Được thả tự do sau khi bị tạm giam, Phú Lê có bị coi dính tiền án, tiền sự?

15/12/2020 10:26

"Việc rút đơn của bị hại là tự nguyện không bị ép buộc, cưỡng bức nên cơ quan tố tụng đã ra quyết định đình chỉ thì vụ án chính thức khép lại", luật sư Quách Thành Lực nhận định.

Liên quan đến vụ việc Lê Văn Phú (tức Phú Lê; 40 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) và 2 đàn em Hoàng Văn Thụ (25 tuổi, quê Yên Bái) và Trần Văn Tư (32 tuổi, quê tại Thái Bình) về tội "Cố ý gây thương tích", lãnh đạo Tòa án nhân dân huyện Đan Phượng cho biết, phiên tòa này sẽ dừng xét xử.

Nguyên nhân dẫn đến động thái tố tụng nêu trên là vì ngay sau khi nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử, gia đình "hot girl" Đào Chile (gia đình bị hại trong vụ án) đã rút đơn trình báo trước đó.

Theo lý giải của một lãnh đạo TAND huyện Đan Phượng, chỉ sau 1 ngày tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, phía bị hại đã lập tức có yêu cầu rút đơn.

Trong vụ việc này, Phú Lê có lý lịch tư pháp hoàn toàn trong sạch.
Trong vụ việc này, Phú Lê có lý lịch tư pháp hoàn toàn trong sạch.

Sau khi xem xét việc bị hại rút đơn là hoàn toàn tự nguyện, không có sự ép buộc nào, TAND huyện Đan Phượng đã lập tức ra quyết định đình chỉ vụ án này.

Chia sẻ về việc rút đơn trình báo, chị Trần Thị Đào (tức "hot girl" Đào Chile, 30 tuổi, trú tại huyện Đan Phượng) cho hay, do bố của Phú Lê đang lâm bệnh nặng và vì tình cảm nên gia đình đã rút đơn, tạo điều kiện để Phú Lê có thể phụng dưỡng bố mình.

Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: "Vụ án Phú Lê cùng đàn em bị khởi tố về tội "cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" theo khoản 1 điều 134 bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Vụ án khởi tố theo yêu cầu của bị hại chị Trần Thị Đào (tức Đào Chile) được quy định tại khoản 1 điều 155 bộ luật tố tụng Hình sự 2015.

Khi vụ án được khởi tố theo yêu cầu bị hại nên khi bị hại có đơn rút yêu cầu khởi tố vụ án thì cơ quan tiến hành tố tụng đang thụ lý quyết vụ án sẽ phải ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại khoản 2 điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Ngoài ra khoản 3 điều 155 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 cũng quy định: Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.

Như vậy việc rút đơn của bị hại là tự nguyện không bị ép buộc, cưỡng bức nên khi đã yêu cầu rút đơn, cơ quan tố tụng đã ra quyết định đình chỉ thì vụ án chính thức khép lại. Bị hại cũng mất quyền yêu cầu khởi tố lại vụ án.

Trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án, Phú Lê không bị kết án nên người này cũng không được coi là có tiền án, tiền sự gì liên quan đến vụ việc này. Trong vụ việc này, Phú Lê có lý lịch tư pháp hoàn toàn trong sạch.

Ngoài ra, tại Công văn số 254/TANDTC-PC ngày 26.11.2018 của TAND Tối cao, tại giai đoạn xét xử sơ thẩm: người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì thẩm phán chủ tọa phiên tòa căn cứ vào điều 45, điểm a khoản 1 điều 282 của bộ luật Tố tụng hình sự ra quyết định đình chỉ vụ án.

Do vụ án được xác định mở vào ngày 15/12/2020 nhưng do bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án nên căn cứ các quy định trên đây thẩm phán được phân công giải quyết vụ án sẽ ra quyết định đình chỉ mà không phải mở phiên tòa như lịch dự kiến. Quy định trên đảm bảo tinh thần cải cách tư pháp, không mất thời gian của người tham gia tố tụng, tránh lãng phí ngân sách nhà nước.

Vụ án này và quá trình tố tụng diễn ra cung cấp cho người dân những hiểu biết về tố tụng hình sự, mở ra những hướng hóa giải ân oán, thù hận khi các bên có những tranh chấp, va chạm mà có người bị xử lý hình sự. Hoạt động tố tụng hình sự là trừng trị giáo dục người phạm tội, tuy nhiên chỉ có sự hòa giải ân oán đôi bên như trường hợp này mới giúp giải quyết tận gốc thù hận, chấm dứt những diễn tiến khó lường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Được thả tự do sau khi bị tạm giam, Phú Lê có bị coi dính tiền án, tiền sự?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO