Gần 600 đội bắt chó thả rông: Chỉ giải quyết phần 'ngọn'?

Hoàng Chiến 15/04/2022 15:02

Mới đây, TP Hà Nội quyết định lập gần 600 đội chó thả rông tại 30 quận, huyện, thị xã. Nhiều người dân bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ với kế hoạch này. Bên cạnh đó, cùng không ít ý kiến cho rằng, việc làm này chỉ giải quyết được phần ngọn, còn nhiều vấn đề vướng mắc.

Còn nhiều vướng mắc

Theo quan điểm của luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội, thói quen của nhiều người Việt lâu nay là nuôi chó để làm cảnh hay giữ nhà. Tuy nhiên, tình trạng thả rông chó, không đeo rọ mõm tại các khu vực công cộng, gây nguy hiểm cho người dân vẫn còn diễn ra khá phổ biến.

"Tuy nhiên, việc thành lập số lượng lớn các đội bắt chó thả rông là các giải pháp chỉ hướng đến giải quyết hiện tượng, phần ngọn của vấn đề chứ không giải quyết được bản chất của vấn đề. Thậm chí có thể tốn kém nhiều chi phí duy trì mà vẫn không thu được hiệu quả như mong đợi hoặc có thể phát sinh những hậu quả đáng tiếc", luật sư khẳng định.

Luật sư Trần Xuân Tiền.

Theo đó, chó là vật nuôi quen thuộc trong gia đình, có sự gắn bó sâu sắc với con người. Vì thế, tâm lý của hầu hết các chủ vật nuôi nhận thức rằng, việc thả rông chó là để cho chó vui chơi chứ không nhằm mục đích gây nguy hiểm và thiệt hại cho xã hội.

Do đó, việc bắt chó gây ảnh hưởng tâm lý tiêu cực đến người chủ chó, dễ gây ra các phản ứng thái quá giữa chủ chó và người thực hiện công vụ, có thể dẫn đến những hậu quả không đáng có.

Ngoài ra, cần lưu ý rằng chó hay các loại vật nuôi khác được coi là tài sản thuộc sở hữu của người chủ, quy định về việc bắt chó thả rông (khi chó chưa gây ra hậu quả hay thiệt hại gì) có thể sẽ xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của chủ chó.

Không những vậy, do số lượng hộ dân sinh sống trên địa bàn thành phố Hà Nội rất đông đúc, số lượng vật nuôi lớn, phân tán nên gây khó khăn cho công tác quản lý, tuần tra, bắt chó thả rông.

Bên cạnh đó, về vấn đề sở hữu vật nuôi hiện nay cũng không có quy định về đăng ký các thông tin, tài liệu để được nhận nuôi nên không loại trừ trường hợp bắt được chó và đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng người chủ không nhận và chối bỏ trách nhiệm với vật nuôi của mình, điều này sẽ làm khó xử cho cả hai bên.

Chưa kể việc thành lập, duy trì và vận hành gần 600 đội bắt chó thả rông đòi hỏi một lượng ngân sách không nhỏ cho việc mua trang thiết bị bảo hộ, công tác hậu cần mà có lẽ sẽ chỉ đạt được các hiệu quả mang tính nhất thời, về lâu dài có nguy cơ gây lãng phí nguồn lực không cần thiết.

Ảnh minh hoạ.

Giải pháp nào là căn cơ?

​​Hiện nay, việc quản lý chó thả rông còn buông lỏng, nhiều chủ nuôi chó cũng chưa có ý thức với cộng đồng trước những hậu quả mà con vật này có thể gây ra. Mặt khác, các quy định trong công tác quản lý vật nuôi như yêu cầu chủ vật nuôi đeo rọ mõm khi thả rông vật nuôi tại nơi công cộng, tổ chức tiêm phòng theo quy định và việc tăng mức phạt mới chỉ là quy định trên giấy mà vẫn chưa thực sự đi vào thực tiễn.

"Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa, thường xuyên kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính đối với các chủ nuôi không chấp hành quy định, có hành vi thả rông chó, không tiêm phòng dại cho chó", luật sư Tiền cho hay.

Đồng thời tích cực phổ biến, tuyên truyền pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân, tìm cách kiểm soát ngay từ khâu nuôi và chăm sóc chó bằng cách quy định các thủ tục đăng ký vật nuôi và tiêm phòng thường xuyên nhằm để người dân có trách nhiệm với vật nuôi của mình.

Tuy nhiên, mấu chốt để hạn chế tình trạng chó thả rông là ở chính chủ của vật nuôi. Trong đó, chủ vật nuôi cần chủ động trông giữ, nuôi nhốt cẩn thận để tránh trường hợp chó tấn công người, thể hiện ý thức, trách nhiệm với chính cộng đồng, xã hội nơi mình sinh sống.

Đã có quy định ra sao?

Theo luật sư Tiền, các quy định xử phạt hành chính đối với hành vi thả rông vật nuôi (chó, mèo) được quy định tại Nghị định số 144/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, an toàn xã hội và Nghị định số 90/2017/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.

Cụ thể, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP, người có hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng. Tại điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định số 90/2017/NĐ-CP, hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng.

Trong trường hợp thả rông chó dẫn đến thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác thì người chủ phải chịu trách nhiệm dân sự theo quy định tại Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015.

Theo quy định này, các khoản tiền mà người chủ phải bồi thường thiệt hại do vật nuôi gây ra cho người khác như sau: Khoản tiền bồi thường do tài sản bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm hại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gần 600 đội bắt chó thả rông: Chỉ giải quyết phần 'ngọn'?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO