Giá sách giáo khoa & ‘ma trận’ sách tham khảo

HOÀNG MAI 13/06/2022 06:56

Giá sách giáo khoa tăng trong lúc cuộc sống của số đông người dân chịu ảnh hưởng tiêu cực do đại dịch sẽ tạo thêm gánh nặng cho các gia đình có con em ở tuổi đến trường.

Theo ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định), đổi mới sách giáo khoa là rất đúng đắn, nhưng cách làm của chúng ta chưa đúng. Ảnh: Nhật Hoàng.

Bài toán giảm gánh nặng chi phí cho hộ khó khăn

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề nghị Chính phủ đặc biệt lưu tâm việc tăng giá sách trong thời điểm hiện nay sẽ tạo thêm gánh nặng cho các gia đình có con em đến trường, nhất là các gia đình vùng sâu, vùng xa, các gia đình thuộc hộ nghèo. Từ đó, bà Nga đề nghị “hỗ trợ thư viện sách giáo khoa dùng chung cho học sinh các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Với sự đầu tư ấy học sinh sẽ được mượn sách giáo khoa miễn phí hằng năm và trả lại nhà trường khi năm học kết thúc. Như vậy, vừa tiết kiệm kinh phí, vừa đỡ đi gánh nặng kinh tế cho các gia đình vùng khó khăn có con trong độ tuổi đến trường”.

Từ thực tiễn ngành giáo dục địa phương, ĐB Thái Văn Thành cho biết, ở Nghệ An có 21 huyện, thị. Có huyện miền núi, đặc biệt là 6 huyện miền núi cao rất khó khăn. Vì thế, ngành giáo dục Nghệ An đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng mô hình thư viện sách giáo khoa trên phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Tỉnh dành một phần kinh phí để trang bị sách giáo khoa cho nhà trường. Ngành giáo dục kêu gọi, huy động doanh nghiệp, các nhà xuất bản tặng sách giáo khoa cho các trường. Kêu gọi các em học sinh khóa trước học xong tặng lại sách giáo khoa để xây dựng thư viện sách giáo khoa. Việc làm này có ý nghĩa giúp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các cháu vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi có sách để học. Sách dùng nhiều lần, tránh được lãng phí.

“Chúng tôi cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nhân rộng mô hình này trong các địa phương của cả nước để hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn và học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số có sách giáo khoa để học”, ông Thành nói.

Còn, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) thì lý giải: Vấn đề sách giáo khoa không phải là vấn đề mới, đã được đề cập nhiều tại diễn đàn Quốc hội và cũng tốn không ít giấy mực, thời lượng của các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, nhất là vào thời điểm chuẩn bị cho năm học mới. Đối với các gia đình có nguồn thu nhập thấp thì việc mỗi năm học đến, chi phí cho con em đi học là một gánh nặng và điều đó đã được phản ánh rất nhiều. Vì vậy, tôi nghĩ rằng việc tuyên truyền cũng như có những giải pháp để tăng cường ý thức tiết kiệm, chống lãng phí trong việc mua sắm sách giáo khoa là một trong những giải pháp cần làm. Cụ thể, nguyên nhân đẩy sách giáo khoa của các lớp lên 2 đến 4 lần không phải chỉ vì chi phí tăng trên từng đầu sách mà là do số lượng đầu sách.

Bày tỏ đồng tình với ý kiến của ĐB đến từ Nghệ An, bà Hoa cũng cho rằng, đối với các trường miền núi, Đồng Tháp rất muốn có ngân sách để đầu tư cho sách giáo khoa trong các thư viện, giúp cho những em học sinh con của các gia đình nghèo và dân tộc thiểu số có thể mượn sách, không phải đi mua sách và cũng là cách giáo dục ý thức tiết kiệm cho học sinh từ trên ghế nhà trường.

“Ma trận” sách tham khảo

Đây là ý kiến của nhiều ĐBQH. Từ thực trạng loạn sách tham khảo mà dư luận nêu nhiều năm qua, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị: Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát tinh giản sách giáo khoa theo hướng thống kê danh mục sách giáo khoa bắt buộc đối với từng lớp học, cấp học. Ngoài số sách giáo khoa bắt buộc phải có, số sách còn lại học sinh có thể tham khảo tùy vào điều kiện cụ thể, tùy vào nhu cầu để có thể chọn lựa mua hoặc không mua. Nói vậy bởi bà Nga cho rằng: “Hiện nay, số lượng đầu sách giáo khoa cho học sinh, kể cả học sinh tiểu học là quá nhiều, trong đó có những cuốn chỉ mang tính chất là sách tham khảo nhưng do không có sự hướng dẫn, nên nhiều bậc cha mẹ học sinh hoàn toàn không biết là mình có thể mua cuốn nào và không mua cuốn nào”.

Cũng đồng tình quan điểm của ĐB Việt Nga, ĐB Thái Văn Thành cho rằng, loại sách bổ trợ, sách tham khảo thì tùy vào điều kiện và nhu cầu của học sinh và phụ huynh, sách này không bắt buộc phải mua. Tuy nhiên, tranh luận với ĐB Thái Văn Thành, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cho biết, ngay tên sách tham khảo người ta đã hiểu là không cần phải mua. Nhưng, vấn đề đặt ra là nếu có sách tham khảo bán thì tất cả bố, mẹ, phụ huynh học sinh cũng đều sẽ mua để con mình bằng bạn, bằng bè.

Ông Hiếu nêu quan điểm: Tôi nghĩ, sách tham khảo này là một nguồn lợi rất lớn cho nhà xuất bản, chính vì vậy cần phải hạn chế tối đa loại hình sách này. Rất nhiều các nhà giáo dục kinh nghiệm đã chỉ ra rằng sách tham khảo trên thế giới người ta chỉ dùng cho các thầy cô giáo để phong phú bài giảng của mình, học sinh tiểu học thì không cần phải có sách tham khảo và nên cấm bán sách tham khảo trong nhà trường.

“Theo tôi, đổi mới sách giáo khoa là rất đúng đắn, nhưng cách làm của chúng ta chưa đúng. Tạo sự cạnh tranh lành mạnh sẽ có các sản phẩm tốt, rẻ hơn và đứng vững theo thời gian. Chọn cách làm tường minh và khoa học thì quyển sách giáo khoa sẽ trở lại đúng vị trí trang trọng của mình”, ông Hiếu nói.

Lý giải câu chuyện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa hay vấn đề giấy, mực làm đẩy giá sách giáo khoa lên, có một nguyên nhân nữa được ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa chỉ ra, đó chính là số đầu sách trong từng bộ sách tăng hơn rất nhiều so với sách cũ. Vì vậy, ĐB đề nghị: “Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có quy định những cuốn sách nào là sách giáo khoa bắt buộc phải mua, những sách nào là sách tham khảo và cho phụ huynh quyền được lựa chọn mua những sách bắt buộc và không mua những sách khác”.

Giải pháp tiết kiệm

Nhận được nhiều ý kiến từ ĐBQH về sách giáo khoa và giá sách giáo khoa, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngày 28/11/2014 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88 về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông là thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa và theo nghị quyết này thì công việc biên soạn sách giáo khoa đã được thực hiện theo hướng xã hội hóa, các doanh nghiệp thực hiện kê khai giá với Bộ Tài chính trước khi xuất bản và phát hành.

Với mong muốn học sinh luôn được mua sách giáo khoa với giá thấp nhất, từ góc độ quản lý nhà nước và góc độ chuyên môn, ông Sơn cho biết, Bộ đã tăng cường từ góc độ quản lý của mình về phương diện chuyên môn và kỹ thuật; đã chỉ đạo các nhà xuất bản thực hiện nghiêm các biện pháp để xuất bản sách sao cho sách có thể dùng lại nhiều lần. Và các bộ sách xuất bản mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã thực hiện đầy đủ điều này. Theo Thông tư 33 được sửa đổi một số nội dung bằng Thông tư 05 quy định cấu trúc và nội dung sách giáo khoa phải phù hợp với tiêu chuẩn sách giáo khoa về xuất bản phẩm, quá trình thẩm định sách thì các hội đồng thẩm định đã yêu cầu các nhóm tác giả điều chỉnh những phần quá dài, lạm dụng hình ảnh…

“Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã nhiều lần ban hành các văn bản chỉ đạo NXB Giáo dục Việt Nam cần thực hành tiết kiệm tối đa, cắt giảm các khoản chi phí trung gian để giảm chi phí quản lý, chi phí bán hàng cũng như các chi phí khác để đảm bảo giá sách giáo khoa được thấp nhất. Bộ đã chỉ đạo nhà xuất bản thực hiện đồng bộ về hiệu quả các giải pháp về cung cấp sách giáo khoa cho học sinh, các đối tượng thuộc chính sách xã hội, học sinh các vùng và đã chỉ đạo NXB Giáo dục Việt Nam cung cấp các bản sách ở dạng PDF miễn phí để học sinh có thể tiếp cận được ngay từ khi sách bắt đầu phát hành”, ông Sơn cho biết.

Một trong những giải pháp quan trọng, căn cơ mà Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục kiến nghị đó là đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ và Quốc hội bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá sách giáo khoa & ‘ma trận’ sách tham khảo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO