Facebook tuyên bố gỡ bỏ thông tin sai lệch về vaccine ngừa Covid-19

04/12/2020 11:22

Ngày 3/12, Facebook tuyên bố sẽ gỡ bỏ các nội dung đăng tải thông tin về vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 mà các chuyên gia y tế đã khẳng định là sai lệch. Đây là động thái kiên quyết tiếp theo của hãng công nghệ khổng lồ này nhằm chống các thông tin giả tràn lan trên mạng xung quanh đại dịch Covid-19.

Facebook sẽ loại bỏ thông tin giả mạo liên quan vaccine ngừa Covid-19. Ảnh minh họa.

Theo phóng viên TTXVN tại New York, trước đó, để chống thông tin sai lệch liên quan vaccine ngừa Covid-19, Facebook đã làm cho người dùng khó tìm kiếm thông tin sai lệch về vaccine Covid-19 hơn bằng cách “hạ cấp” (downranking) mức độ thông tin và nhờ vậy, những thông tin đó sẽ ít hiển thị hơn trên trang dữ liệu tin của người dùng (newsfeeds).

Hiện Facebook đã lên kế hoạch loại bỏ hoàn toàn các loại thông tin giả mạo liên quan vaccine ngừa Covid-19 nếu các thông tin đó không được các tổ chức y tế tên tuổi công nhận hoặc mâu thuẫn với thông tin của các cơ quan y tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hay Trung tâm Kiểm soát Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).

Trong thông báo phát trên trang chủ của hãng, Facebook cho biết chính sách của công ty gỡ bỏ những thông tin sai lệch về mức độ an toàn, tính hiệu quả, thành phần và tác dụng phụ của các vaccine ngừa Covid-19 được thực thi nhằm hạn chế những thông tin giả trên mạng gây ra những tổn thất thật về sức khỏe cho con người.

Đây là bước đi cứng rắn của Facebook nhằm chống lại các “thuyết âm mưu” và thông tin sai lầm liên quan đại dịch Covid-19. Facebook khẳng định sẽ gỡ bỏ các thông tin sai lệch về virus SARS-CoV-2 có nguy cơ “sắp gây hại”, đồng thời sẽ “dán nhãn” cảnh báo và hạn chế phát tán những tuyên bố sai lệch khác dù chưa đạt ngưỡng “nguy cơ gây hại”. Theo đó, các thông tin như việc tiêm vaccine làm suy kiệt sức khỏe hoặc người tiêm vaccine sẽ bị cấy vi mạch vào cơ thể... sẽ bị Facebook xóa bỏ.

Theo VOV, Facebook khẳng định sẽ gỡ bỏ các thông tin sai lệch về virus SARS-CoV-2 có nguy cơ “sắp gây hại”, đồng thời sẽ “dán nhãn” cảnh báo và hạn chế phát tán những tuyên bố sai lệch khác dù chưa đạt ngưỡng “nguy cơ gây hại”. Theo đó, các thông tin như việc tiêm vaccine làm suy kiệt sức khỏe hoặc người tiêm vaccine sẽ bị cấy vi mạch vào cơ thể... sẽ bị Facebook xóa bỏ.

Facebook cho biết, sự thay đổi chính sách toàn cầu này nhằm đáp lại các tin tức về việc vaccine ngừa Covid-19 sẽ sớm được phân phối trên toàn thế giới. Tuy nhiên, Facebook thừa nhận việc thực thi chính sách mới khó có thể thực hiện ngay lập tức.

Trước đó, một số chuyên gia y tế đã cảnh báo các thông tin sai lệch có thể xuất hiện tràn lan trên các mạng xã hội khi một hay nhiều loại vaccine ngừa Covid-19 được công bố, từ đó gây tâm lý hoài nghi về hiệu quả của những vaccine này.

Hồi tháng 10/2020, Facebook cũng đã đưa ra quy định cấm đăng tải những bài viết có nội dung bài xích, ngăn cản việc tiêm vaccine phòng bệnh Covid-19.

Vaccine Sputnik V ngừa Covid-19 của Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

IFRC cảnh báo tác hại của những thông tin sai lệch về vaccine ngừa Covid-19

Trước đó, ngày 30/11, người đứng đầu Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế (IFRC) đã cảnh báo các nỗ lực giới thiệu vaccine phòng ngừa đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 có thể sẽ thất bại, trừ khi thế giới có những nỗ lực tương xứng nhằm chống lại tâm lý hoài nghi và những thông tin sai lệch đang gia tăng nhanh chóng.

Ông Francesco Rocca, Chủ tịch IFRC nhấn mạnh: "Chúng tôi hoan nghênh thông tin về loại vaccine Covid-19 khả thi có thể sắp ra mắt. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cảnh báo rằng chỉ riêng vaccine là chưa đủ để chấm dứt đại dịch này. Để đánh bại Covid-19, chúng ta cũng cần phải đánh bại sự ngờ vực đang song hành cùng đại dịch này. Sự ngờ vực ấy luôn cản trở những nỗ lực ứng phó chung của chúng ta và điều đó có thể làm xói mòn khả năng tiêm chủng cộng đồng để phòng ngừa căn bệnh này".

Nghiên cứu gần đây đã cho thấy nhiều người đang mất dần sự hưởng ứng đối với vaccine ngừa Covid-19. Một nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) thực hiện tại 67 quốc gia cho thấy việc chấp nhận tiêm phòng vaccine đã giảm đáng kể trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 10/2020.
Theo ông Rocca, mức độ nghi ngờ tăng cao đã làm suy yếu các nỗ lực y tế cộng đồng ứng phó với Covid-19 và tạo điều kiện cho sự lây lan của virus ở các nước trên thế giới.

Ví dụ, nghiên cứu của IFRC ở châu Phi cho thấy ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng virus là "vấn đề của phương Tây", trong khi ở các nước phương Tây, nhiều người từ chối tuân thủ những khuyến cáo cơ bản về sức khỏe cộng đồng. Ông Rocca kêu gọi chính phủ các nước cần triển khai các biện pháp để chống lại sự ngờ vực này, cũng như những thông tin sai lệch đã thúc đẩy sự ngờ vực đó.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây đã cảnh báo những thông tin giả và sai lệch có thể gây tổn hại cho các chương trình tiêm chủng vốn được xây dựng nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng dịch Covid-19. WHO lấy ví dụ như châu Phi chưa sẵn sàng cho việc tiêm chủng đại trà vaccine ngừa Covid-19, do vậy cần phải nhanh chóng cải thiện vấn đề này trong bối cảnh triển vọng sớm có vaccine ngày càng hiện hữu sau những thông báo đầy hứa hẹn gần đây từ một số nhà sản xuất.

Theo đánh giá của WHO, mức độ sẵn sàng của châu Phi hiện chỉ vào khoảng 33%, thấp hơn nhiều so với mức mục tiêu 80%. Tỷ lệ này được đưa ra dựa trên việc đánh giá cơ sở dữ liệu do 40 quốc gia châu Phi cung cấp.

Cho đến nay, các tổ chức Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc gia, với sự hỗ trợ của IFRC, đã tiếp cận được 243 triệu người thông qua các hoạt động cộng đồng liên quan Covid-19. Ông Rocca nhấn mạnh: "Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ nỗ lực của các chính phủ trong việc triển khai vaccine ngừa Covid-19, trong đó bao gồm cả việc định hướng và hỗ trợ các nỗ lực chống lại thông tin sai lệch và xây dựng lòng tin".

Facebook từ lâu đã cân nhắc có nên tham gia vào việc phân định đâu là thông tin đúng và đâu là thông tin sai trên nền tảng trực tuyến của hãng hay không bởi người đứng đầu công ty, nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg đã nhiều lần tuyên bố “không muốn trở thành trọng tài phân xử cho những nội dung thông tin đăng trên mạng của ông.”

Tuy nhiên, Zuckerberg đã chủ động có chính sách chống thông tin giả liên quan đại dịch Covid-19, đồng thời tạo ra các sản phẩm và công cụ mới để thông tin cho công chúng về những mối nguy hiểm tiềm tàng của virus SARS-CoV-2.

Hồi tháng Ba năm nay, ông đã liên lạc với chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, Tiến sỹ Anthony Fauci, để đề nghị được cùng tham gia vào nỗ lực chống đại dịch và kể từ đó đến nay, ông Fauci đã nhiều lần xuất hiện cùng Zuckergerg trên các cuộc phỏng vấn của Facebook.

Facebook cho biết dự định sẽ hướng người dùng tới Trung tâm Thông tin Covid-19 của hãng để họ được cập nhật những thông tin đúng và đã được kiểm chứng.

Theo PV (tổng hợp)
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Facebook tuyên bố gỡ bỏ thông tin sai lệch về vaccine ngừa Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO