G20 kêu gọi chung tay chống chủ nghĩa khủng bố

Khánh Duy 16/11/2015 23:31

Cuộc khủng hoảng di cư và cuộc chiến chống phiến quân IS đã trở thành tâm điểm trên bàn nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức trong hai ngày 15 và 16/11 tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ. Các lãnh đạo tuy cam kết làm mới cuộc chiến chống IS nhưng vẫn chưa thể đưa ra chi tiết về sự thay đổi trong chiến lược.

G20 năm nay đặt trọng tâm vào cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố
và khủng hoảng di cư. Nguồn: AFP.

Mặc dù Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế lớn và đang phát triển G20 hàng năm luôn tập trung vào các vấn đề kinh tế, nhưng Tổng thống nước chủ nhà Recep Tayyip Erdogan đã thúc giục các lãnh đạo tham gia Hội nghị tập trung vào cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), nói rằng vụ thảm sát đẫm máu hôm thứ Sáu tuần trước ở Paris cho thấy thế giới cần phải có hành động thay vì lời nói.

Các vụ tấn công liên hoàn ở thủ đô nước Pháp hôm 13/11 đã cướp đi sinh mạng của 134 người cùng 350 người khác bị thương. Trước đó, IS còn tuyên bố nhận trách nhiệm gây nên vụ đánh bom kinh hoàng ở thủ đô Beirut của Lebanon, khiến ít nhất 43 người thiệt mạng.

“Chúng ta đang phải đối mặt với các hoạt động khủng bố liên hoàn trên khắp thế giới. Như các bạn đã biết, chủ nghĩa khủng bố không công nhận bất kỳ tôn giáo, sắc tộc, quốc gia hay đất nước nào cả” – ông Erdogan nói.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã xác nhận lại về sự ủng hộ của Washington đối với nước Pháp sau các vụ tấn công nói trên: “Chúng tôi luôn đồng lòng với họ trong việc truy tìm những kẻ thâm nhập và mang chúng ra trước pháp luật”. Ông chủ Nhà Trắng cũng cam kết sẽ “tăng gấp đôi” các nỗ lực của nước Mỹ trong chiến dịch tiêu diệt IS, tuy nhiên chưa đưa ra chi tiết về chiến lược mới mà Mỹ và các đối tác trong liên minh đưa ra để đối phó với sự trỗi dậy của tổ chức này.

Tổng thống nước chủ nhà Thổ Nhĩ Kỳ cũng yêu cầu một phút mặc niệm để mở đầu phiên làm việc đầu tiên tại Hội nghị G20 nhằm tưởng nhớ nạn nhân các vụ tấn công khủng bố liên hoàn ở Paris hôm 13-11.

Các hành động bạo lực phi nhân tính của IS trên lãnh thổ Syria và Iraq đã khiến hàng trăm nghìn người ở hai quốc gia này phải tháo chạy khỏi nhà cửa của họ. Hơn 1 triệu người dân Syria đã tháo chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ, và hàng trăm nghìn người khác liều mạng vượt biển Địa Trung Hải để đến châu Âu, tạo nên một cuộc khủng hoảng di cư lớn chưa từng có kể từ Thế chiến II.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G20, các lãnh đạo cũng đã thống nhất về một bản dự thảo Tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh rằng cuộc khủng hoảng di cư đang diễn ra ở châu Âu là một vấn đề toàn cầu và cần phải được các nước chung tay giải quyết.

“Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng này, và chia sẻ gánh nặng mà nó gây ra” – AFP dẫn một đoạn trong dự thảo Tuyên bố chung.

Tuyên bố này cũng nêu rõ, việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư cần phải có các biện pháp chủ động, trong đó gồm “tái định cư cho người nhập cư, các hình thức mới trong việc tiếp nhận nhân đạo, viện trợ nhân đạo và các nỗ lực nhằm đảm bảo rằng người di cư có thể tiếp cận được các dịch vụ giáo dục và cơ hội có công ăn việc làm”.

Tổng thống Pháp Francoi Hollande đã phải hủy cuộc họp thượng đỉnh G20 lần này để tập trung lo khắc phục hậu quả sau các vụ tấn công khủng bố, thay vào đó cử người đại diện ông là Ngoại trưởng Laurent Fabius.

Các vụ tấn công ở thủ đô Paris đã đặt toàn thế giới trong tình trạng báo động, kéo theo nhiều lời kêu gọi tăng cường tấn công IS. Mỹ cho hay họ mong muốn Pháp sẽ có hành động đáp trả bằng việc đóng vai trò lớn hơn trong liên minh chống IS mà Mỹ đang dẫn đầu. Ngoài ra, Tổng thống Obama cũng đang tìm cách thuyết phục các nước châu Âu và Trung Đông đưa ra những lời cam kết mới trong chiến dịch chống chủ nghĩa khủng bố.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cùng ngồi bàn bạc về tình hình Syria và Ukraine suốt hơn 30 phút, bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở thành phố nghỉ dưỡng ven biển nổi tiếng Antalya của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 15/11. Theo đó, cả 2 nhà lãnh đạo đã nhất trí về sự cần thiết phải tổ chức chuyển tiếp chính trị do người dân Syria làm chủ và dẫn đầu, sẽ được thúc đẩy trong cuộc đàm phán giữa các bên ở Syria. Về vấn đề Ukraine, 2 bên đều nhấn mạnh sự ủng hộ việc tuân thủ nghiêm ngặt Thoả thuận Minsk. Còn trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), 2 bên đều đặt mục tiêu là chiến thắng, nhưng khía cạnh chiến thuật lại khác nhau.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    G20 kêu gọi chung tay chống chủ nghĩa khủng bố

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO