Gặp nhà văn Ma Văn Kháng nơi biên cương Đông Bắc

Dân sinh yếu nhược mang theo mối nhục vong quốc. Dân sinh dũng cường đưa ta tới đài vinh quốc. Mau gây lấy phong trào khỏe khắp nơi xa gần cho dân trí 06/10/2019 14:12

Bốn mươi năm trước, vào năm 1979, Ma Văn Kháng cùng Đoàn công tác của Hội Nhà văn Việt Nam ra thăm vùng biên giới Đông Bắc Quảng Ninh trong những ngày khói lửa. Được gặp lại người bạn Thiếu sinh quân, lòng tôi tràn dâng niềm vui sướng.

Gặp nhà văn Ma Văn Kháng nơi biên cương Đông Bắc

Trường Thiếu sinh quân đầu những năm 1950.

Một thời Thiếu sinh quân

Nhà văn Ma Văn Kháng sinh ngày 1 tháng 12 năm 1936 tại làng Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội. Tên thật là Đinh Trọng Đoàn.

Câu chuyện tham gia cách mạng của một cậu bé thì thế hệ trẻ ngày hôm nay khó có thể hình dung được. Cuối năm 1946, khi mới 10 tuổi, Đinh Trọng Đoàn được Cục Quân y tuyển vào Đội Truyền bá Vệ sinh của Cục. Đoàn được theo các anh lớn đi hát và diễn kịch cho bộ đội, đồng bào xem. Những ngày gian khổ đã giúp cho Đoàn học hỏi được nhiều điều. Và phần thưởng lớn đến với anh là được tuyển vào Trường Thiếu sinh quân Việt Nam.

Trường Thiếu sinh quân được thành lập vào tháng 9 năm 1949 theo chủ trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã cân nhắc hai yếu tố:

Thứ nhất là, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Bác, của Trung ương Đảng, ngay từ những năm đầu kháng chiến, chúng ta đã thu được những thắng lợi quan trọng. Năm 1949, cục diện chiến tranh đã có nhiều biến đổi. Cuộc kháng chiến đã chuyển từ giai đoạn Cầm cự chuyển sang giai đoạn Tổng phản công. Việc bố trí lực lượng trong quân đội có sự thay đổi. Các đơn vị nhỏ là các đại đội độc lập tác chiến đã chuyển về tập trung thành các đơn vị chủ lực lớn, các đại đoàn, các sư đoàn, đánh giặc theo lối vận động chiến. Vì thế, các cháu thiếu niên đang làm nhiệm vụ trinh sát, liên lạc, văn thư, văn công cho các đơn vị không còn là một yêu cầu nữa.

Thứ hai là, có một số cháu trong quá trình làm nhiệm vụ đã hy sinh hoặc bị thương. Điển hình là trường hợp của Trịnh Ngọc Trình. Năm 1947, Trình làm liên lạc cho một đơn vị bộ đội ở Ninh Bình. Trong một lần đang làm nhiệm vụ thì bị địch phát hiện và đuổi bắt, Trình đã bị bắn vào cánh tay phải và cố gắng chạy thoát về căn cứ. Trình đã được bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ (sau này ông là Giáo sư, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội) chữa trị chu đáo. Tuy nhiên, không còn cách nào khác, ông đã phải cưa cánh tay phải của Trình đến tận sát nách trong điều kiện không có thuốc mê. Ông đã không cầm được nước mắt trong khi cưa cánh tay lủng lẳng của Trình. Còn Trình thì gồng mình lên, cố gắng chịu đựng đến mức ngất xỉu. Sau đó bác sĩ Nguyễn Trinh Cơ đã có một bài viết về sự kiện này đăng trên tờ báo Vệ quốc quân (ngày nay là báo Quân đội Nhân dân). Bác Hồ đọc bài báo và đã không cầm được nước mắt và Người xúc động nói: “Các cháu còn nhỏ tuổi, phải tạo điều kiện để các cháu được học hành để sau này phụng sự đất nước”.

Với hai lý do nêu trên, Bác Hồ đã chỉ thị cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký quyết định thành lập Trường Thiếu sinh quân Việt Nam.

Đây là tin vui, và bay đến khắp nơi. Nhiều thiếu niên đang làm nhiệm vụ ở các đơn vị chiến đấu, các Tổng cục, các Cục và đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng được tuyển chọn để nhập học. Đinh Trọng Đoàn là một trong số đó. Anh cảm nhận được vinh dự và trách nhiệm nên đã chọn cho mình một tên mới là Nguyễn Kháng. Chữ “kháng” ở đây là kháng chiến. Tôi nghĩ, có lẽ anh đã tự nhủ rằng, phải rèn luyện cho mình có một nghị lực phi thường để cống hiến cho đất nước.

Tôi vào học trường Thiếu sinh quân sau Nguyễn Kháng một thời gian. Trước đấy tôi làm liên lạc cho Phòng Xạ thuật, Nha Nghiên cứu kỹ thuật, Cục Quân giới.

Môi trường học tập và sinh hoạt tại Trường Thiếu sinh quân đã tạo điều kiện cho chúng tôi gần gũi và thân thiết với nhau. Khi đó, Nguyễn Kháng ở đại đội 1 còn tôi ở đại đội 5. Đại đội chúng tôi gồm những học viên ít tuổi nhất của trường nên thường nhận được sự giúp đỡ rất nhiều của các Đại đội lớp đàn anh.

Thời gian biểu sinh hoạt hàng ngày rất chặt chẽ. Buổi sáng vào lúc 5 giờ, khi tiếng kèn đánh thức cất lên, mọi người bật dậy chạy ra xếp hàng để tập thể dục. Tập xong, cùng đồng thanh hát bài Khoẻ vì nước của nhạc sĩ Hùng Lân(*).

Tôi nhớ lại có lần, đã xảy ra một câu chuyện…

Khi mọi người hát xong lần thứ nhất và bắt đầu hát lần thứ hai, thì bất ngờ lọt vào một lời hát rất lạ: Ghẻ vì nước kiến thiết quốc gia. Đoàn thanh niên ta góp tài ba…

Trực tinh Đại đội rất không hài lòng vì đã có một học viên hát câu Ghẻ vì nước kiến thiết quốc gia, không đúng như lời bát hát là Khoẻ vì nước… Đây là một việc làm không nghiêm túc. Trực tinh Đại đội đã bắt cả đại đội đứng nghiêm và hỏi ai là người hát câu đó. Lần thứ nhất không có ai trả lời. Hỏi lần thứ hai cũng không có ai trả lời. Hỏi đến lần thứ ba thì có 1 bạn trả lời: Tôi!

Trực tinh Đại đội đã phạt bạn ấy phải chạy 10 vòng từ chân đồi lên đỉnh đồi và từ đỉnh đồi vòng xuống chân đồi. Bạn ấy mới chạy được 6 vòng thì ngất xỉu không thể chạy được nữa.

Nêu một ví dụ như trên, để nói lên rằng kỷ luật của trường rất nghiêm khắc. Chúng tôi thường gọi đây là kỷ luật sắt. Chính những điều đó đã rèn luyện lớp người niên thiếu chúng tôi sống có kỷ cương, khuôn phép và phong cách ấy mang theo suốt cả cuộc đời.

***

Tự hào lứa tuổi thiếu niên
Hành quân nhịp bước khắp miền quê hương
Núi đèo ghềnh thác dặm trường
Những chàng Vệ út gió sương quản gì!

***

Bên đồi lớp học sớm mai
Miệt mài văn hoá một hai tập tành
Buổi trưa đôi bát cơm canh
Luyện rèn khuya sớm lòng thành nước non.

Năm 2019, nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Trường Thiếu sinh quân Việt Nam, Ma Văn Kháng đã viết cuốn tự truyện kể lại những ngày được rèn luyện ở môi trường quân đội. Ấn tượng sâu sắc trong anh dù chỉ là một Thiếu sinh quân, nhưng đã được “rèn cán chỉnh quân” như một chiến sĩ quân đội thực thụ. Và chính điều đó đã làm cho anh trưởng thành.

Cuộc sống Thiếu sinh quân gian khổ nhưng chúng tôi vẫn lạc quan, yêu đời. Hằng năm, nhà trường tổ chức cho chúng tôi tham gia thi các bộ môn văn thơ nhạc hoạ. Nhiều tác phẩm đã được giải thưởng và có tác phẩm phổ biến rộng rãi trong cả nước. Điển hình như bài thơ Mừng sinh nhật Bác Hồ của Nguyễn Bá Dậu đạt giải Nhất và đưa vào sách giáo khoa:

Cháu là đứa bé phương xa
Theo anh Vệ quốc xa nhà từ lâu
Đi qua sông Đuống, sông Cầu
Phủ Thông, Đèo Khách, An Châu, Lũng Vài…

Có nhiều ca khúc về Thiếu sinh quân rất hay do các nhạc sĩ sáng tác mà hàng ngày chúng tôi vẫn thường hát. Ngày đó, anh Phạm Tuyên là Đại đội trưởng đồng thời là giáo viên dạy văn học và âm nhạc. Chúng tôi có ấn tượng sâu sắc với bài “Thiếu sinh quân ở một nơi thật vừa” của anh:

Thiếu sinh quân ở một nơi thật vừa

Thiếu sinh quân ở một nơi thật vừa,
Kề dòng suối trong, rừng nứa um tùm,
Lúc lao công thật là thú vô cùng,
Vì tre nứa ngay bên rừng.
Giá ba lô và lợp mái chuồng gà,
Bàn lúc học, ghế lúc ngồi,
Cuốc tăngxê và đan liếp làm nhà,
Bao vật dụng tự cấp!

Thiếu sinh quân làm lao công thật tài,
Một tay với dao làm muốn ngắn dài,
Thiếu sinh quân làm lao công thật tài,
Mồm ca hát kém chi ai!

Tuy thời gian ở Trường Thiếu sinh quân không dài, nhưng là một quãng thời gian quý báu trong cuộc đời. Mãi cho đến sau này, chúng tôi vẫn coi nhau là đồng đội, là anh em. Mọi chuyện vui buồn đều tâm sự với nhau.

Thế rồi, tôi không ngờ vào thời điểm cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc do Trung Quốc xâm lược nước ta, tôi lại có cơ hội được đón tiếp người đồng đội Thiếu sinh quân năm xưa. Ma Văn Kháng cùng Đoàn công tác của Hội Nhà Văn đi khảo sát thực tiễn ở vùng Đông Bắc. Dù biết rằng, anh đi công tác là chính, nhưng trong tôi vẫn cứ nghĩ rằng Ma Văn Kháng nhớ Vũ Mão, thương Vũ Mão nên đã ra thăm.

Ban ngày thì Đoàn đi thực tiễn, xuống tận bản làng của đồng bào dân tộc, còn tối về thì làm việc với lãnh đạo huyện. Với tư cách là Bí thư Huyện ủy kiêm Chính ủy các lực lượng vũ trang thống nhất của huyện, tôi đã tiếp Đoàn công tác của Hội Nhà văn rất nhiệt tình và trả lời mọi câu hỏi mà các anh nêu ra.

Trong hai đêm nghỉ lại ở huyện, tôi và Ma Văn Kháng đã tâm tình với nhau mọi chuyện trên trời dưới biển. Nói chuyện một hồi, chúng tôi cùng hát bài “Hành khúc Thiếu sinh quân” của nhạc sĩ Phạm Duy. Bài hát được sáng tác năm 1949 theo yêu cầu của Tướng Nguyễn Sơn, Tư lệnh Quân khu IV:

Đoàn Thiếu sinh quân
Vượt đường chông gai và theo chí lớn
Khắp trời Việt, muôn dân đang cùng nhau reo hò
Quyết đi lên, nhịp nhàng theo chân
toàn dân kháng chiến
Vang tiếng hò: Thiếu niên, ta đi lên!

Đoàn chúng em đi
Đồng lòng em đi và em quyết thắng
Không phân biệt em Kinh hay là em Mán, Mường
Thái hay Đê, em là Việt Nam vùng lên chiến đấu
Khi căm thù dâng lên.

Đoàn ta vui tươi đi trong nắng vàng
Hồn ta vươn lên như ánh chiêu dương
Thiếu sinh quân! Thiếu sinh quân!
Như hoa mùa Xuân đang tắm nắng vàng
Thiếu sinh quân! Thiếu sinh quân!
Đây măng mọc lên trong vườn hận thù
Còn vang dư âm oán thù bao lũ giặc
Giục ta đi lên thiếu sinh Việt Nam.

Hát xong, trong lòng chúng tôi rất vui và tự hào về một thời Thiếu sinh quân.

Đinh Trọng Đoàn và bút danh Ma Văn Kháng

Năm 1955, Ma Văn Kháng lên dạy học ở Lào Cai. Ở đây, anh được cùng làm việc với anh Ma Văn Nho. Họ thân thiết và kết nghĩa anh em. Anh Nho vốn là người Kinh mang họ Mè vì quê hương anh là nơi có chùa Mè ở vùng Phú Thọ. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Nho thoát ly gia đình đi công tác và đổi họ Mè thành họ Ma. Khi đã cảm phục nhau và là anh em kết nghĩa nên một lần nữa, Kháng đã quyết định đổi họ và tên của mình từ Đinh Trọng Đoàn – Nguyễn Kháng thành Ma Văn Kháng.

Có thể thấy, tên gọi là Ma Văn Kháng đã nói lên tâm nguyện của anh, rằng trước hết cần sống chan hòa với đồng bào dân tộc như tấm gương của Ma Văn Nho, một cán bộ miền xuôi được cử lên miền các dân tộc thiểu số công tác. Hãy sống hết mình vì nhân dân trước đã và sau đó mới có thể làm được một cái gì thích hợp với cái sở trường của mình.

Từ năm 1961, bút danh Ma Văn Kháng đã trở nên quen thuộc trong các bài báo, bài văn và các tiểu thuyết.

Cuộc đời và sự nghiệp của Ma Văn Kháng thật vẻ vang, có thể kể tới các mốc:

- Thời trai trẻ sau khi tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm đã xung phong lên miền núi dạy học. Anh là thầy giáo dạy môn văn rồi trở thành Hiệu trưởng của trường cấp 2 ở Lào Cai. Anh được cử đi học ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, rồi sau đó lại trở về Lào Cai dạy học và trở thành Hiệu trưởng của trường cấp 3 ở Lào Cai.

- Tâm huyết với nghề viết văn và nghề làm báo, anh đã trở thành Phó Tổng biên tập báo Lào Cai.

- Được tín nhiệm cử làm Thư ký cho đồng chí Hoàng Trường Minh, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai.

- Năm 1976, Ma Văn Kháng về Hà Nội, công tác ở Hội Nhà văn Việt Nam và đảm nhiệm chức vụ Phó Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà xuất bản Lao động. Sau đó anh xin thôi công tác quản lý để có thời gian tập trung cho công việc của một nhà văn. Tuy được đáp ứng một phần nguyện vọng ấy nhưng anh vẫn phải đảm nhiệm chức vụ Tổng Biên tập Tạp chí Văn học nước ngoài một thời gian.

Là người bươn trải trong cuộc sống, Ma Văn Kháng đã rèn luyện để trở thành nhà văn tầm cỡ, được mọi người kính trọng.

Ma Văn Kháng đã biết khai thác vốn sống của mình vào các tác phẩm như: Gió rừng (1977), Đồng bạc trắng hoa xòe (1980), Vùng biên ải (1983). Đây là sự hội tụ, kết tinh cao độ về con người miền núi mà anh tích lũy suốt hơn 20 năm gắn bó.

Khi tiểu thuyết Đồng bạc trắng hoa xòe ra đời khiến cho nhiều người kinh ngạc. Cả một thời kỳ lịch sử của Lào Cai và của cả miền đất bao la đầy bí hiểm Tây Bắc nước ta, được trình bày qua những trang văn giản dị, với một tấm lòng nồng nàn yêu thương của Ma Văn Kháng.

Các tiểu thuyết của anh như những bức tranh sống động của đồng bào các dân tộc thiểu số. Qua đó giúp cho ta hiểu lịch sử đấu tranh đau thương mà anh dũng cũng như bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc anh em.

Từ đầu những năm 1980 và nhất là bước vào thời kỳ đổi mới, các tiểu thuyết của Ma Văn Kháng như Mưa mùa hạ (1982), Mùa lá rụng trong vườn (1985), Đám cưới không có giấy giá thú (1989) lần lượt ra đời và gây được tiếng vang.

Có thể nói, Ma Văn Kháng đã gửi gắm nhiều buồn khổ của đời anh về con người và sự đời vào những nhân vật trí thức mà anh tạo nên. Mưa mùa hạ và Mùa lá rụng trong vườn đã khiến Ma Văn Kháng trở thành nhà văn ăn khách, rất được ưa chuộng trong đời sống xã hội. Hai tiểu thuyết đó của anh như là những dấu hiệu đến sớm của một thời kỳ đời sống xã hội sẽ phải có sự đổi khác so với trước đó.
Nghĩ về hiện tượng văn chương Ma Văn Kháng, là nghĩ tới những giá trị nhân bản của một con người với trí tuệ mẫn tiệp và sự dũng cảm khi đề cập tới thực trạng của cuộc sống trong các tác phẩm. Đức độ và tài năng đã giúp cho anh có một lý tưởng nhân văn cao cả.
Với những đóng góp to lớn của mình, nhà văn Ma Văn Kháng đã vinh dự nhận được các giải thưởng:

Giải thưởng Văn học Đông Nam Á (ASEAN) năm 1998.

Giải thưởng Nhà nước về văn học – Nghệ thuật đợt 1 năm2001.

Giải thưởng Hội Văn học - Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số năm 2002 và năm 2003.

Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 1986 và năm 2000.

Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật năm 2012.

***

Chuyến thăm biên giới Đông Bắc của nhà văn Ma Văn Kháng và cuộc gặp của hai đồng đội Thiếu sinh quân cách đây đã 40 năm, nhưng những kỷ niệm vẫn còn mãi mãi. Tôi tự hào về người đồng đội của mình:

“Cuộc đời và sự nghiệp của Ma Văn Kháng là tấm gương của thế hệ Thiếu sinh quân chúng tôi”.

Nhà chính trị Vũ Mão

_______________________________

(*) Khỏe vì nước kiến thiết quốc gia. Đoàn thanh niên ta góp tài ba, tạo nguồn dân sinh mới, hùng mạnh trong nam giới, hợp lực xây hưng thịnh chung nước Nam.

Khỏe vì nước chí khí cương kiên. Giống Lạc Hồng uy hùng vô biên, trong khó nguy can trường, sinh thác ta coi thường, Việt Nam thanh niên anh dũng muôn năm.

Thanh niên ơi! Hồn thiêng núi sông đợi chờ. Nơi tay ta toàn dân ngóng trông từng giờ. Mang máu anh hùng ta đừng làm nhơ máu anh hùng. Nơi đất Việt phải lên đèn sáng thế giới ngắm chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gặp nhà văn Ma Văn Kháng nơi biên cương Đông Bắc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO