Giá sách giáo khoa tăng cao

Minh Quang 10/04/2021 07:16

NXB Giáo dục Việt Nam vừa công bố giá sách giáo khoa (SGK) lớp 2, lớp 6 năm học 2021-2022. Mỗi bộ SGK lớp 2 cho năm học mới có giá từ 310.000 đồng đến 317.000 đồng; trong khi đó SGK lớp 6 là 399.000 đồng đến 410.000 đồng. So với bộ sách hiện hành, giá SGK mới tăng ít nhất 3 lần.

SGK mới có giá tăng cao hơn nhiều so với sách hiện hành.

Cao nhất hơn 400 nghìn đồng/bộ

Theo đó, đối với SGK lớp 2, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống có tổng cộng 10 cuốn có giá 186.000 đồng/bộ. Bộ sách Chân trời sáng tạo gồm 10 cuốn có giá 179.000 đồng/bộ. SGK Tiếng Anh có: Tiếng Anh 2 giá 52.000 đồng; Tiếng Anh 2 Family and Friends giá 79.000 đồng. Như vậy, bộ SGK lớp 2 mới có giá từ 310.000 đến 317.000 đồng/bộ (bao gồm 2 cuốn sách tiếng Anh) cao gấp 3 lần so với giá sách giáo khoa lớp 2 hiện hành (100.800 đồng/bộ).

Đối với SGK lớp 6, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống gồm 13 cuốn có giá 245.000 đồng/bộ. Bộ sách Chân trời sáng tạo có 12 cuốn có giá 234.000 đồng/bộ. SGK Tiếng Anh gồm: Tiếng Anh 6 tập 1 giá 38.000 đồng; Tiếng Anh 6 tập 2 giá 38.000 đồng; Tiếng Anh 6 Friends Plus giá 89.000 đồng. Như vậy, bộ SGK lớp 6 mới có giá từ 399.000 đến 410.000 đồng/bộ (đã bao gồm 3 cuốn sách tiếng Anh) cao gấp 3,56 lần so với giá sách giáo khoa lớp 6 hiện hành (115.000 đồng/bộ).

Thời điểm này, nhiều địa phương đã chọn xong SGK cho năm học mới. Hiện nay, TP.HCM đã công khai danh mục SGK được chọn trong năm học tới, đa số đều thuộc bộ sách Chân trời sáng tạo của NXB Giáo dục Việt Nam.

Trước việc SGK tăng giá, PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng việc tăng giá SGK sẽ ảnh hưởng tới hàng triệu phụ huynh và học sinh. Mặc dù một bộ SGK chỉ tăng vài trăm nghìn đồng, nhưng nhân lên cả triệu bộ sách sẽ ra con số rất lớn. Quan trọng hơn việc tăng giá sách có giúp tăng chất lượng sách, chất lượng giảng dạy hay không còn là câu hỏi.

Kỳ họp trước đó, thảo luận ở Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, các đại biểu cho rằng Bộ GDĐT chưa thực hiện đúng vai trò thanh tra, kiểm tra và chấn chỉnh những hiện tượng lệch lạc trong việc lựa chọn SGK; Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 88 năm 2014 và Nghị quyết số 51 năm 2017 của Quốc hội về đổi mới Chương trình GDPT và SGK phổ thông là một vấn đề trọng yếu cần được Quốc hội xem xét.

Theo phân tích của các đại biểu: Sau gần 6 năm thực hiện Nghị quyết 88, gần 3 năm thực hiện Nghị quyết 51 của Quốc hội, Bộ GDĐT đã ban hành được chương trình GDPT mới, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của các Nghị quyết.

Cùng với đó, thành công bước đầu trong việc thực hiện xã hội hoá việc biên soạn SGK là hiện nay đã biên soạn và đưa vào giảng dạy SGK lớp 1 mới triển khai trong năm học 2020-2021.

Dẫu thế, theo phản ánh của cử tri ngành giáo dục, trên thực tế ở nhiều địa phương quyền lựa chọn SGK của cơ sở GDPT không được tôn trọng. Dư luận cũng băn khoăn, phản ánh một số hiện tượng chạy chọt cửa sau.

Từ thực tiễn tại địa phương, các đại biểu cũng đề nghị Bộ GDĐT cần phải tăng cường các biện pháp để bảo đảm chất lượng, thông qua Hội đồng thẩm định về nguồn lực, về nhân lực để thẩm định SGK có chất lượng một cách công khai, minh bạch.

Một số đại biểu cho rằng, Bộ GDĐT nên xây dựng và tính đến cơ chế về giá, vì hiện nay theo chương trình SGK mới thì giá SGK sẽ do NXB định giá và báo cáo về Bộ Tài chính. Bộ GDĐT cũng như Chính phủ cần có biện pháp để quản lý tốt hơn, làm sao cho tất cả các em học sinh đều có thể có cơ hội được tiếp cận với bộ SGK tốt nhất.

Chờ đến bao giờ?

Cũng tại kỳ họp trước, Bộ Tài chính đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung SGK vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa. Theo đó, Bộ Tài chính nêu rõ SGK là một trong những mặt hàng thiết yếu của học sinh các cấp. Giá SGK có tác động lớn đến đời sống xã hội, đặc biệt với học sinh vùng sâu vùng xa, vùng kinh tế khó khăn. Bộ Tài chính cũng cho rằng, nếu nhà nước không điều tiết được giá SGK có thể làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đặc biệt đối với các đối tượng yếu thế, vùng sâu vùng xa, vùng kinh tế khó khăn.

Khi ấy, ông Trần Tú Khánh - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GDĐT) khẳng định: Quan điểm của Bộ GDĐT từ trước đến giờ đều nhất quán cho rằng cần phải đưa SGK vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá. Vì SGK là mặt hàng đặc biệt liên quan tới giáo dục, tới tương lai của hàng triệu trẻ em. Nếu thả nổi, mặc cho giá sách nâng cao lên 3-4 lần so với hiện nay là điều không thể được. Nếu không đưa vào danh mục nhà nước định giá, ai sẽ bảo đảm các đơn vị xuất bản không liên kết để nâng giá cao hơn nhiều lần sách hiện hành. Gánh nặng chi phí dồn lên vai người dân…

Đại diện Bộ GDĐT cũng nêu quan điểm cho rằng giá trần SGK phải dựa trên các định mức cụ thể trong quy trình biên soạn, xuất bản SGK, tham chiếu mức giá SGK thực tế, khả năng chi trả của người dân...

Tuy nhiên, Thường vụ Quốc hội không đồng ý bổ sung SGK vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa. Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nêu rõ, theo quy định hiện hành, SGK không thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá hoặc nhà nước định giá mà thuộc danh mục kê khai giá, theo đó thẩm quyền quyết định giá SGK thuộc các đơn vị được cấp phép xuất bản sách nên thời gian qua giá SGK ở mức khá cao, ảnh hưởng lớn đến chi phí mua SGK của phụ huynh và học sinh. Do vậy, cần phải có giải pháp khắc phục tình trạng này khi giá SGK chưa thực sự được điều chỉnh theo cơ chế thị trường.

Câu chuyện cũ với SGK lớp 1, giờ tiếp tục lặp lại với SGK lớp 2 và lớp 6. Giá SGK năm học mới 2021- 2022 tăng lên- tuy không đến mức chóng mặt, nhưng nếu năm nào cũng tăng, tăng dần đều, thử hỏi phụ huynh không bất bình sao được?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá sách giáo khoa tăng cao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO