EU thỏa thuận về vấn đề di cư: Bằng mặt nhưng không bằng lòng

Khánh Duy 25/09/2015 09:30

Trong một cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp hôm 24/9 về vấn đề khủng hoảng di cư,  lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã thỏa thuận sẽ viện trợ cho các quốc gia lân cận Syria một khoản trị giá 1 tỷ USD thông qua các cơ quan của LHQ, cũng như củng cố khu vực biên giới các nước để đối phó với làn sóng người di cư.

EU thỏa thuận về vấn đề di cư: Bằng mặt nhưng không bằng lòng

Dù đạt thỏa thuận, nhưng EU vẫn chia rẽ sâu sắc vì khủng hoảng di cư. Nguồn:Straittimes.

Khoản viện trợ 1 tỷ USD

Dù rằng tình trạng căng thẳng gần như nhấn chìm hàng loạt các quốc gia châu Âu khi họ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến II, nhưng Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cho biết các nhà lãnh đạo đã tạo được bước đột phá trong các vòng đàm phán được tổ chức ở Brussels.

“Chúng tôi đều đã hiểu rằng chúng tôi không thể tiếp tục những gì giống như đã làm trước đây” – ông Tusk nói trong một cuộc họp báo – “Đây là một thời khắc quan trọng, tôi đảm bảo rằng chúng tôi đã thoát khỏi trò chơi đổ lỗi đầy rủi ro trước đây”.

Trước đó, lãnh đạo EU liên tục đổ lỗi cho nhau về vấn đề di cư, thậm chí còn muốn trút gánh nặng tiếp nhận người di cư cho các thành viên khác trong khối. Nhưng sau thỏa thuận đạt được, họ đã nhất trí sẽ cấp khoản viện trợ 1 tỷ USD cho Cơ quan phụ trách di trú và Chương trình Lương thực thế giới của LHQ để giúp đỡ người di cư ở những khu vực xung quanh Syria.

Ngoài ra, Brussels cũng sẽ tăng cường hỗ trợ cho một số nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Jordan và các quốc gia vùng Balkan – vốn là các tuyến đường chính mà người di cư lựa chọn để di chuyển tới EU. Tổng thống Pháp Francois Hollande còn nói rằng đất nước ông sẽ hỗ trợ khoản tiền 100 triệu Euro cho các nước này trong vòng 2 năm tới, trong khi Thủ tướng Anh David Cameron cam kết khoản viện trợ 100 triệu Bảng (153 triệu USD).

Bất đồng mới nảy sinh

Tuy nhiên, có một điểm tối trong thỏa thuận đạt được lần này, đó là lãnh đạo EU sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp ngăn chặn người di cư tại khu vực biên giới. Điều này khiến nhiều người lo ngại rằng Hiệp ước Schengen từng là niềm tự hào của EU sẽ bị phá vỡ, khi các nước đua nhau triển khai các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt, nhằm ngăn chặn dòng người di cư đi vào khối này.

Theo ông Tusk, EU cũng đã có một thỏa thuận gây tranh cãi, trong đó thiết lập hàng loạt trung tâm tiếp nhận ở các nước được coi là “điểm nóng” của khủng hoảng di cư – có khả năng là Hy Lạp và Italy – để nhanh chóng phân loại những người di cư do chạy khỏi vùng chiến sự và những người di cư vì mục đích kinh tế.

Cuộc họp lần này ở Brussels được đánh giá là diễn ra trong bầu không khí đỡ căng thẳng hơn nhiều so với dự đoán trước đó.

Trong một động thái hiếm có ngay trước lúc kết thúc cuộc họp khẩn cấp, Bộ trưởng Nội vụ các nước cũng thúc đẩy thông qua một thỏa thuận, trong đó giải quyết tái định cư cho khoảng 120.000 người di cư, dù vấp phải sự phản kháng kịch liệt từ một số quốc gia khu vực Đông Âu như Hungary, Cộng hòa Séc, Romania và Slovakia.

Thủ tướng Slovakia Robert Fico nói rằng ông thà đệ đơn kiện lên Tòa án tối cao của EU hơn là chấp nhận “sự độc tài” của Brussels. Trong khi Thủ tướng Hungary Viktor Orban lại chỉ trích mạnh mẽ Thủ tướng Đức Angela Merkel sau thỏa thuận này.

Trước đó, ông Orban từng khiến nhiều chính phủ trong EU tức giận sau khi đơn phương xây dựng hàng rào thép chặn người di cư ở biên giới với Serbia, thậm chí còn gây sức ép với Hy Lạp để ép nước này tiếp nhận thêm người di cư.

Thỏa thuận này chỉ giải quyết được một phần nhỏ trong số 500.000 nghìn người di cư đã đến châu Âu trong năm nay và hơn 4 triệu người di cư khác còn đang phải cắm trại ở biên giới Syria, trong khi lại khiến sự chia rẽ trong EU thêm phần sâu sắc giữa một bên là các nước giàu ở Tây Âu và một bên là các nước nghèo ở khu vực Đông Âu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    EU thỏa thuận về vấn đề di cư: Bằng mặt nhưng không bằng lòng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO