Gần dân, vì dân

Hoàng Mai 26/08/2015 09:15

Hôm 24/8, đến dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập ngành Tư pháp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người làm công tác tư pháp "phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng"; "phải nêu cao gương Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư cho nhân dân noi theo".

Nói như thế cũng có nghĩa, Đảng ta và Bác Hồ đã không chỉ đặt mục tiêu cho mỗi cán bộ ngành Tư pháp phấn đấu mà còn muốn qua mỗi một cán bộ tư pháp để thấy được mục tiêu dân chủ, công bằng, văn minh mà chúng ta luôn luôn hướng đến để xây dựng một xã hội tốt đẹp.

Điều này tưởng chừng đơn giản nhưng lại không hề đơn giản nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi mà xu thế toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tình hình an ninh, chính trị, kinh tế thế giới và khu vực bên cạnh mặt thuận lợi, tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc, khó lường.

Thế giới phải đối mặt với những vấn đề mang tính toàn cầu như khủng bố quốc tế, xung đột sắc tộc, dân tộc, tôn giáo, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ; những vấn đề an ninh phi truyền thống như tự diễn biến, tự chuyển hoá, biến đổi khí hậu, an ninh mạng, thiên tai, dịch bệnh,... đe doạ trực tiếp đến hoà bình, ổn định của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Ở trong nước, sự nghiệp đổi mới công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang ngày càng đi vào chiều sâu.

Trước tình hình đó, để có thể “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” không có cách nào, mỗi người làm tư pháp cần phải tự bồi dưỡng, nâng cao kiến thức của riêng mình. Đối với ngành thì cần “đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực pháp luật và tư pháp cho đất nước“- Tổng Bí thư nói.

Trên thực tế, hiện chúng ta đã có một đội ngũ hàng chục vạn cán bộ pháp luật, pháp chế và chức danh tư pháp được đào tạo với trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp ngày càng cao, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của xã hội và công cuộc cải cách pháp luật, cải cách tư pháp; nhất là sau khi có Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược đẩy mạnh cải cách tư pháp.

Trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và nỗ lực kiến tạo khuôn khổ thể chế, pháp luật cho sự phát triển của đất nước, của dân tộc; rõ ràng sự nỗ lực tự thân của mỗi người dân theo cách mỗi người dân chủ động, tích cực sử dụng, thực hiện đúng đắn và an toàn các quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân trong làm ăn, sinh sống, đóng góp mọi sức người, sức của, năng lực và trí tuệ xây dựng, phát triển đất nước, thực hiện sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; thì về phía mình Nhà nước phải tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền lợi chính đáng của mỗi người dân, theo như Hiến pháp năm 2013.

Kể từ sau khi ban hành Hiến pháp mới, Quốc hội đã tiến hành sửa đổi nhiều luật và bộ luật để phù hợp với Hiến pháp; trong đó, những người làm tư pháp góp công không nhỏ. Thế nhưng, tại Lễ kỷ niệm của ngành tư pháp, sau khi chúc mừng những thành tựu mà ngành đạt được, Tổng Bí thư không quên đề nghị mỗi cán bộ tư pháp “cần tăng cường hơn nữa ý thức gương mẫu chấp hành Hiến pháp, pháp luật của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; khắc phục tình trạng “phép vua thua lệ làng”, thói quen tuỳ tiện, bệnh quan liêu, tham nhũng, gây phiền hà cho nhân dân khi giải quyết công việc”.

Nói như thế cũng tức là không loại trừ một bộ phận cán bộ tư pháp đã mắc phải thói quan liêu, thích gây nhũng nhiễu cho dân, đặc biệt là ở cấp cơ sở như cấp phường, xã. Công bằng mà nói chẳng phải chỉ có cán bộ tư pháp mới có thói quen nhũng nhiễu, quan liêu; thậm chí hách dịch hay có biểu hiện “phép vua thua lệ làng” mà ở nhiều lĩnh vực khác những cán bộ như thế không hề hiếm; nhưng với những cán bộ làm công tác tư pháp, từ những khâu nhỏ nhất liên quan đến lý lịch tư pháp, hộ tịch nếu không thật sự vì dân thì có thể gây không ít phiền hà cho dân. Đó là chưa kể những lĩnh vực bổ trợ tư pháp khác liên quan đến doanh nghiệp, đến các ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Nói về tệ quan liêu nói chung, ngay lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng cảnh báo. Bác đã từng nhấn mạnh “cán bộ là gốc của mọi công việc” và ‘công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Người cũng nói: “không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay”- ấy là nói đến xuất phát điểm chung của mỗi công bộc. Và vì thế, ngoài việc đánh giá đúng cán bộ, Người còn nhấn mạnh đến yếu tố rèn đức, luyện tài của mỗi cán bộ nói chung.

Nhìn từ quan điểm chung của Hồ Chủ tịch trong công tác cán bộ để soi vào việc rèn đức, luyện tài của mỗi cán bộ làm công tác tư pháp mới thấy để có thể “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” quả thực không hề đơn giản. Và, từ cách ứng xử của mỗi cán bộ tư pháp người ta có thể thấy có tấm gương phản chiếu công cuộc cải cách tư pháp cũng như công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Vì thế, gần dân, vì dân cũng nên là phẩm chất cần có của người cán bộ nói chung, người cán bộ tư pháp nói riêng.

Có lẽ, cũng vì lý do này, mà một lần nữa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thêm một lần đề nghị tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác tư pháp. Bởi, theo Tổng Bí thư, vấn đề quan trọng là làm sao để có được đội ngũ cán bộ tư pháp vững vàng về chính trị, tư tưởng; trong sạch về phẩm chất đạo đức; tinh thông về chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là những người thường xuyên trực tiếp làm việc với nhân dân, với doanh nghiệp.

Và, cũng rất cần có thêm những chính sách đúng đắn, sáng tạo, linh hoạt để đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo các nguyên tắc đã được Hiến pháp năm 2013 khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gần dân, vì dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO