Ghi nhãn hàng hóa nhiều lỗ hổng

H. Hương 23/07/2019 06:51

Hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài khi nhập khẩu về Việt Nam đã ghi sẵn dòng chữ “Made in Vietnam”, “sản xuất tại Việt Nam”, “xuất xứ Việt Nam” để đánh lừa người tiêu dùng. Chưa kể, hàng chất lượng kém còn tràn lên các sàn giao dịch điện tử. Người tiêu dùng đứng giữa ma trận chất lượng hàng hóa.

Ghi nhãn hàng hóa nhiều lỗ hổng

Lực lượng hải quan trong một đợt thu giữ hàng giả, hàng nhái.

Bắt hàng trăm lô hàng giả

Mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường đã kiểm tra đồng loạt 8 cơ sở kinh doanh các mặt hàng thời trang như đồng hồ, kính mắt, quần áo, túi xách... tại chợ đầu mối Ninh Hiệp và phát hiện hàng nghìn sản phẩm giả. Các sản phẩm bị làm giả nhiều nhất là quần áo. Các sản phẩm nhãn hiệu Dior chỉ có giá từ 50.000 - 60.000 đồng/chiếc, được bày bán công khai tại hầu hết các cửa hàng ở đây. Đại diện nhãn hiệu này cho biết, thậm chí các thiết kế, mẫu mã, size này cũng không phải của hãng.

Không chỉ quần áo, các sản phẩm đồng hồ, kính mắt như Chanel, Hublot, Dior... giả cũng được bán với số lượng lớn, thậm chí được bán theo cân với giá chỉ từ vài trăm nghìn trong khi sản phẩm thật ngoài thị trường có giá từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng. Câu chuyện hàng giả nhãn mác tràn lan thị trường không còn là mới. Nhưng cách giả thương hiệu cũng có trăm ngàn kiểu. Có hàng giả nhãn hiệu nước ngoài, có hàng giả nhãn hiệu sản xuất trong nước. Chung quy lại, mục đích là đánh lừa người tiêu dùng.

Ông Âu Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Giám sát và quản lý hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, qua kiểm tra, giám sát hàng hoá xuất nhập khẩu và kiểm tra sau thông quan, cơ quan này phát hiện nhiều hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài khi nhập khẩu về Việt Nam đã ghi sẵn dòng chữ “Made in Vietnam”.

Ngoài ra, hàng nhập về kèm cả phiếu bảo hành bằng tiếng Việt với đủ thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ doanh nghiệp, trung tâm bảo hành tại Việt Nam... để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu. Ngoài ra, cũng có trường hợp doanh nghiệp nhập hàng từ nước ngoài, dán nhãn hàng hóa hoặc ghi xuất xứ hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài... nhưng sau đó thay nhãn mác mới ghi “Made in Vietnam” hoặc “sản xuất tại Việt Nam” khi bán tại thị trường nội địa.

Trong những năm qua, hành vi chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, gian lận xuất xứ có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, đặc biệt, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đã và đang diễn ra căng thẳng. Lực lượng hải quan đã theo dõi tình hình thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc và giữa Việt Nam với các nước, chú ý các mặt hàng nhạy cảm có thuế suất cao, kim ngạch tăng đột biến. Đồng thời, theo dõi các doanh nghiệp có dấu hiệu bất thường về năng lực sản xuất không phù hợp với số lượng hàng xuất nhập khẩu để phát hiện những dấu hiệu gian lận C/O, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp...

Hàng giả tràn lan trên mạng

Hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đang tràn lan ngoài thị trường, và nguy hiểm hơn còn tràn lên mạng. Tại một số sàn thương mại điện tử (TMĐT), khi có nhu cầu mua mặt hàng gì, khách hàng có thể đứng trước nhiều lựa chọn, với nhiều mức giá từ vài chục nghìn đến vài chục triệu đồng. Chất lượng của các loại hàng được rao bán trên nhiều sàn TMĐT không thể kiểm định được.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) đã từng khẳng định: “Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử”, với sự tham gia của 5 sàn TMĐT lớn của Việt Nam, gồm: Adayroi.com, Lazada.vn, Sendo.vn, Shopee.vn, Tiki.vn. Mục đích lớn nhất của cam kết này là nhằm tăng cường công tác phối hợp và thực thi giữa các đơn vị thuộc Bộ Công thương, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan về công tác chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường internet. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp sở hữu các website thương mại điện tử trong việc bảo vệ người tiêu dùng.

Thế nhưng theo phản ánh của nhiều người tiêu dùng, hàng hóa không chất lượng vẫn được bán tràn lan. Chị Thu Huyền ( Tòa nhà MHDI – Hoàng Quốc Việt) khẳng định: Mua hàng trên mạng tại các sàn TMĐT “ hên – xui” vô cùng. Lúc thì mua được hàng chất lượng, lúc thì mua hàng trời ơi đất hỡi.

Theo quy định, các trang TMĐT phải loại bỏ webside có chứa những thông tin bán hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hàng hóa dịch vụ vi phạm pháp luật khác khi phát hiện hoặc nhận đuợc phản ánh có căn cứ xác thực về những thông tin này. Song để thu hút đông đảo người mua, và vì mục đích lợi nhuận nên một số sàn TMĐT không thực hiện đầy đủ các nội dung trên. Do đó cá nhân kinh doanh có thể đăng tải các mặt hàng mà không bị kiểm soát.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ghi nhãn hàng hóa nhiều lỗ hổng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO