F1 Vinfast Vietnam Grand Prix: Kịch bản nào cho giải đua?

Thanh Hà 13/03/2020 07:00

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty nắm giữ quyền khai thác thương mại giải đua xe công thức 1 (F1), ông Chase Carey vừa tới Việt Nam để kiểm tra công tác tổ chức, chuẩn bị. Việc được nhiều quan tâm nhất lúc này chính số phận của giải đua xe lần đầu được tổ chức tại Việt Nam sẽ ra sao?

F1 Vinfast Vietnam Grand Prix: Kịch bản nào cho giải đua?

Chặng đua F1 tại Việt Nam đang đối mặt nguy cơ bị hủy bởi dịch bệnh Covid-19.

Bóng đen Covid-19

Đại dịch Covid-19 đang phủ bóng đen lên làng đua xe thế giới. Việc vòng đua thứ 4 của F1 diễn ra tại Thượng Hải (Trung Quốc) chính thức được thông báo hoãn hồi đầu tháng 2/2020 vì dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều người lo lắng cho các chặng đua khác của mùa giải năm nay. Mùa giải F1 thế giới sẽ chính thức bắt đầu vào cuối tuần này bằng chặng đua đầu tiên Australian Grand Prix tại Melbourne (Australia). Thế nhưng, chỉ ít ngày trước khi vòng đua chính thức bắt đầu, những thông tin không hay đã đến khi có 3 trường hợp gồm 2 thành viên của đội đua Haas và 1 thành viên đội đua McLaren phải cách ly do nghi ngờ nhiễm virus Covid-19.

Hiện các quan chức của Giải đua xe F1 vẫn chưa đưa ra bình luận về vấn đề này. Tuy nhiên, những thông tin trên chắc chắn sẽ làm gia tăng làn sóng phản đối việc giải đấu được tổ chức tại Australia.

F1 Australia có thể sẽ vẫn diễn ra bình thường nhưng ở chặng đua F1 kế tiếp tại Bahrain diễn ra trong các ngày 20 – 22/3 đã chính thức trở thành chặng đua đầu tiên trong lịch sử F1 không khán giả vì lo ngại dịch Covid-19. Chỉ vài ngày sau khi tuyên bố ngừng bán vé vì những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 do chủng mới của virus corona, Ban tổ chức Bahrain Grand Prix đã đưa ra quyết định chặng đua này sẽ không có khán giả. Grand Prix Bahrain là chặng đua F1 thứ hai của mùa giải, diễn ra vào ngày 22/3 – hai tuần trước Vietnam Grand Prix. Nhiều người lo lắng cho việc tổ chức Việt Nam Grand Prix lần đầu tiên liệu sẽ theo kịch bản nào?

Phương án nào tối ưu?

Ngày 11/3, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty nắm giữ quyền khai thác thương mại giải đua xe công thức 1 (F1), ông Chase Carey đã tới Việt Nam kiểm tra công tác tổ chức. Câu chuyện được tất cả quan tâm nhất lúc này chính là buổi làm việc của ông với lãnh đạo TP Hà Nội và quyết định số phận của giải đua xe lần đầu được tổ chức tại Việt Nam. Chưa có thông tin chính thức về việc tiếp tục hay dừng cuộc đua F1 ở Việt Nam, hay tổ chức đua nhưng không có khán giả, tất cả vẫn phải chờ quyết định cuối cùng dự định sẽ được chính thức công bố vào ngày 15/3.

Lúc này, nhiều chuyên gia đang đặt ra những phương án có thể đến với F1 Việt Nam. Phương án đầu tiên là hoãn hủy toàn bộ sự kiện, phương án 2 là vẫn tổ chức đua nhưng không khán giả và phương án cuối là tạm hoãn tìm thời điểm thích hợp vào cuối năm để tổ chức. Trong số các phương án này, nếu phải hoãn hủy không tổ chức sẽ gây thiệt hại cực kỳ nặng nề về kinh tế cho Công ty Grand Prix Việt Nam, đây là đơn vị đầu mối chi trả cho F1, UBND thành phố Hà Nội là đơn vị đăng cai. Cũng sẽ gây thiệt hại nặng nhưng cơ hội lần đầu được tổ chức vẫn còn đó là khi giải sẽ tổ chức không khán giả. Tuy nhiên, cả 2 phương án trên sẽ đều gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho đơn vị tổ chức.

F1 Bahrain trở thành chặng đua đầu tiên trong lịch sử F1 không khán giả gây tổn thất khá nhiều về mặt tài chính. Ở các mùa trước, chặng Bahrain luôn thu hút đều đặn lượng khán giả kỷ lục trên 100.000 người. Vì vậy, khi chặng đua phải đóng cửa với khán giả thì doanh thu bán vé coi như mất trắng, chưa kể những hoạt động thương mại hay sự kiện khác liên quan như các show ca nhạc hay trình diễn thời trang đều bị hủy bỏ.

Cũng thiệt hại nặng về kinh tế là giải Thượng Hải khi bị hủy. Theo dự tính của nhiều chuyên gia, chặng đua F1 Trung Quốc bị hoãn gây thiệt về tài chính hơn 45 triệu USD (xấp xỉ 1.000 tỷ đồng). Số tiền này bao gồm chi phí của cuộc đua 38,8 triệu USD, doanh thu từ các khách sạn khoảng 3,8 triệu USD và các giá trị thương mại khác tùy thuộc vào các sự kiện được tổ chức xung quanh cuộc đua. Đây là con số đo đếm được chứ chưa tính đến những thiệt hại về việc đầu tư hạ tầng, khai thác hình ảnh của giải đua.

Những con số thiệt hại kinh tế đó cũng sẽ xảy ra với Việt Nam và còn lớn hơn nhiều bởi đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức. Theo những tính toán trước đó, chi phí bỏ ra để tổ chức giải đua F1 khoảng 150 triệu USD. Tại cuộc họp khẩn về bệnh nhân N.H.N, ca nhiễm Covid-19 thứ 17 tại Việt Nam, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã cho biết đến thời điểm này, ban tổ chức đã nhận được đăng ký của 100.000 du khách quốc tế sang Việt Nam theo dõi F1. Ngoài ra, BTC dự tính có khoảng 30.000 - 40.000 khán giả trong nước đến theo dõi sự kiện này. Việc tổ chức không khán giả sẽ khiến BTC mất trên 700 tỉ đồng tiền vé.

Và nếu kế hoạch tổ chức F1 không có người xem được thông qua, chỉ riêng phí phục vụ du khách quốc tế với số lượng người lên đến con số 100 nghìn người sẽ khiến các ngành dịch vụ sẽ mất đi khoản thu ước tính cũng phải trên dưới hàng trăm tỉ đồng tiền phí. Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung kỳ vọng giải đua lần này là cơ hội thu hút khách du lịch nhưng việc phải hủy hoặc tổ chức không khán giả khiến cơ hội đã mất đi cơ hội quảng bá.

Theo những thông tin bên lề sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung và ông Chase Carey thì khả năng hoãn giải F1 tại Việt Nam là rất cao. Việc tổ chức chặng đua F1 ở Hà Nội năm 2020 có được tiến hành như dự kiến hay không cần thêm ý kiến của Liên đoàn Đua xe thể thao tốc độ thế giới (FIA) và dự kiến quyết định chính thức sẽ được đưa ra vào ngày 15/3 sau khi kết thúc chặng đua đầu tiên tại Australia.

Và hiện giờ những nhà tổ chức F1 Việt Nam đang rất hy vọng sẽ có được phương án tốt nhất nhằm giảm thiểu thiệt hại kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    F1 Vinfast Vietnam Grand Prix: Kịch bản nào cho giải đua?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO