Đuối nước và dạy bơi cho trẻ

Dương Thanh Tùng 09/06/2016 09:15

Việt Nam có 3.300 km bờ biển cùng hệ thống hơn 3.200 sông ngòi, kênh rạch. Dạy bơi cùng kỹ năng sinh tồn trên sông nước là việc làm cấp thiết. Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt mục tiêu dạy bơi đại trà cho học sinh cấp tiểu học nhưng đáng tiếc, 5 năm qua, mục tiêu này mới chỉ dừng ở mức thí điểm.

Đuối nước và dạy bơi cho trẻ

Ảnh minh họa.

Một thống kê mới được công bố cho thấy 50% trong số 6.400 người bị đuối nước hàng năm ở Việt Nam là trẻ em. Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ trẻ em (ở độ tuổi từ 5 đến 15) chết vì đuối nước cao gấp 8 lần các nước phát triển.

Trung bình 1 ngày ở Việt Nam có 9 trẻ em chết vì đuối nước. Mới đây nhất, 2 vụ đuối nước thương tâm xảy ra ngày 6/6 (ở sông Phổ Lợi và Phá Tam Giang huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) làm chết 5 học sinh từ 7 đến 12 tuổi, đã thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về nguy cơ đuối nước ở trẻ em và việc cấp bách phải dạy bơi cho trẻ.

Dạy bơi cho trẻ ngay từ khi mới lọt lòng, đã trở nên quen thuộc ở nhiều nước trên thế giới. Dạy bơi cho trẻ nhìn ở mọi góc độ, không chỉ là việc làm đáng yêu của các bậc cha mẹ mà còn được nhìn nhận như một hành động văn minh. Việc cho trẻ từ vài ngày đến vài tháng tuổi, tắm và tập bơi ở hồ bơi khá phổ biến ở nhiều quốc gia châu Âu.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi có những đứa trẻ vài tháng tuổi vừa được thả xuống nước, đã “bơi lội” tung tăng. Các chuyên gia cho rằng đây là phản xạ bản năng của động vật có vú. Clip, hình ảnh trẻ sơ sinh được cha mẹ cho tập bơi ngay từ khi mới lọt lòng đăng tải trên mạng, nhận được nhiều ý kiến tán đồng của các chuyên gia trong lĩnh vực y tế, sức khỏe.

Tháng 1/2016 khi những bức ảnh người phát minh facebook - Mark Zuckerberg dạy bơi cho cô con gái 2 tháng tuổi được chia sẻ trên mạng, đã ngay lập tức tạo “cơn sốt” với trên 21.000 bình luận và hàng triệu lượt cú nhấn like chỉ trong vài giờ

Trẻ sơ sinh được dạy bơi, tiếp xúc, vận động thường xuyên trong môi trường nước sẽ có kỹ năng vận động linh hoạt, thể chất và sức đề kháng tốt…Trong khi ở nhiều nước tiên tiến, việc cha mẹ cho trẻ tập bơi từ khi mới ra đời được khuyến khích thì ở Việt Nam, ông bà, cha mẹ lại rất sợ điều này vì lo đứa trẻ sẽ bị cảm lạnh, sặc nước. Nhiều tài liệu được công bố cho thấy trẻ có bản năng bơi lội từ khi nằm trong bụng mẹ.

Hầu hết trẻ em vùng biển và vùng sông nước đều biết bơi một cách tự nhiên khi hàng ngày phải (và được tiếp xúc với nước). Không ai chìm ngay khi rơi xuống nước. Trẻ em vùng biển và ở những nơi nhiều sông ngòi, kênh rạch hiểu rõ điều này nên phần lớn đều tự tập bơi. Bắt đầu từ việc di chuyển dần từ nơi nước nông ra vùng nước sâu hơn, đạp chân và quẫy tay để bơi.

Ở vùng biển và vùng sông nước, nhiều trẻ biết bơi là do bị bạn bè bơi giỏi lừa lên ghe thuyền, chèo ra xa rồi bất ngờ đẩy xuống nước. Phản xạ quẫy chân tay khi nổi lềnh bềnh trên nước đã giúp trẻ bơi được. Có 2 cách bơi thông dụng từ những đứa trẻ tự học bơi là “bơi chó” và “bơi sải”. Bơi chó là kiểu bơi cả chân và tay cùng chìm trong nước – khi chân trái và tay trái đạp nước thì chân phải và tay phải vươn tới trước và (tương tự hình ảnh đáng yêu của chú chó bơi theo bản năng khi thả xuống nước) và ngược lại. Còn bơi sải là 2 chân đạp nước, 2 cánh tay thay nhau sải dài về phía trước.

Dù biết bơi nhưng không phải ai cũng có thể an toàn trong các môi trường nước khác nhau. Những đứa trẻ quen bơi ở biển sẽ khó bơi ở sông và ngược lại, vì thế nên dù biết bơi một cách tự nhiên thì tất cả mọi đứa trẻ cần phải được rèn luyện ở môi trường nước khác nhau. Bản năng bơi lội giúp trẻ sinh tồn trong các hoàn cảnh khác nhau nhưng không thể loại trừ các yếu tố khách quan dẫn đến đuối nước.

Nhiều trường hợp trẻ bơi giỏi nhưng khi nhảy xuống nước cứu bạn bè vẫn đuối nước do bị người bạn đang sắp chìm bấu chặt không rời. Rất nhiều trẻ quen bơi trong sóng gió ở biển nhưng lại nhanh đuối sức khi bơi trên sông hồ, kênh rạch.

Trẻ được dạy bơi ở các hồ bơi lại không thể tự cứu mình khi bất ngờ gặp nạn ở sông, biển. Trong vụ chìm tàu du lịch Thảo Vân 2 ĐNa 0016 trên sông Hàn, một số trẻ em (và cả người lớn) sau khi được cứu, đã thừa nhận mình đã được dạy bơi một cách bài bản và đi bơi thường xuyên ở bể bơi nhưng vô cùng lúng túng, hoang mang, mất phương hướng khi rơi xuống dòng sông chảy xiết. Rất may đi sau tàu Thảo Vân 2 là các con tàu du lịch khác nên hoạt động cứu hộ diễn ra ngay lập tức.

Nhiều người trong số 56 nạn nhân được cứu trong đêm 4/6 trên dòng sông Hàn nói rằng họ biết bơi nhưng nếu không có các tàu đi sau cứu kịp thì chỉ sau vài phút sẽ không ai còn có thể bơi nổi.

Trước khi xảy ra vụ đuối nước làm chết 5 trẻ em ở huyện Phú Vang, Thừa Thiên – Huế ngày 6/6; nhiều vụ đuối nước thương tâm cũng đã xảy ra ở Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Đơn cử tháng 4/2016 tại Quảng Ngãi chỉ trong 2 ngày, liên tục xảy ra 2 vụ đuối nước làm chết 11 học sinh. Một thầy giáo Trường Trung học cơ sở Nghĩa Hà – nơi có cùng lúc 9 học sinh bị đuối nước nói rằng không thể ngờ các học sinh của thầy lại đuối nước ở một vũng nước nhỏ. “Có lẽ các em đều không biết bơi hoặc biết bơi nhưng không được chuẩn bị kỹ năng cần thiết để cứu nhau nên mới cùng lúc phải ra đi như thế.

Biết là ngoài dạy chữ, chúng tôi còn phải chuẩn bị cho các em hành trang bơi lội, giúp các em kỹ năng sinh tồn, ứng biến trước các tai nạn bất ngờ. Ân hận, đau đớn thì cũng muộn màng. Chỉ tiếc trường còn nghèo không có hồ bơi để dạy các em bơi lội…”

Một công bố mới đây của Trung tâm nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương (Trường Đại học Y tế công cộng) cho thấy, đuối nước là nguyên nhân tử vong hàng đầu cho trẻ từ 0 đến 18 tuổi với tỷ suất 8,1/100.000 (hơn 3.000 trẻ mỗi năm). Trẻ từ 0 đến 4 tuổi chiếm tỉ lệ cao nhất (1251 nạn nhân/năm), tiếp đến là nhóm 5 đến 9 tuổi (870 nạn nhân/năm).

Việt Nam có 3.300 km bờ biển cùng hệ thống hơn 3.200 sông ngòi, kênh rạch. Dạy bơi cùng kỹ năng sinh tồn trên sông nước là việc làm cấp thiết. Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt mục tiêu dạy bơi đại trà cho học sinh cấp tiểu học nhưng đáng tiếc, 5 năm qua, mục tiêu này mới chỉ dừng ở mức thí điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đuối nước và dạy bơi cho trẻ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO