban kiểm tra, Ban tổ chức, Thanh tra và Nội vụ có nhiều nhiệm vụ khác nhau. Một bên thuộc khối Đảng, một bên là Nhà nước, khối chính quyền nên quản lý đối tượng không giống nhau. Nội vụ tuy là tổ chức nhưng quản lý đối tượng là công chức, và viên chức. Còn bên Ban Tổ chức là quản lý công tác cán bộ. Thực tế nếu có hợp nhất các cơ quan đó vào thì vẫn phải chia làm hai bộ phận, chứ không làm chung được. Tương tự, Ủy ban kiểm tra với Thanh tra cũng vậy, vẫn phải chia tách ra hai bộ phận. Đặc biệt, các tỉnh đều có ý kiến phản ánh việc hợp nhất là chưa hợp lý.

Trong nhiệm kỳ qua chúng ta đã vượt chỉ tiêu tinh giản biên chế là 10%. Nhưng cũng có ý kiến lo ngại việc bỏ thí điểm hợp nhất, quay trở lại như cũ thì biên chế sẽ tăng và ảnh hưởng đến mục tiêu tinh giản biên chế, thưa ông?

-Thực ra quay trở lại mô hình trước khi thí điểm cũng không làm tăng biên chế. Bởi hợp nhất là để gọn đầu mối, chứ chưa chắc đã giảm đi nhiều biên chế. Vì khi hợp nhất thực chất vẫn còn hai khối. Khi hợp nhất chỉ giảm thủ trưởng, và thực tế số biên chế là thủ trưởng không nhiều. Đặc biệt, không nhiều tỉnh, thành áp dụng thí điểm hợp nhất Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra cấp ủy đồng thời là Chánh thanh tra cấp tỉnh, huyện; Trưởng Ban tổ chức cấp tỉnh đồng thời là Giám đốc Sở Nội vụ. Chỉ có Quảng Ninh và một vài tỉnh thực hiện. Riêng hợp nhất Mặt trận và Dân vận thì nhiều nơi thực hiện, và chủ yếu thực hiện ở cấp huyện.

Còn để thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế thì phải tinh giản trong từng cơ quan, bộ phận. Hiện tại nhiều bộ đã tinh giản các tổng cục. Sắp tới sẽ có rất ít tổng cục, mà chỉ còn cục và vụ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến nay gần như không còn tổng cục. Rồi ngay bản thân các cục, vụ cũng cần sắp xếp lại bộ máy cho hiệu quả.

Nhưng đây cũng là vấn đề cần nhìn nhận, đánh giá để tổng kết lại?

- Đúng là dừng, nhưng chúng ta cũng cần có đánh giá, tổng kết lại. Đây là vấn đề đã thí điểm gần 10 năm nay. Bây giờ đánh giá lại để thấy cái được, cái chưa được. Sau đó hoàn thiện những cái được để áp dụng vào thực tiễn. Cũng như hiện nay chúng ta tạm dừng thực hiện thí điểm một số các mô hình hợp nhất, còn chủ trương Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch MTTQ thì vẫn đang thực hiện.

Điều quan trọng trong tinh giản biên chế hiện nay là sắp xếp lại bộ máy bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ, thưa ông?

- Thời điểm trước Đại hội XII đã từng có Đề án sáp nhập một vài bộ. Nhưng sau Đại hội XIII, chúng ta chủ trương giữ ổn định các bộ, ngành như hiện nay. Cơ bản chúng ta giữ các bộ, ngành như vậy nhưng sắp xếp lại cơ cấu của bộ, ngành. Như thế gần như mô hình tổng cục còn rất ít. Bây giờ không chỉ cơ cấu bên trong bộ, mà bộ máy của các sở cũng phải giảm nhằm giảm bớt chi từ ngân sách nhà nước cho bộ máy.

Tôi cho rằng, trong thời gian tới, để tiếp tục tinh giản bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thì cần tiếp tục sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển các đơn vị sự nghiệp thành cơ chế tự chủ để giảm bộ máy, ăn lương từ ngân sách. Trước đây 70% ngân sách chi cho bộ máy, bây giờ còn 65% và tiếp tục cần giảm xuống 60 hoặc 55% để còn có tiền chi cho đầu tư phát triển và trả nợ, tránh việc đi vay để đầu tư còn bộ máy thì phình to.

Trân trọng cảm ơn ông!

Giao biên chế công chức, viên chức cho địa phương

Liên quan đến vấn đề tinh giản biên chế, bà Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết: Sắp tới sẽ giao biên chế công chức, viên chức cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ các địa phương trực tiếp quản lý. Trước đây theo Luật Công chức, viên chức và các Nghị định hiện hành thì hàng năm Bộ Nội vụ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để giao biên chế công chức cho các bộ ngành, địa phương. Theo đó, thẩm định số viên chức cho các bộ ngành, địa phương. Nhưng theo tinh thần của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương sẽ trực tiếp giao luôn trên cơ sở ý kiến của Bộ Chính trị và kết luận của Ban chỉ đạo Trung ương, sẽ phân cấp triệt để vấn đề quản lý và giao biên chế công chức, viên chức cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý để đảm bảo quản lý đồng bộ giữa biên chế của khối Đảng, đoàn thể cũng như khối hành chính nhà nước. Đây là vấn đề rất mới, và theo đó sẽ giao tổng thể luôn cho cả giai đoạn 2022-2026. Từ đó giao chỉ tiêu để thực hiện mục tiêu giảm tối thiểu 5% công chức, và giảm số viên chức khoảng 7% để đảm bảo đúng tinh thần Nghị quyết 18 và 19.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dừng thí điểm hợp nhất: Cần có đánh giá cái được, cái chưa được

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO