EU ra điều kiện với nước Anh

Khánh Duy 11/04/2017 22:05

27 quốc gia thành viên còn lại của Liên minh châu Âu (EU) đã lên kế hoạch thông qua bản hướng dẫn về Brexit, trong đó nội dung được cho là kêu gọi Brussels áp đặt các điều kiện “hà khắc” đối với nước Anh trong các vòng đàm phán về Brexit sắp được tổ chức.

Chủ tịch EU Donald Tusk (phải) và Thủ tướng Anh Theresa May. (Nguồn: Reuters).

Bản hướng dẫn đàm phán Brexit dự thảo của ông Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, công bố trong hôm 11/4 nói rằng nước Anh sẽ phải chấp nhận các điều luật, tòa án và khoản phí ngân sách của EU nếu như nước này muốn tìm kiếm một sự chuyển tiếp suôn sẻ khỏi thị trường đơn EU.

Nói cách khác, Anh sẽ phải chấp nhận đóng các khoản chi phí lớn và tuân thủ luật pháp châu Âu cùng nhiều tiến trình khác nếu như muốn có một thỏa thuận chuyển tiếp với EU – một khoảng thời gian trễ trước khi thực thi thỏa thuận Brexit giữa EU và Anh diễn ra. EU dự kiến sẽ đặt ra một “lằn ranh đỏ” với Anh trong các vòng đàm phán tới.

Ngay trước khi các vòng đàm phán chi tiết được tổ chức trong hôm 11/4 tại Brussels liên quan tới văn bản chính thức về đàm phán Brexit bắt đầu, một số nhà ngoại giao kỳ cựu của EU đã hé lộ rằng bản Dự thảo hướng dẫn về Brexit đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của 27 quốc gia thành viên còn lại.

Hai trong số các nhà ngoại giao này nói với Hãng tin FT rằng văn bản dự thảo của ông Tusk dường như vẫn giữ nguyên so với hướng dẫn mà ông đưa ra trước đó, mà không có sự thay đổi lớn nào; và phần lớn các nhà ngoại giao đều không có phản ứng nào trước cách tiếp cận cứng rắn đối với Anh.

“Tôi vẫn chưa nghe thấy bất cứ điều tiếng phản bác gì về Dự thảo hướng dẫn Brexit” – một trong hai vị quan chức cấp cao của EU nói với Hãng FT trước khi cuộc họp ở Brussels diễn ra.

Được biết, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã đưa ra dự thảo văn bản hướng dẫn này chỉ 2 ngày sau khi Thủ tướng Anh Theresa May kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, chính thức khởi động tiến trình rời khỏi EU.

Gây tranh cãi nhất trong văn bản này hiện nay chính là việc thỏa thuận giữa EU với Anh sẽ không được áp dụng với Gibralta mà không có sự cho phép của Tây Ban Nha, điều khiến cho chính quyền London hết sức tức giận khi cho rằng vụ tranh chấp này có thể đẩy Anh và Tây Ban Nha vào một cuộc chiến.

Thủ tướng May sau đó đã đưa ra phản ứng bằng việc khẳng định rằng Anh sẽ giải quyết vấn đề bằng các vòng đàm phán với tất cả các nước thành viên của EU, trong đó có Tây Ban Nha, để đưa ra một thỏa thuận Brexit.

Dù các nhà ngoại giao EU cho hay Anh không hề che giấu sự tức giận liên quan tới vấn đề tranh chấp ở Gibralta, họ cho rằng phản ứng này được thể hiện thái quá trên các hãng truyền thông Anh mới đây. Tuy nhiên, một số nhà ngoại giao EU cho rằng tính đến thời điểm này, Anh vẫn chưa đưa ra tín hiệu cho thấy họ sẽ tìm cách thay đổi các điều khoản liên quan tới Gibralta trong văn bản hướng dẫn Brexit của EU.

Chủ tịch EU Donald Tusk đã kêu gọi tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh đặc biệt có sự tham dự của 27 quốc gia thành viên còn lại vào ngày 29/4 tới nhằm phê duyệt văn bản hướng dẫn Brexit. Sau cuộc họp trong hôm 11/4, giới chức EU dự kiến sẽ ký kết thông qua bản Dự thảo về Brexit trong một cuộc họp trù bị tổ chức vào ngày 24/4 tới.

“Tâm lý chung trong cuộc họp lần này là văn bản hướng dẫn Brexit đã được vạch ra rất tốt” – FT dẫn lời một nhà ngoại giao tham gia Hội nghị Brussels và cho hay: “Có khả năng lớn là Dự thảo này sẽ được phê duyệt mà không vấp phải sự phản đối nào”.

Được biết, Chính phủ Anh đã công khai kế hoạch hướng tới “hard Brexit” – ám chỉ việc nước này rời khỏi thị trường EU để đổi lấy quyền kiểm soát hoàn toàn vấn đề nhập cư. Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế, các nhóm vận động hành lang cùng giới doanh nghiệp nước này trong thời gian qua đã liên tục thúc đẩy chính phủ theo đuổi một thỏa thuận chuyển tiếp cho phép Anh có thêm thời gian để điều chỉnh cho sự thay đổi lớn này.

Ngay từ đầu tháng 4, hàng loạt các ngân hàng, các chuyên gia phân tích kinh tế cùng nhiều thể chế ở Anh đã thể hiện rõ sự quan ngại rằng họ sẽ gặp khó khăn trong việc tự chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình Brexit dự kiến diễn ra trong vòng 2 năm.

Đạt được một thỏa thuận chuyển tiếp được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với các công ty ở Anh, bởi nó kéo dài khoảng thời gian để các công ty cùng nhiều thể chế của nước này chuẩn bị sẵn sàng cho những thay đổi lớn trong cách vận hành của họ.

Đối với nhiều nhà đầu tư, việc người dân Anh bỏ phiếu rời khỏi EU là một cú sốc lớn với thị trường. Tuy nhiên, với những người dân bình thường tại Anh thì họ không cảm nhận được mấy ngoài việc đồng Bảng Anh mất giá và những người nhập cư thấy lo lắng hơn cho tương lai của mình.

Dẫu vậy thì hiện nay người dân Anh có lẽ đã bắt đầu “ngấm đòn” từ Brexit khi gần đây hàng loạt các công ty quốc tế ngỏ ý rời Anh, trong khi một số quốc gia trong Liên hiệp Vương quốc Anh (UK) như Scotland tỏ ý muốn tách khỏi đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    EU ra điều kiện với nước Anh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO