Facebook đối mặt khủng hoảng

Hà Anh 08/10/2021 07:10

Facebook - “ông lớn” trong giới công nghệ đang gặp phải những chuỗi ngày khó khăn nhất khi đối mặt với nhiều vấn đề cùng lúc, từ sự cố sập toàn cầu khiến cổ phiếu lao dốc đến việc bị tố cáo gây chia rẽ cộng đồng trước Thượng viện Mỹ.

Bất lợi bủa vây

Sau khi Facebook, cùng ứng dụng chia sẻ hình ảnh Instagram và dịch vụ nhắn tin WhatsApp của mạng xã hội này gặp sự cố gián đoạn hoạt động trên toàn cầu trong khoảng 7 tiếng đồng hồ tối 4/10 vừa qua, gây ảnh hưởng tới hàng tỷ người dùng trên thế giới, giá cổ phiếu của Facebook tiếp tục lao dốc 4,9% sau khi đã giảm khoảng 15% kể từ giữa tháng 9.

Phiên giảm điểm này khiến tài sản của ông Mark Zuckerberg giảm hơn 6 tỷ USD, xuống còn 126,6 tỷ USD và ngay lập tức, ông chủ Facebook bị tụt xuống hạng thứ 5 trong bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg.

Chỉ chưa đầy 1 ngày sau sự cố nghiêm trọng này, bà Frances Haugen, một cựu Giám đốc của Facebook đã ra làm chứng trước một Tiểu ban về bảo vệ người tiêu dùng thuộc Ủy ban Thương mại Thượng viện Mỹ vào ngày 5/10 và tố cáo với các nhà lập pháp Mỹ rằng “người khổng lồ” trong lĩnh vực truyền thông xã hội này đang gây chia rẽ trong cộng đồng, gây hại cho trẻ em, nhưng từ chối thực hiện những thay đổi có thể làm tổn hại đến lợi nhuận của họ.

Bà Frances Haugen đã tiết lộ khá chi tiết những gì thu thập được trong thời gian làm việc tại công ty. Theo đó, tố cáo Facebook đặt lợi nhuận lên trên con người.

Bà Haugen nhấn mạnh, quyền lực của mạng xã hội này đang đan chặt vào cuộc sống hàng ngày của hàng tỷ người dùng trên thế giới. Bà cũng lưu ý rằng, nền tảng mạng xã hội này đang thúc đẩy nhiều nguy cơ như chứng rối loạn ăn uống, sự xấu hổ về cơ thể và không hài lòng về bản thân. Theo bà Haugen, đây là những vấn đề nguy hiểm, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi.

Bà Haugen cho biết: “Ban lãnh đạo của công ty biết cách và đủ nguồn lực tạo ra môi trường Facebook và Instagram an toàn hơn, nhưng họ không thực hiện những điều chỉnh cần thiết, do họ đặt lợi nhuận của công ty lên trước lợi ích của người dùng”.

Bà Haugen cũng cáo buộc Facebook nhận thức rõ về tác hại đối với giới trẻ và việc lan truyền thông tin sai lệch gây thiệt hại cho xã hội như thế nào, đồng thời tiết lộ về cách các chuyên gia của Facebook tiến hành những nghiên cứu mở rộng về tác động tiêu cực của Facebook và Instagram đối với thanh thiếu niên, đặc biệt là về sức khỏe tinh thần và hình ảnh cơ thể.

Bà cũng nêu chi tiết về cách công ty nhắm mục tiêu tới người trẻ, gồm cả người dưới 13 tuổi. Đồng thời đề cập đến việc ông chủ Facebook Mark Zuckerberg đang nắm quyền lực tuyệt đối và độc nhất trong giới công nghệ, với trên 55% cổ phần có quyền biểu quyết tại Facebook.

“Không một công ty lớn tương tự nào lại được kiểm soát đơn phương như vậy”- bà Haugen nói.

Phản ứng từ các bên

Những vấn đề phát sinh khiến “gã khổng lồ” Facebook gây chú ý đối với giới làm luật ở cả Mỹ, châu Âu và nhiều quốc gia khác.

Thượng nghị sĩ Dân chủ bang Connecticut (Mỹ) Richard Blumenthal - Chủ tịch Tiểu ban tổ chức phiên điều trần của Haugen, đã ca ngợi sự dũng cảm của bà Haugen khi tiết lộ “những sự thật khủng khiếp về một trong những tập đoàn khổng lồ quyền lực nhất thế giới”.

Có chung quan điểm, Thượng nghị sĩ Ed Markey cũng gửi thông điệp tới Giám đốc điều hành của Facebook Mark Zuckerberg rằng: “Thời gian xâm phạm quyền riêng tư của chúng tôi, quảng bá nội dung độc hại, cũng như lôi kéo trẻ em và thanh thiếu niên đã hết. Quốc hội sẽ hành động để kiểm soát Facebook hay các nền tảng tương tự”.

Tại châu Âu, hai nghị sĩ của Nghị viện châu Âu đã kêu gọi mở một cuộc điều tra những cáo buộc cho rằng Facebook đặt lợi nhuận lên trên lợi ích của công chúng. “Hồ sơ Facebook và những tiết lộ mà người tố giác đưa ra cho thấy tầm quan trọng của việc chúng ta không nên cho phép các hãng công nghệ lớn tự điều tiết”- nghị sĩ Đan Mạch Christel Schaldemose nói.

Trong khi đó, vài giờ sau khi bà Haugen làm chứng trước Thượng viện, ông chủ Facebook Mark Zuckerberg đã có bài đăng phản bác lại những cáo buộc.

Ông Zuckerberg lập luận rằng, bà Haugen đã đưa nghiên cứu của Facebook về tác động của nền tảng này đối với trẻ em ra khỏi bối cảnh. Về bản chất, ông Zuckerberg cho rằng, bà Haugen không đủ tư cách để khắc họa đúng những vấn đề của công ty, rằng bà đã vẽ một “bức tranh sai lệch về công ty”.

Ông Zuckerberg viết: “Trọng tâm của những lời buộc tội này cho rằng chúng tôi ưu tiên lợi nhuận hơn sự an toàn và hạnh phúc. Điều đó hoàn toàn không đúng”. Ông lấy dẫn chứng về tính năng cập nhật cho News Feed mới được thiết kế để hiển thị ít video lan truyền hơn và nhiều nội dung hơn từ bạn bè và gia đình cho người dùng. Ông cho biết lời buộc tội của Haugen ít tập trung vào tính năng News Feed mới, vốn sẽ giúp giảm đáng kể các thông tin sai lệch và nội dung kích động khác.

Trước cáo buộc từ bà Haugen cho rằng, Facebook cho phép nội dung “gây thù hận”, “chia rẽ” và điều đó dễ truyền cảm hứng cho mọi người đến với dịch vụ hơn là các cảm xúc khác, ông Zuckerberg coi đó là cáo buộc phi logic. Ông cho biết, Facebook kiếm tiền từ quảng cáo và các nhà quảng cáo nói với công ty rằng họ không muốn quảng cáo của họ đặt bên cạnh nội dung có hại hoặc gây thù hận.

Cùng với đó, bà Lena Pietsch, Giám đốc phụ trách chính sách truyền thông của Facebook nêu rõ: “Bà Haugen là một cựu giám đốc sản phẩm, làm việc tại công ty chưa tới 2 năm, chưa từng tham dự các cuộc họp của giám đốc điều hành cấp C. Chúng tôi không đồng ý với những luận điểm của bà ấy về những vấn đề mà bà làm chứng”.

Ông chủ Facebook Zuckerberg khẳng định, Facebook sẽ vẫn tiếp tục nghiên cứu tác động xã hội của nền tảng này. Ông cũng cho rằng Quốc hội Mỹ cần cập nhật các quy tắc để làm rõ độ tuổi hợp pháp để thanh thiếu niên sử dụng dịch vụ internet, cách thức để xác minh tuổi người dùng và giải pháp “cân bằng quyền riêng tư của thanh thiếu niên, trong khi vẫn cung cấp cho cha mẹ của họ khả năng giám sát các hoạt động của con em mình”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Facebook đối mặt khủng hoảng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO