Gà 9 cựa

Vũ Văn Lâm 17/03/2017 16:55

Gà 9 cựa được nhắc đến trong truyền thuyết xa xưa, khi Vua Hùng thách cưới Sơn Tinh, Thủy Tinh, nếu ai tìm được “voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao” mang đến vua sẽ đồng ý gả con gái cho. Cứ ngỡ đó là giống gà có trong huyền thoại, không ngờ bây giờ có người đã nhân giống loài gà “tiến vua” ấy thành một mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nghèo.

Ông Nguyễn Khắc Khôi.

Người đi tìm gà

Đó là ông Nguyễn Khắc Khôi- nguyên Trưởng bộ môn Chăn nuôi của Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội. Câu chuyện ông Khôi thành công với mô hình nuôi gà 9 cựa được nhiều người nhắc đến, đặc biệt là bà con ở Việt Trì - Phú Thọ.

Nhà ông Khôi nằm ở phường Tiên Cát - TP Việt Trì. Căn nhà ông ở có thể ví như một viện bảo tàng thu nhỏ về giống gà 9 cựa. Ở đó ngoài sách vở có rất nhiều tranh ảnh về giống gà tiến vua này. Không giấu giếm, ông Khôi thừa nhận, trước đây ông đã nghĩ loài gà này không có trong thực tế.

Nhưng phải đến khi nghỉ hưu, ông mới dành nhiều thời gian, tâm huyết đi dò hỏi. Rồi đi thực tế các xã như Xuân Sơn, Xuân Đài, Kim Thượng… thuộc huyện Tân Sơn, ông cũng tìm được loài gà có… nhiều cựa.

Có lần, ông đã mừng quýnh vì gặp được con gà có đến 8 cựa. Mừng đấy nhưng 8 cựa vẫn chưa phải là giống gà 9 cựa như trong truyền thuyết. Thế nên ông vẫn quyết tâm đi tìm. Tìm hết tháng này qua tháng khác, hết vùng đồng bằng đến miền núi, dấu chân ông đặt đến những miền rừng heo hút. Nhưng loài gà 9 cựa vẫn bặt tăm tích.

Cho đến một buổi chiều khi ngang qua bản Cỏi của người Dao, người Mường thuộc Vườn Quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ), ông Khôi bỗng thấy một con gà chạy vụt qua đường, linh tính mách bảo, ông Khôi tin đó là con gà có đủ 9 cựa. Ông lao theo dấu gà. May mắn là con gà chạy về chuồng. Và may nữa, ông gặp được chủ nhân của chú gà này, đó là một người Mường.

Trò chuyện với chủ gà, ông Khôi được chủ gà tận tình bắt cho xem con gà ấy. Và quả thật bõ công sức tìm kiếm bấy lâu nay, đó là con gà có 9 cựa mà suốt bao năm qua ông đi tìm, đi kiếm.

Một con gà 9 cựa đang được thả ngoại tự nhiên.

Gây dựng một sản vật đặc trưng của vùng

Với kinh nghiệm của một chuyên gia am hiểu về ngành chăn nuôi, đồng thời với tư cách Ủy viên Ban chấp hành Hội Chăn nuôi Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Chăn nuôi thú y tỉnh Phú Thọ, ông Nguyễn Khắc Khôi đã thực hiện công trình “Nghiên cứu gà nhiều cựa”.

Theo đó, từ quãng năm 2005-2006, ông đã có nhiều ý kiến riêng về giống gà nhiều cựa. Những ý kiến quý giá đó ông đưa ra sau khi đã đi khảo sát kỹ tại một số địa phương với hơn 1.500 con gà có từ 3 đến 8 cựa. Ông Khôi quả quyết, đây là một giống gà xuất hiện tại Việt Nam từ rất xa xưa.

Sau quá trình triển khai nuôi thực tế tại nhà cũng như tại một vài điểm khác, ông Khôi đầu từ tiền lập trại, nhân giống rồi thử nghiệm cho đến khi có kết quả chắc chắn. Những con gà nhiều cựa ra đời trong trang trại nhỏ hẹp của ông ở vùng ven Việt Trì. Và trong những lứa gà đầu tiên ấy, thỉnh thoảng trời lại cho ông vài con gà có đủ 9 cựa đuôi cong vút, cặp chân to và chắc nịch, có bên 5 cựa, bên 4 cựa không đều nhau nhưng tựa nanh hổ, sắc nhọn và cứng tựa đá.

Kể từ đó, tiếng lành đồn xa. Nhiều người tìm đến ông Khôi để học hỏi bí quyết nuôi gà 9 cựa. Thậm chí một số người dân bản Còi- nơi ông Khôi bắt gặp con gà 9 cựa đầu tiên, cũng tìm đến ông để xin chỉ dạy cách nuôi và nhân giống gà quý sao cho hiệu quả.

Theo ông Khôi, ngày trước, hầu hết các gia đình ở vùng Tân Sơn (Phú Thọ) đều có gà 9 cựa. Nhưng qua thời gian, người dân chưa vận dụng khoa học vào chăm sóc và nhân giống, tất cả đều phó mặc tự nhiên do đó lâu dần giống gà 9 cựa bị thoái giống. Có những lứa gà sinh ra chỉ có vài cựa, thậm chí là không có cựa. Muốn nhân giống được gà 9 cựa, ông Khôi cho rằng, trước tiên phải xây dựng một nguồn gen đa dạng bằng sự liên kết của nhiều gia đình chăn nuôi khác.

Cụ thể, để có con giống tốt, gà trống chọn làm giống phải to khỏe, lông mượt, mắt sáng, chân đẫy đà, có cựa đều. Đặc biệt, yếu tố tiên quyết là phải có gà 9 cựa thuần chủng, con mái cũng phải khỏe mạnh, chân có từ 6 cựa, đều hai bên. Khi đã có đủ số lượng trứng cần phải lựa chọn thời gian cho gà ấp, đối với loại gà này nên cho ấp vào tháng 2, tháng 3 khi thời tiết ấm...

Với những thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, tháng 8-2013, Chủ tịch nước ký Quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho nhà giáo ưu tú Nguyễn Khắc Khôi. Công trình nghiên cứu của ông đã mở ra một cơ hội mới cho người chăn nuôi để gà nhiều cựa trở thành sản phẩm hàng hoá và là một đặc sản quý hiếm của đất Tổ.

Cặp chân gà 9 cựa.

Xóa nghèo nhờ gà 9 cựa

Bền bỉ nghiên cứu, thử nghiệm, ông Nguyễn Khắc Khôi đã làm hồi sinh giống gà 9 cựa. Theo GS Theodor Bengmann - chuyên gia CHLB Đức, đây là một giống gà độc nhất vô nhị trên thế giới. Việc làm này không chỉ có ý nghĩa bảo tồn nguồn gen gà quý, mà còn đưa giống gà này trở thành một sản vật quý có giá trị kinh tế cao.

Trong dịp Tết Đinh Dậu 2017, nhiều lái buôn đã tìm về Phú Thọ để “săn” gà 9 cựa. Dù giá không rẻ, khoảng từ 350- 500.000 đồng/ kg nhưng nhiều khi cũng không có để mua. Thậm chí, có những con gà mâm xôi có 9 cựa, lông trắng, vóc dáng chuẩn theo gà 9 cựa, chân ngắn là quý nhất được chào bán với giá 15 triệu đồng/ con.

Theo tìm hiểu được biết, từ sự tìm tòi của ông Khôi, đến nay toàn xã Xuân Sơn có khoảng hơn 2.000 con gà 9 cựa. Mấy năm trước, chỉ những gia đình có gia trại trong rừng mới nuôi được, nhưng nay, với sự hỗ trợ của các chuyên gia, nhiều hộ dân cũng đã nuôi gà 9 cựa thành công.

Đến nay, trạm khuyến nông huyện Tân Sơn cũng phối hợp với xây dựng dự án hỗ trợ mô hình nuôi gà 9 cựa tại các xã Xuân Sơn, Xuân Đài, Văn Luông… với mục đích xóa đói, giảm nghèo cho bà con.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gà 9 cựa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO