Gia tăng bệnh cong vẹo cột sống ở trẻ em

Đức Trân 06/06/2018 08:00

TS Đinh Ngọc Sơn- Trưởng khoa Phẫu thuật cột sống - Viện Chấn thương chỉnh hình (BV Việt Đức) cho biết, cong vẹo cột sống ở trẻ em chiếm 0,5 - 1% dân số. Điều đáng nói là, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến các chức năng khác của cơ thể, nhất là trong giai đoạn trẻ đang phát triển từ 5-8 tuổi như hệ thống tuần hoàn, bị lép một bên phổi, ảnh hưởng đến tim và sau này có thể khó khăn để sinh nở nếu là phụ nữ.

Áp dụng kỹ thuật “thanh nẹp thần kỳ”

Từ ngày 4 đến 8-6 tại BV Việt Đức, GS Stuart Weinstein- chuyên gia hàng đầu thế giới về phẫu thuật cột sống, nguyên Chủ tịch hội Phẫu thuật Hàn lâm chấn thương chỉnh hình Hoa Kỳ đã trực tiếp khám, hội chẩn cùng các chuyên gia BV Việt Đức về hướng can thiệp cong vẹo cột sống cho những trường hợp trẻ bị cong vẹo nặng.

Đây là chương trình hợp tác đào tạo giữa Hội phẫu thuật Hàn lâm Chấn thương Chỉnh hình Hoa Kỳ với Hội Chấn thương Chỉnh hình Việt Nam. GS Stuart Weinstein đã tham gia đào tạo rất nhiều bác sĩ trẻ Việt Nam, đặc biệt là các bác sĩ khoa Phẫu thuật cột sống của Việt Đức.

GS Stuart Weinstein cho biết, tỉ lệ vẹo cột sống ở Việt Nam cũng như các nước, nhưng số bệnh nhân nặng lại cao hơn, do phát hiện muộn và điều trị muộn hơn. Rất nhiều bệnh nhân 9-10 tuổi mới được phát hiện nhưng ở các nước bệnh nhân chỉ từ 3-4 tuổi đã được phát hiện bệnh. Còn nhiều bệnh nhân đến điều trị trong giai đoạn muộn, do đó cần bổ sung kiến thức cho các bác sĩ tuyến dưới để phát hiện bệnh sớm và điều này rất quan trọng bên cạnh phát triển chuyên khoa sâu.

TS Đinh Ngọc Sơn cho biết, GS Stuart Weinstein sẽ chuyển giao cho các bác sĩ BV Việt Đức một số phương pháp chẩn đoán và kỹ thuật điều trị mới, tập trung ở những bệnh nhi dưới 10 tuổi để ngăn chặn tình trạng vẹo cột sống ở giai đoạn sớm nhất. Một trong những kỹ thuật mới là “thanh nẹp thần kỳ”, áp dụng cho các bệnh nhân còn rất bé, từ 3 tuổi trở lên. Bác sĩ dùng giá đỡ cho cột sống của bệnh nhân và nới dần dần theo từng năm trẻ lớn lên, ngăn chặn tình trạng vẹo cột sống nặng lên.

Các chuyên gia cho biết “thanh nẹp thần kỳ” có thể giãn nẹp bằng dụng cụ điều khiển từ bên ngoài. Từ 3-6 tháng, bệnh nhân chỉ cần đến phòng khám, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ điều khiển để giãn nẹp ra. Khi bệnh nhân được 9-10 tuổi thì có thể mổ lấy nẹp ra và thay bằng một nẹp cố định.

“Trước đây, kỹ thuật cũ nên mỗi lần giãn nẹp, bệnh nhân phải mổ, còn nay, bệnh nhân chỉ đến phòng khám để giãn nẹp, vừa giảm đau đớn, lại giảm giá thành, không phải nằm viện và hiệu quả điều trị được nâng cao”- GS Stuart Weinstein cho hay.

TS Sơn cũng cho biết thêm, bởi ở trẻ em đang độ tuổi phát triển, việc chữa cong vẹo cột sống không thể áp dụng như người trưởng thành. Với phương pháp nẹp tăng trưởng, bác sĩ sẽ can thiệp giãn nẹp 6 - 9 tháng một lần theo nhịp độ phát triển chiều cao của trẻ đến khi trưởng thành, hết vẹo cột sống. Phương pháp này áp dụng rất hiệu quả với trẻ nhỏ đang tuổi phát triển.

Vì nếu xử lý như ở người trưởng thành, “đóng cứng” lại sẽ gây ảnh hưởng phát triển chiều cao của trẻ, gây hậu quả nghiêm trọng. Chỉ ở những trường hợp trẻ lớn, cốt hóa gần như hoàn toàn thì mới can thiệp đóng cứng. Còn với nẹp tăng trưởng sẽ giải quyết được tình trạng này, nẹp được giãn định kỳ phù hợp với sinh lý phát triển chiều cao của trẻ.

Sớm chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện trong nước

TS Sơn cho biết thêm, sau hơn 2 năm triển khai kỹ thuật này tại Khoa Phẫu thuật cột sống, nay kỹ thuật này các bác sĩ hoàn toàn làm chủ nên sẽ thực hiện thường quy và thực hiện chuyển giao phương pháp này cho các bác sĩ chuyên ngành cột sống trong cả nước.

TS Sơn cho rằng việc phát hiện sớm cong vẹo cột sống là rất quan trọng để trẻ được theo dõi, kịp thời phát hiện thời điểm can thiệp. Vì thế, trẻ bị cong vẹo cột sống cần khám định kỳ để được chỉ định phù hợp. Có phương pháp đơn giản để bố mẹ có thể phát hiện bất thường cột sống của trẻ ngay tại nhà.

Cha mẹ có thể nhận biết trẻ có bất thường cột sống không bằng cách: cho trẻ đứng thẳng, 2 chân song song sát nhau, rồi để trẻ cúi xuống từ từ, đầu gối thẳng. Với tư thế này, người lớn có thể quan sát sự cân đối của 2 ai, nếu một vai nhô lên cao cho thấy có sự bất thường cột sống, nên đưa trẻ đi kiểm tra để được theo dõi, xử lý.

Đây là phương pháp nhận diện bất thường cột sống phổ biến, dễ thực hiện nhất do GS Stuart Weinstein ướng dẫn.

GS Stuart Weinstein cũng cho hay, qua theo dõi hàng năm cho thấy chất lượng điều trị của các bệnh nhân cột sống tại BV Việt Đức ngày càng được cải thiện. Các bác sĩ đã làm rất tốt so với yêu cầu của các nước, do luôn cập nhật những kiến thức mới về phẫu thuật cũng như điều trị cột sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gia tăng bệnh cong vẹo cột sống ở trẻ em

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO