Gánh nặng trả nợ ngân hàng, làn sóng tháo chạy khỏi nhà nghỉ dưỡng ven đô

Vân Giang 28/07/2021 18:00

Bỏ ra hàng tỷ đồng đầu tư nhà vườn với mong muốn vừa cho thuê vừa là nơi cả gia đình nghỉ ngơi cuối tuần. Tuy nhiên, dịch bệnh lần thứ 4 ập đến khiến nhiều chủ đầu tư phải rao bán cắt lỗ.

Để làm homestay ven đô, nhiều nhà, đầu tư bỏ ra số tiền lớn tuy nhiên việc thu hồi vốn hiện nay đang trở nên khó khăn

Cách đây 3 năm, theo trào lưu đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng ở khu vực ngoại thành, anh Đắc Thành (quận Tây Hồ, Hà Nội) mua một mảnh đất rộng gần 5.000m2 ở Hoà Bình, xây 1 biệt thự nghỉ dưỡng để cho thuê và thỉnh thoảng cả gia đình về nghỉ ngơi dịp cuối tuần. Biệt thự có khuôn viên rộng, nhiều cây xanh, bể bơi, sân vườn…

Thời gian đầu, do biệt thự nghỉ dưỡng mới đi vào hoạt động, chưa có tiếng nên lượng khách biết đến và thuê cũng chỉ nhỏ giọt. Khi đó, anh Thành vẫn tin rằng khi làm truyền thông tốt hơn, biệt thự sẽ có đông khách, mang về lợi nhuận. Thế nhưng, viễn cảnh ấy đã không xảy ra.

Ban đầu gia đình chị còn hào hứng về chơi mỗi dịp cuối tuần nhưng sau cũng thưa dần. Lúc chưa có dịch Covid-19, lượng khách đã thưa thớt, khi dịch bệnh xuất hiện, 2 căn biệt thự hầu như bỏ không.

Trong khi đó, mỗi tháng vợ chồng chị vẫn phải bỏ ra 10 triệu đồng thuê một người quản lý chung, chưa kể các chi phí thuê thợ làm vườn…

Bài toán sinh lời không thành công, giờ phải đối mặt với tình trạng chôn vốn, thiệt đơn thiệt kép, sau khi tính toán vợ chồng chị quyết định rao bán khu biệt thự nghỉ dưỡng này.

Trên các website rao bán bất động sản, thời gian gần đây xuất hiện nhiều tin rao bán biệt thự nghỉ dưỡng, nhà vườn… Có những biệt thự nghỉ dưỡng được đầu tư với kinh phí lớn nên giá rao bán cũng cao ngất ngưởng, từ vài tỷ tới vài chục tỷ.

Một biệt thự nghỉ dưỡng tại Sóc Sơn, diện tích hơn 2.500m2 đang được chào bán với giá 17 tỷ đồng với các thông tin như: Cách hồ Đồng Đò 500m, cách cầu Nhật Tân 35km, xung quanh có nhiều biệt thự, nhà vườn. Hiện đã xây dựng 3 khu nhà khép kín và khu vực bếp ngoài trời để phục vụ làm homestay nghỉ dưỡng, nhiều cây cảnh đẹp, bể bơi. Sổ đỏ đầy đủ, sẵn sàng giao dịch.

Một homestay ở xã Vân Hòa, Ba Vì diện tích 2.100m2 thì được rao bán với giá 10 tỷ đồng. Theo thông tin quảng cáo, homestay đã được xây dựng gần 3 năm, chủ giữ gìn nên sạch sẽ, như mới, do gia đình cần tiền nên phải bán…

Trong khi đó, tại các dự án nghỉ dưỡng lớn tại Lượng Sơn (Hoà Bình) theo ghi nhận của PV Đại Đoàn Kết giai đoạn đầu năm vẫn có giao dịch nhưng từ tháng 5 trở lại đây như không có giao dịch. Ông Hoàng Long, chủ một sàn giao dịch thứ cấp chuyên bán biệt thự các dự án Legacy Hill, Ivory Hoà Bình, thừa nhận, với các dự án nghỉ dưỡng chạy dọc trục quốc lộ 6 chủ yếu là khách Hà Nội nhưng 2 tháng nay hầu như không có khách.

Theo ông Long, điểm hút khách của các dự án này là cam kết vận hành thuê lại của chủ đầu tư với lãi suất rất cao từ 8%/năm trở lên nhưng số tiền bỏ ra đầu tư cũng rất lớn.

“Dịch bệnh khiến khách hàng không muốn đầu tư mạo hiểm mà họ muốn giữ tiền mặt. Ngoài ra với những khách hàng vay ngân hàng thì cũng có khách hàng chấp nhận phạt để rút vốn về”, ông Long nói.

Nhiều dự án nghỉ dưỡng ven đô đang giai đoạn thi công sắp hoàn thiện nhưng hầu như trong 2 tháng trở lại đây không có giao dịch

Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Công ty Sohovietnam, cho rằng trong bối cảnh thị trường khó khăn, ảm đạm nhiều nhà đầu tư sẽ phải bán tài sản với giá rẻ hơn thị trường. Đa phần những người này khi tham gia kinh doanh trên thị trường bất động sản có sử dụng đòn bẩy tài chính, đối tượng này thuộc diện phải bán tài sản đầu tiên khi thị trường lâm nguy.

Ông Cần lưu ý, trong những cuộc khủng hoảng kinh tế thì những tài sản như vàng, ngoại tệ hay bất động sản đều là những nơi trú ẩn an toàn đối với nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, với bất động sản thì không phải loại hình nào cũng đem lại sự an tâm cho họ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gánh nặng trả nợ ngân hàng, làn sóng tháo chạy khỏi nhà nghỉ dưỡng ven đô

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO