Gắn ‘mác’ vì lợi ích công cộng để trục lợi

Hồng Lĩnh 17/07/2021 09:00

Có không ít doanh nghiệp núp bóng dự án phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng để đền bù rất thấp bị thu hồi đất của người dân. Tại tỉnh Đồng Nai, đó là Dự án xây dựng Khu dân cư và tái định cư tại xã Phước Tân, TP Biên Hòa.

Sau 6 năm dự án được triển khai, đến nay cỏ mọc um tùm. Ảnh: Hồng Lĩnh.

Chuyển đổi đất trồng lúa rồi để hoang hóa

Trên cơ sở đề xuất của tỉnh Đồng Nai và Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngày 21/4/2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản đồng ý chuyển mục đích sử dụng 76,5 héc ta đất trồng lúa để thực hiện Dự án Khu dân cư xã Phước Tân, An Hòa, thành phố Biên Hòa.

Trên cơ sở đó, ngày 27/5/2014, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải ký văn bản cho phép tỉnh Đồng Nai được chuyển mục đích sử dụng 76,5 ha đất trồng lúa để thực hiện Dự án khu dân cư xã Phước Tân và xã An Hòa, thuộc thành phố Biên Hòa.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nêu trên theo đúng quy định tại Nghị định số 42 ngày 11/5/2012 của Chính phủ.

Để triển khai các dự án trên phần diện tích được chuyển đổi từ đất trồng lúa này, đầu năm 2015 UBND tỉnh Đồng Nai đã cấp phép quy hoạch, ra quyết định duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết tỉ lệ 1/500 với Khu dân cư và tái định cư tại xã Phước Tân, diện tích hơn 47,79 ha; quy mô dân số từ 8.000-9.500 người và giao cho Công ty CP Phát triển hạ tầng An Hưng Phát làm chủ đầu tư.

Dự án khu dân cư và tái định cư tại xã Phước Tân được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt quy hoạch gồm 248 nhà liên kế phục vụ tái định cư và 704 căn hộ chung cư là nhà ở xã hội. Ngoài ra còn có 1.208 nhà liên kế, biệt thự và 983 căn hộ chung cư thương mại cũng như đất dành cho trường học, cây xanh, giao thông và hạ tầng kỹ thuật...

Điều đáng chú ý, trong văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc vào ngày 6/11/2015, Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa, ông Phạm Anh Dũng, đã khẳng định rõ: “Đây là dự án phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng”.

Dù nhu cầu bố trí tái định cư, phát triển nhà ở xã hội lớn và cấp thiết như vậy, nhưng đến nay, sau 6 năm triển khai, nhà liền kế phục vụ tái định cư và chung cư nhà ở xã hội vẫn chưa thấy đâu; hạ tầng kỹ thuật như hệ thống giao thông, thoát nước… của dự án mới thực hiện được khoảng 50%; đường, trường, trạm trong dự án cũng mới chỉ có 2 trục chính là tuyến N1 và N2 cùng một số đường nhánh được xây dựng; còn trường, trạm, công viên chưa được xây dựng.

Khi giao dự án cho doanh nghiệp, tỉnh Đồng Nai cũng yêu cầu 3 tháng chủ đầu tư phải báo cáo tiến độ 1 lần, nhưng đến thời điểm này, dự án vẫn chỉ là nơi hoang vắng, đất đai để cỏ dại mọc um tùm khi số lượng nhà cửa được xây cất mới chỉ có 40-50 căn.

Nhiều căn nhà đã được xây dựng tại đây đều treo biển là văn phòng của các công ty địa ốc nhằm môi giới, mua đi, bán lại đất nền từ chính dự án này. Hàng chục héc ta đất bị bỏ hoang hóa gây lãng phí không nhỏ cho xã hội trong khi người dân ở địa phương thì không có đất canh tác.

Thoải mái phân lô bán?

Mượn danh là dự án khu dân cư và tái định cư, nhưng thực chất nhà tái định cư và chung cư nhà ở xã hội có số lượng chưa bằng 1/3 quy mô dự án; phần lớn đất còn lại để phân lô bán nền và xây chung cư thương mại. Trong khi đó, theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai tháng 2/2015, dự án này thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất.

Thế rồi, việc thu hồi đất do chính quyền thành phố Biên Hòa đứng ra thực hiện và mức giá bồi thường được các cơ quan chức năng của thành phố Biên Hòa áp dụng cho dự án này theo bảng giá đất “Dự án phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng” của tỉnh Đồng Nai.

Mặc dù, thực tế dự án nhà đất này hoàn toàn có tính chất, mục đích thương mại nhưng được áp dụng tính chất dự án “vì lợi ích công cộng” khiến giá bồi thường cho người dân bị thu hồi đất thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường.

Theo UBND xã Phước Tân, việc thu hồi đất được thực hiện với 181 hộ dân và 1 tổ chức là UBND xã Phước Tân. Trong số 130 hộ thường trú tại địa phương có 51 hộ sống từ trước năm 1975 sau đó tách hộ cho con cái và 79 hộ mua đất sinh sống ổn định tại đây sau năm 1975.

Làm dự án phát triển nhà ở mới ngay trên khu dân cư cũ, lâu đời, nên ấp Đồng của xã Phước Tân đã bị “thổi bay” hoàn toàn, kéo theo hàng trăm hộ dân phải hy sinh lợi ích và chịu cảnh xáo trộn cuộc sống. Đã vậy, khi người dân thuộc diện tái định cư hoặc được mua chung cư là nhà ở xã hội còn chưa được hưởng lợi, thì với “mác” công ích, dự án này còn được cho phép thu hồi gần 2,5 ha đất công là đất kênh rạch, suối và đất giao thông để giao cho chủ đầu tư mà không phải thông qua việc đấu giá. Hiện một phần không nhỏ diện tích đất công này đã được san lấp chuyển thành nền đất thương mại để bán.

Đến nay chủ đầu tư đã hoàn thành được hơn 700 nền đất và đã bán phần lớn số nền đất kinh doanh này. Trong khi đó, số nền đất được sử dụng vào mục đích tái định cư chỉ vào khoảng 100 nền. Hiện hoạt động chào bán đất nền của dự án này diễn ra ồ ạt ngay tại dự án và trên các trang mạng xã hội từ nhiều năm nay.

Theo hợp đồng góp vốn (thực chất là hợp đồng mua bán đất nền - PV) được chủ đầu tư Công ty CP Phát triển hạ tầng An Hưng Phát ký với khách hàng từ năm 2018, giá đất nền của dự án đã được chủ đầu tư bán ra ở mức 9 triệu đồng/m2. Nhưng khi xã Phước Tân đã được “nâng cấp” lên thành phường, cộng với vị trí đắc địa của thành phố Biên Hòa và nằm cặp quốc lộ 51 trên hướng đi sân bay Long Thành, giá đất nền do người dân tự chuyển nhượng với nhau đã được đẩy lên cao hơn rất nhiều.

Hiện đất nền thuộc các đường nội bộ của dự án giá 13-17 triệu đồng/m2; riêng với hai trục đường chính rộng 32m của dự án, giá chuyển nhượng đất nền đã được “cò” đẩy lên mức 17-20 triệu đồng/m2.

Hình thức mượn “mác” nhà ở xã hội, lợi ích công cộng của nhiều doanh nghiệp bất động sản để thu lợi bất chính không xa lạ. Với tỉnh Đồng Nai, đây không phải dự án phát triển nhà ở duy nhất được làm theo kiểu “gắn mác” vì lợi ích công cộng. Và, hệ lụy để lại cho người dân và xã hội thì không thể chỉ đo đếm bằng tiền.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gắn ‘mác’ vì lợi ích công cộng để trục lợi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO