Đuối nước - Bao giờ hết ám ảnh - Bài 1: Chuyện cũ, nỗi đau mới

Lan Hương 29/06/2017 07:50

Đuối nước được xem là hung thần đã cướp đi rất nhiều sinh mạng trẻ em mỗi năm. Tình trạng trẻ đuối nước đã để lại những nỗi đau, mất mát to lớn cho gia đình, nhà trường và toàn xã hội, trở thành nỗi ám ảnh của các bậc phụ huynh nhất là mỗi khi hè đến.

Các biện pháp để hạn chế tình trạng đuối nước mặc dù thường xuyên được nhắc tới, nhưng hiệu quả chưa đạt như kỳ vọng.

Ảnh minh họa.

Công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em đã có chuyển biến tích cực, nhưng phần lớn vẫn dừng lại ở các văn bản chỉ đạo. Trong khi đó, nhận thức của các cấp, các ngành, của cộng đồng, của cha mẹ, người chăm sóc trẻ và bản thân trẻ vẫn còn hạn chế. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng đuối nước ngày càng gia tăng.

Nỗi ám ảnh

Đứng trước thực trạng số trẻ bị đuối nước ngày càng gia tăng, ngày 5-2-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 234/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020, trong đó đề ra mục tiêu: Giảm 6% số trẻ em bị tử vong do đuối nước so với năm 2015; 40% trẻ em trong độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước; 90% trẻ em sử dụng áo phao khi tham gia giao thông đường thủy; 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thí điểm chương trình bơi an toàn cho trẻ em.

Đặc biệt cũng trong năm 2016, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, đơn vị chức năng tiến hành rà soát các khu vực thường xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để cảnh báo, có biện pháp chủ động phòng ngừa kịp thời bảo đảm an toàn cho học sinh, trẻ em trong dịp hè, mùa mưa bão, mùa nước nổi.

Bên cạnh đó, các địa phương, trường học cần tăng cường hướng dẫn kỹ năng bơi lội, kỹ năng phòng, tránh, ứng phó các trường hợp tai nạn, gây thương tích cho trẻ em...

Có thể thấy về mặt chính sách đã khá đầy đủ, thế nhưng tình trạng đuối nước ở trẻ em vẫn là hồi chuông đáng báo động nhất là mỗi khi hè đến.

Sáng ngày 24/6, chị Nguyễn Thị Hoa ở Đắc Lăk để 2 con là Nguyễn Thị Lệ (12 tuổi), Nguyễn Danh Hoan (10 tuổi) ở nhà trông nhà. Đến trưa, chị Hoa trở về nhưng không thấy 2 con ở nhà.

Sau đó, chị Hoa được hàng xóm cho biết, hai con của chị đi câu cá cùng với người em họ là Trần Duy Nguyên (SN 2007). Khi chạy ra ao cá cách nhà khoảng 200m chị Hoa thấy quần áo, dép của các con nằm trên bờ và hoảng hốt kêu gọi người dân xung quanh đến tìm kiếm các cháu. Nhiều người nhảy xuống ao tìm kiếm và phát hiện cả ba cháu nhỏ đã bị đuối nước, chìm dưới ao.

Trước đó ngày 25/4, một vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra ở huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi. Hai trong số 3 em học sinh của Trường PTTH Sơn Hà đã tử vong vì đuối nước trong khi đi tắm cùng nhau ở thác nước Núi Nia.

Trước đó, một vụ tai nạn khác đau xót liên quan đến đuối nước xảy ra tại Gia Lai khiến 4 trẻ đã tử vong.

Thiếu kinh phí, việc dạy bơi vẫn nằm trên giấy

Thực tế, còn nhiều vụ đuối nước thương tâm mà nạn nhân là trẻ nhỏ xảy ra trên phạm vi cả nước. Thậm chí có vụ học sinh biết bơi, tắm ở hồ bơi vẫn bị chết đuối do không có kỹ năng thoát hiểm.

Theo kết quả điều tra của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) cho thấy, trung bình mỗi năm, ở Việt Nam có khoảng trên 7.000 trẻ em bị chết đuối nước (chiếm tỷ lệ 22,6% tai nạn thương tích), chỉ đứng sau tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông là 26,7%.

Năm 2017, theo báo cáo sơ bộ của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB&XH), từ đầu năm 2017 đến nay, các vụ đuối nước đã cướp đi sinh mạng gần 30 trẻ em trên cả nước.

Theo các chuyên gia y tế, các vụ tai nạn đuối nước diễn ra do thiếu sự giám sát của người lớn, chủ quan của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những nơi có mối hiểm họa này chiếm 33% trên tổng số vụ tai nạn.

Bên cạnh đó, dù Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, song thực tế việc triển khai vẫn còn rất nhiều điểm đáng bàn. Cụ thể, dù đã có Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, nhưng việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn.

(Còn nữa)...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đuối nước - Bao giờ hết ám ảnh - Bài 1: Chuyện cũ, nỗi đau mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO