Gần 1/4 số trẻ em dân tộc thiểu số bị suy dinh dưỡng thấp còi

H.Phương 20/12/2017 18:00

Tại hội thảo “Tăng cường công tác truyền thông về vấn đề dinh dưỡng cho trẻ em dân tộc thiểu số” do Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) phối hợp với Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam (SCI) tổ chức mới đây, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia Trương Tuyết Mai cho biết Việt Nam vẫn còn gần 1/4 trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi (24,3% năm 2016).

Gần 1/4 số trẻ em dân tộc thiểu số bị suy dinh dưỡng thấp còi

Chăm sóc, thăm khám sức khỏe cho trẻ em vùng sâu, vùng xa. Ảnh: TL.

Phó Viện trưởng cũng cho biết tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm trong 5 năm qua; tỷ lệ trẻ em nhẹ cân giảm từ 17,5% vào năm 2010 xuống còn 13,8% trong năm 2016. Tuy nhiên, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi người dân tộc thiểu số cao gấp gần 2 lần so với trẻ em người dân tộc Kinh (32,1% so với 16,2%).

Nguyên nhân là do đồng bào dân tộc thiểu số thường sinh sống ở vùng sâu, vùng xa và gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe; việc di chuyển từ nhà đến các cơ sở y tế thường rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Phụ nữ dân tộc thiểu số thường cho trẻ ăn thức ăn thô từ rất sớm (từ 2-3 tháng tuổi). Tại một số vùng, người dân không đủ lương thực, nước sạch và vệ sinh...

Trước thực trạng trên, giáo dục truyền thông là một trong những giải pháp trọng tâm trong công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em nói chung, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số nói riêng. Truyền thông đúng đối tượng và hiệu quả sẽ góp phần nâng cao nhận thức, thái độ trong nuôi dưỡng trẻ nhỏ. Đồng thời, Viện Dinh dưỡng sẽ tăng cường truyền thông, hướng dẫn về 10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý và thực hiện can thiệp phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi; chẩn đoán và điều trị bệnh suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em từ 0-72 tháng tuổi...

Bà Dragana Strinic, Giám đốc quốc gia Tổ chức Cứu trợ trẻ em, nêu rõ trong hơn một thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ dân tộc thiểu số tại Việt Nam hiện vẫn còn cao.

Bà Dragana Strinic nhấn mạnh suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn là một trong những vấn đề bức thiết bởi những tác động của nó kéo dài theo suốt vòng đời của trẻ. Suy dinh dưỡng thể thấp còi cũng để lại những hệ quả nghiêm trọng đối với sự phát triển của trẻ bao gồm cả sự phát triển của não bộ, làm giảm sức sản xuất khi trẻ trưởng thành, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của một quốc gia... Chính vì vậy, chiến dịch “Vì mọi trẻ em” được công bố ngày hôm nay là một sáng kiến của Tổ chức Cứu trợ trẻ em nhằm mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

Chiến dịch huy động sự hợp tác liên ngành trong vấn đề dinh dưỡng; đồng thời khuyến khích các bà mẹ áp dụng chế độ ăn lành mạnh và chăm sóc sức khỏe tốt hơn trong thời kỳ mang thai; khuyến khích các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ và chỉ cho ăn bổ sung khi trẻ đã đủ 6 tháng tuổi.

Đặc biệt, 1.000 ngày đầu tiên trong cuộc đời của mỗi đứa trẻ là giai đoạn quan trọng nhất đối với các can thiệp chống suy dinh dưỡng thể thấp còi. Chiến dịch sẽ góp phần cho việc thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030...

Việt Nam là một trong 20 quốc gia trên thế giới có số lượng trẻ thấp còi cao nhất, cứ 4 trẻ thì có một bé bị thấp còi do thiếu hụt dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển sau này. Trẻ từ 1 đến 5 tuổi có tình trạng dinh dưỡng được đánh giá ở ngưỡng -2SD trở lên (đơn vị đo tình trạng dinh dưỡng bình thường) nhưng gặp phải những trở ngại tăng trưởng vẫn có nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gần 1/4 số trẻ em dân tộc thiểu số bị suy dinh dưỡng thấp còi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO