Èo uột đại học địa phương

Đoàn Xá 29/08/2017 09:45

Là mô hình trường đại học được nâng cấp từ trường CĐ sư phạm các địa phương lên, sau khoảng hơn chục năm, hầu hết các trường đại học địa phương trực thuộc các tỉnh, thành đều đang trong tình trạng lay lắt, èo uột.

Ngoài ra, nhiều trường ĐH dân lập ở các địa phương (không tính các trường ở Hà Nội hay TPHCM) cũng ở trong hoàn cảnh tương tự. Đặc điểm chung của rất nhiều trường đại học địa phương, nhất là các tỉnh nghèo xa xôi là khó tuyển sinh, dựa chủ yếu và ngân sách tỉnh nhà.

Trong kỳ xét tuyển đại học vừa qua, phần lớn các trường đại học địa phương đều thiếu thí sinh, hoặc không tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Cá biệt nhiều trường chỉ có dưới 10 thí sinh trên tổng số vài trăm chỉ tiêu. Thậm chí ngay cả khi đưa điểm xét tuyển về mức điểm sàn hay “lách luật” bằng các hình thức xét tuyển ưu tiên hay học bạ, các trường đại học ở địa phương cũng không có đủ thí sinh như dự kiến.

Tất nhiên, khi tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, các trường đại học địa phương cũng không thể tự sống và phải dựa vào nguồn ngân sách. Hoạt động giáo dục, nhất là giáo dục đại học hiện nay cần có cơ sở vật chất để học tập, thực hành, nghiên cứu rất nhiều mà chỉ dựa vào nguồn ngân sách sẽ khó đáp ứng được nhu cầu của sinh viên.

Thế nhưng, không chỉ đến kỳ tuyển sinh năm 2017 này mà trước đây vài năm, tình trạng khó khăn của các đại học địa phương đã được cảnh báo. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự “hụt hơi” của các trường đại học địa phương, trong đó quan trọng là chất lượng giảng dạy.

Hầu hết các trường này đều thiếu đội ngũ nhân lực chất lượng cao là các giảng viên chuyên ngành với chuyên môn giỏi. Ngoài ra, sự cạnh tranh gay gắt đến từ các trường đại học, học viện lâu đời, uy tín cũng khiến các trường đại học địa phương có tuổi đời non trẻ chỉ trên dưới 10 năm thành lập không trụ vững.

Nếu như trước kia, các trường này chỉ đào tạo một vài ngành nghề thì khi nâng cấp thành đại học, rất nhiều ngành nghề được mở ra nhưng đội ngũ giảng viên, chất lượng đào tạo không đáp ứng, không theo kịp các trường khác khiến thương hiệu ngày một sụt giảm.

Theo một chuyên gia giáo dục, hướng đi cho các trường đại học địa phương hiện nay là xin về cơ quan chủ quản của Bộ GD&ĐT hay xin cơ chế tự chủ để có thể tự cạnh tranh sòng phẳng, thay vì dựa vào nguồn ngân sách.

Đây là mô hình tuy khó khăn nhưng là “đường sống” bền vững và không thể khác của các trường đại học địa phương.

Và thực tế, cũng có nhiều trường đại học ở địa phương, như ĐH Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) tuy tự chủ nhưng đã có những hướng đi đúng đắn, ngày càng lớn mạnh, tạo được thương hiệu và không phải sống dựa vào ngân sách.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Èo uột đại học địa phương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO