Gánh thêm 'giấy phép con' về mã số mã vạch: Doanh nghiệp thủy sản khó chồng khó

Minh Phương 24/04/2020 08:00

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep) cho biết, từ đầu năm đến nay, Hiệp hội đã nhận được phản ánh của nhiều DN về bất cập liên quan đến quy định đăng ký sử dụng mã số mã vạch (MSMV) nước ngoài trên bao bì các lô thủy sản xuất khẩu, lại đúng vào dịp cộng đồng DN thủy sản đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19.

Điều này khiến cho các DN xuất khẩu thủy sản thêm phần khó khăn. Trước tình hình đó, mới đây, Vasep đã có đơn gửi lên Chính phủ kiến nghị giải quyết vướng mắc trong quy định đăng ký sử dụng MSMV cho hàng xuất khẩu.

Gánh thêm 'giấy phép con' về mã số mã vạch: Doanh nghiệp thủy sản khó chồng khó

Doanh nghiệp thủy sản vẫn gặp khó về thủ tục.

Theo phản ảnh từ các DN, khi thực hiện thủ tục đăng ký sử dụng MSMV nước ngoài theo hướng dẫn của GS1, thủ tục xin cấp Giấy xác nhận với GS1 đòi hỏi phải có thư ủy quyền của khách hàng (bản gốc) trong đó phải có thời hạn ủy quyền, kèm theo hồ sơ chứng minh mã số, mã vạch của khách được cơ quan thẩm quyền của nước họ chứng nhận kèm theo bảng dịch thuật tiếng Việt (Giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền cấp và biên lai đóng phí sử dụng MSMV hàng năm). Các giấy tờ trên đều khó xin, tốn nhiều thời gian, các thủ tục đều phải làm trên hồ sơ giấy chứ chưa có thủ tục đăng ký qua mạng, chưa kể thủ tục xử lý tại GS1 sau khi có đủ hồ sơ và nộp phí thì nhanh nhất cũng phải 2-3 ngày mới có kết quả và giấy xác nhận cũng chỉ có giá trị trong 6 tháng.

“Để xin được đầy đủ các giấy tờ nêu trên và hoàn tất được thủ tục đăng ký MSMV nước ngoài với Trung tâm GS1 thì nhiều khi DN phải mất ít nhất tới 30 ngày mới xuất được lô hàng. Trong thời gian này, DN vẫn phải trả lãi suất vay ngân hàng cho nguồn vốn sản xuất lô hàng và các chi phí cho việc lưu kho, lưu bãi lô hàng đó. Trong khi có rất nhiều đơn hàng gấp xuất đi châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... đòi hỏi cần hoàn tất lô hàng trong thời gian chưa đến 1 tuần”- đại diện Vasep cho biết, đồng thời nêu quan điểm, việc yêu cầu khách hàng phải cung cấp quá nhiều giấy tờ đang tạo ra khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa của các DN. Trong khi đó, DN thường xuyên có thêm khách hàng mới hoặc mặt hàng mới nên MSMV của các sản phẩm cũng phải đổi mới và cập nhật thường xuyên, gây mất rất nhiều thời gian cũng như chi phí cho DN.

Sau khi nhận được phản ánh của Vasep, Tổng cục Hải quan đã có công văn số 2324/TCHQ-GSQL ngày 10/4/2020 về việc sử dụng MSMV đối với hàng hóa xuất khẩu theo đó yêu cầu “khi làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, công chức hải quan không yêu cầu người khai hải quan phải xuất trình văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về việc sử dụng MSMV nước ngoài. Người khai tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng MSMV của nước ngoài in trên hàng hóa, bao bì sản phẩm xuất khẩu”.

Tuy nhiên, ngay sau đó chỉ khoảng một tuần, Tổng cục Hải quan lại phát hành công văn số 2417 về việc xử lý vi phạm về sử dụng MSMV đối với hàng hóa xuất khẩu, trong đó yêu cầu trường hợp công chức hải quan phát hiện dấu hiệu vi phạm về sử dụng MSMV của nước ngoài theo chuẩn của tổ chức mã số mã vạch quốc tế GS1 thì kiểm tra thực tế hàng hóa và yêu cầu DN xuất trình ủy quyền sử dụng của chủ sở hữu MSMV nước ngoài hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp để kiểm tra. Và nếu xác định DN vi phạm quy định sẽ bị xử lý.

Vasep cho rằng, với công văn số 2417 nói trên, DN xuất khẩu vẫn tiếp tục phải thực hiện đầy đủ các thủ tục xin cấp Giấy xác nhận sử dụng MSMV nước ngoài do GS1 cấp. Ông Trương Đình Hòe cho rằng, theo rà soát của Hiệp hội Vasep, hoàn toàn không thấy có cơ sở pháp lý đầy đủ, thuyết phục cho quy định liên quan đến MSMV đối với hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, việc cấp giấy Xác nhận sử dụng MSMV nước ngoài hoàn toàn không có ý nghĩa thực tế đối với công tác quản lý nhà nước. Việc cấp giấy này chỉ là hình thức, không có tác dụng đảm bảo sự quản lý của Nhà nước trên thực tế.

Ngoài ra, theo Vasep, việc cấp giấy này đang đi ngược chủ trương giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gánh thêm 'giấy phép con' về mã số mã vạch: Doanh nghiệp thủy sản khó chồng khó

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO