Đường về...

ĐOÀN XÁ 25/07/2021 06:24

Những ngày qua, khi dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều đô thị lớn, nhiều người tìm cách trở về nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình. Dù được ngồi trên những chuyến bay, tàu lửa, xe đò hay thậm chí xe đạp, đi bộ thì tâm trạng của họ đều dâng một nỗi lo. Và, quê hương là nơi nương náu giúp họ vượt qua thời điểm khó khăn này.

1. Mưu sinh ở những đô thị lớn luôn được cho là dễ dàng, nhưng lại cũng vô cùng bấp bênh. Hàng ngàn những mẩu tin tìm kiếm việc làm với quảng cáo thu nhập, đãi ngộ mà chỉ nghe qua những người dân nông thôn như đã tưởng đổi đời tràn ngập ở thị thành. Thế nên những nơi đó luôn có hàng triệu người tìm tới tạm cư. Nhưng khi bệnh dịch ập đến như một cơn lốc thì tầng lớp người nghèo, người lao động tự do sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên. Khi ấy, trở về quê hương là điều đầu tiên người ta nghĩ tới…

Mấy ngày nay, hình ảnh dòng người đi bộ nhiều cây số trên tuyến quốc lộ 1A từ Bình Định trở về quê hương Quảng Ngãi đã gây ấn tượng với nhiều người. Rồi còn cả gia đình người làm thuê đạp xe từ Đồng Nai về tận Nghệ An. Nhưng thực tế, không chỉ có những người làm thuê ấy mà rất nhiều người khác, trong hàng triệu người nhập cư ở TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai... Anh Mai Văn Phong, 37 tuổi ở xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh, TP HCM) tâm tư: Mấy tháng qua anh tính về quê vợ dưới Bình Đại (tỉnh Bến Tre) nhưng chưa dám quyết.

“Quãng đường chỉ hơn 100 cây số, bình thường mình vẫn chạy xe gắn máy về nhưng đợt này về quê tránh dịch thì đưa cả vợ và 2 đứa con nhỏ về. Giờ về quê không chỉ thuê xe mà còn phải xét nghiệm mấy lần, rồi tiền ăn uống, chi phí cách ly tập trung 14 ngày. Mà giờ ở lại thành phố cũng chật vật, cả hai vợ chồng đều không đi làm 2 tháng qua, trong khi giá lương thực, thực phẩm đắt hơn ngày thường mà cũng rất khó mua. Rồi còn nỗi lo vô tình mắc bệnh nữa”, anh Phong chia sẻ.

Theo anh Phong, do vợ mới sinh nên một năm qua chỉ mình anh đi làm công việc tiếp thị bán dây cáp điện. Lúc dịch bệnh bắt đầu mấy tháng trước ở TP HCM, anh nghĩ sẽ nhanh nên không tính tới việc về quê. Sau đó dịch càng ngày càng diễn biến phức tạp, đường về quê ngày càng xa...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tùy từng địa phương nhưng hầu hết đều quy định những người từ vùng dịch (như TP HCM, Bình Dương...) trở về thì phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19, cách ly tập trung từ 7 tới 21 ngày. Ngoài ra, phương tiện đi lại cũng khó khăn, do nhiều tuyến xe khách đã ngưng hoạt động... Thậm chí một số địa phương còn kiểm soát chặt chẽ hơn là chỉ cho phép những người có hộ khẩu ở quê, người đi khám chữa bệnh, người già neo đơn... mới được trở về thời gian này.

Chị Nguyễn Thị Hiền, 33 tuổi, ngụ tại thành phố Thuận An (tỉnh Bình Dương) cho biết, gần một tháng qua gia đình chị mất ăn mất ngủ vì chuyện về quê ngoài Hà Tĩnh hay ở lại.

“Nhà mình có 2 con nhỏ, có ông bà nội đã hơn 70 tuổi rồi nên gia đình cũng muốn về quê ngoài Hương Sơn nhưng thủ tục hiện nay khá phức tạp. Ngay cả việc di chuyển lên TP HCM hay làm thủ tục tại sân bay cũng rất chặt chẽ. Ngoài việc xét nghiệm lúc đi, lúc về còn phải đi cách ly mà toàn người già với trẻ con. Rồi đi máy bay giờ cũng khó khăn, phức tạp lắm. Nhưng ở lại thì cũng không an tâm, khu phố mình chưa bị phong tỏa nhưng chợ gần nhà có mấy ca nhiễm rồi, đã phong tỏa từ tuần trước. Rồi hàng ngày chồng mình vẫn tới công ty làm việc, nhỡ có lây bệnh của ai đem về nhà thì không biết làm sao nữa”, chị Hiền than thở.

Ngoài chi phí, thủ tục, giấy tờ và quy định của từng tỉnh, thành khiến cho việc trở về quê thời gian này của nhiều người, nhất là những người nghèo, lao động tự do hay sinh viên khá khó khăn. Thậm chí với nhiều người, trở về quê thời gian này là không thể dù rất muốn trở về.

Nhiều người bị kẹt lại những xóm trọ nghèo tại TP HCM.

2. Trên mạng xã hội, nhiều diễn đàn đã bắt đầu có các phương án hỗ trợ như các chuyến xe tình nguyện, xe của tỉnh thành đón người về quê, miễn phí một số dịch vụ... Đây có thể nói là hành động rất cần thiết, đáp ứng đúng nhu cầu của người dân khi mà hầu hết các chuyến bay, xe lửa, xe khách từ TP HCM về các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên... đều đã buộc phải dừng hoạt động. Tuy nhiên, con số người muốn hồi hương lớn hơn gấp nhiều lần. Và vô số người vẫn đang bị “mắc kẹt” ở thành phố, chờ được đăng ký các chuyến đi này.

Bà Nguyễn Thị Năm, 61 tuổi quê ở huyện Di Linh (Lâm Đồng) cho biết, gần hai tháng trước bà đưa con trai xuống dưới TP HCM để khám bệnh. Sau đó bệnh viện Hòa Hảo (quận 10) khám xong và hẹn 3 ngày sau tái khám.

“Tôi với con trai xin ở tạm phòng trọ của gia đình người cháu gái bên quận Bình Tân chờ tái khám. Ai ngờ hai ngày sau khu vực này bị phong tỏa, không đi ra ngoài được nữa. Hiện hai mẹ con chỉ còn gần một triệu đồng để phòng thân”, bà Năm buồn rầu nói. Theo bà Năm, hiện hai mẹ con vẫn có đủ đồ ăn vì nhiều tổ chức từ thiện tới phát gạo, mì gói, thịt, trứng... nhưng do ở nhờ phòng trọ chật chội, bất tiện nên mong muốn được trở về nhà ở trên Di Linh càng sớm càng tốt.

Cũng mắc kẹt trong những căn nhà trọ vùng ven TP HCM còn có cả những bạn sinh viên. Cách đây ít ngày, bạn Mai quê ở Tân Phước (Tiền Giang) cho biết bạn đang theo học một trường đại học bên quận 12, nhưng ở trọ cùng mấy người bạn dưới huyện Hóc Môn.

Mai kể, khi dịch bệnh bùng phát, cô vẫn làm thêm cho một tiệm bánh mì ngọt ở gần trường để có thêm thu nhập. Sau đó tiệm bánh bị dừng hoạt động vì có ca nhiễm Covid-19 tới mua. Sau khi nghỉ việc, cô chuẩn bị để về quê. Cô tới bệnh viện làm xét nghiệm test nhanh Covid-19 và cho kết quả âm tính nên thu dọn đồ đạc, chất lên xe gắn máy về nhà.

Quãng đường chỉ 80 cây số nhưng cô đi qua 2 chốt kiểm dịch ở Long An. Tuy vậy, khi tới địa bàn tỉnh Tiền Giang thì không được qua vì lực lượng ở chốt yêu cầu giấy xét nghiệm PRC. Cô buộc phải trở lại TP HCM. Sau một vài ngày suy nghĩ, cô từ bỏ ý định về quê và quyết ở lại thành phố, lên kế hoạch chi tiêu ăn uống tiết kiệm giữa lúc dịch bệnh đang căng thẳng.

Trong thời gian qua địa bàn TP HCM bùng phát dịch bệnh, số người nhiễm Covid-19 nhiều đã khiến cho nhiều tỉnh, thành địa phương khác lo lắng, áp dụng nhiều biện pháp thắt chặt kiểm soát người từ TP HCM trở về. Dù đây là việc làm cần thiết nhưng cũng vô tình khiến những chuyến trở về của người dân gian nan hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đường về...

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO