Giá dầu giảm: Cơ hội và thách thức song hành

Thúy Hằng 25/08/2015 07:25

Nhiều năm qua, dầu thô đóng góp không nhỏ vào ngân sách quốc gia. Nhưng khi giá dầu đang về thấp quanh mức 40USD/thùng, giới chuyên gia cho rằng, ở chiều tích cực giá dầu giảm sẽ kích thích sản xuất trong nước, các DN sẽ tăng cường xuất khẩu. Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì thách thức và cơ hội song hành.

Giá dầu giảm: Cơ hội và thách thức song hành

Dư thừa nguồn cung

“Mô hình tăng trưởng kinh tế phải thay đổi. Bài học từ nước Nga cho thấy, nếu dựa quá nhiều vào xuất khẩu dầu thô, sẽ gặp thiệt hại lớn khi giá dầu giảm. Tác động của việc giảm giá dầu đến kinh tế Việt Nam có độ trễ lớn. Các cơ quan quản lý phải có biện pháp xử lý, điều hành để tác động đến kịp thời hơn. Ví dụ điển hình là giá xăng dầu trong nước giảm nhưng cước vận tải giảm rất chậm” - TS Lưu Bích Hồ.

Nhìn vào bối cảnh thị trường năng lượng trong tuần qua và cảnh bán tháo dầu mỏ vẫn đang tiếp diễn.

Cùng với nguồn cung đang dồi dào Mỹ gia tăng sản lượng khai thác hàng ngày là nguyên nhân chính làm cho dầu thô tại thị trường Mỹ và thế giới tiếp tục đà trượt giá xuống mức thấp nhất trong 6 năm trở lại đây. Giá dầu đã có lúc bị phá giá kỷ lục chỉ còn 40,45 USD/thùng. Đây là khoảng thời gian mất giá kéo dài nhất của loại dầu thô này kể từ năm 1986.

Ngoài những thông tin không mấy sáng sủa từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc, với tư cách là nước tiêu thụ nhiên liệu lớn thứ hai thế giới, thông báo về việc các công ty năng lượng Mỹ trong tuần trước đã đưa thêm 2 giàn khoan vào hoạt động, cũng là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư lo ngại về nguồn cung trên toàn cầu sẽ dư thừa nhiều hơn. Hiện tượng giá dầu giảm lần này không phải do biến động chính trị mà do cung tăng.

Và trò chơi nguy hiểm của giá dầu khiến cho nhiều nền kinh tế lo lắng. Việt Nam không nằm ngoài chuỗi tác động này bởi ngân sách quốc gia trước nay vẫn phụ thuộc vào dầu, trên cả hai phương diện xuất khẩu và nhập khẩu.

Dữ liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2015, do đơn giá bình quân giảm tới 47,8% nên trị giá xuất khẩu dầu thô của cả nước chỉ đạt 2,46 tỷ USD; giảm 47,1% (tương ứng giảm 2,18 tỷ USD). Trong khi đó, lượng xăng dầu các loại Việt Nam nhập khẩu trong tháng 7 tăng 17% so với tháng trước; đạt 905 nghìn tấn. Tuy nhiên trị giá nhập khẩu chỉ đạt 491 triệu USD; tăng 6,9% so với tháng trước.

Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 7, cả nước đã nhập khẩu 5,93 triệu tấn xăng dầu các loại với giá trị đạt 3,42 tỷ USD; tăng 8,4% về lượng và giảm 34% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, nguồn thu từ dầu đang chiếm khoảng 20% ngân sách. Hàng năm, Bộ Tài chính dự ước tính một con số nhất định cho giá dầu. Cụ thể năm 2015 cơ quan này ước giá dầu thế giới trên dưới 100USD/thùng. Giá dầu xuống thấp hơn dự tính, ngân sách đóng góp từ dầu thô giảm.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng: Nếu giá dầu cứ giảm 1 USD cho một thùng dầu thì Việt Nam mất gần 1.000 tỷ đồng. Nếu chạm ngưỡng 40 USD/thùng, Việt Nam sẽ giảm thu gần 70.000 tỷ đồng. Và nếu lấy nguồn thu khác bù vào, nếu 50 USD/thùng, ngân sách hụt thu 9.500 tỷ đồng và nếu 40 USD/thùng, ngân sách sẽ hụt thu 11.500 tỷ đồng.

Cơ quan quản lý cũng đã từng lên những kịch bản cho nền kinh tế khi giá dầu giảm. Dầu thô khi trượt xuống mức 60 USD/thùng, 50 USD/thùng và 40 USD/thùng thì tăng trưởng kinh tế cũng sẽ giảm tương ứng 0,21 điểm phần trăm; 0,56 điểm phần trăm và 1 điểm phần trăm so với dự kiến.

Giá dầu giảm: Cơ hội và thách thức song hành - 1

Giá dầu giảm do nguồn cung dư thừa.

Tìm cơ hội trong khó khăn

Không quá khó để nhận thấy tác động 2 mặt của giá dầu. Giá dầu giảm thì thu nhập từ xuất khẩu dầu thô đem bán cũng giảm. Hàng năm PVN đóng góp đến gần 30% GDP. Điều này lý giải con số tăng trưởng nền kinh tế bị mất điểm.

Nhưng việc giá dầu thô giảm cũng mang lại những ảnh hưởng tích cực. Đó là xu hướng giá xăng dầu bán lẻ trong nước giảm. Nguyên liệu đầu vào của sản xuất giảm kéo theo chi phí sản xuất giảm. Giá thành sản xuất và dịch vụ sẽ hạ nhiệt nhờ đó sức mua, sức tiêu dùng có thể được cải thiện.

Chiều 24-8, trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Phạm Minh Thụy, Viện Kinh tế Tài chính, Bộ Tài chính nói, thách thức cho nền kinh tế là có, nhưng cơ hội cho nền kinh tế cũng song hành. Giá dầu thô giảm tác động đến nền kinh tế nhiều khía cạnh.

Ông Thụy cho rằng, trong dài hạn, giá dầu giảm, giá đầu vào cho nhiều ngành sản xuất giảm, thúc đẩy năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ở chiều tích cực rộng hơn, giá dầu giảm sẽ kích thích sản xuất trong nước, từ đó thu thuế tăng lên. Nhiều nền kinh tế khác trên thế giới như: Mỹ, EU, Nhật Bản… cũng được cải thiện. Khi đó, các DN Việt Nam sẽ tăng cường xuất khẩu.

“Theo tính toán, giá thành khai thác dầu thô tại một số mỏ ở Việt Nam trung bình 20 USD/thùng, một số mỏ có chi phí cao hơn ở mức 35- 40 USD/thùng. Khi giá dầu thô thế giới về 40 USD thùng, việc xuất bán tính ra vẫn có lãi. Hiện nay, PVN cũng đang tiến hành tập trung đầu tư khai thác những mỏ dầu có giá thành thấp, hạn chế khai thác những mỏ dầu có chi phí cao.

Việt Nam cũng vừa phá giá tiền đồng, điều này sẽ có lợi cho xuất khẩu dầu thô? Ông Thụy khẳng định, tác động của việc nới tỷ giá thêm 1% và giãn biên độ điều chỉnh tỷ giá từ +/-1% lên +/-3% có hỗ trợ cho xuất khẩu nhưng ở mặt hàng dầu thô không rõ nét.

Ngay trong khu vực Đông Nam Á, Indonesia cũng là một nước xuất khẩu dầu thô. Và tỷ trọng xuất khẩu tương đương với Việt Nam. Bản thân Indonesia đã phá giá đồng nội tệ của họ do vậy tác động phá giá tỷ giá tiền Đồng (VNĐ) hỗ trợ cho xuất khẩu nhưng ở mặt hàng dầu thô không lớn như các mặt hàng nông lâm thủy sản.

Ông Thụy cũng cho rằng, PVN sẽ phải lên kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp với giá dầu thô quốc tế giảm. Đây là một cách để nâng cao hiệu quả khai thác.

Trong khi đó các chuyên gia khác cũng cho rằng, tăng trưởng kinh tế không nên dựa quá nhiều vào xuất khẩu dầu thô. Việt Nam phải tìm lợi thế cạnh tranh khác trong sản xuất thay vì việc chỉ cạnh tranh trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá dầu giảm: Cơ hội và thách thức song hành

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO