Gia tăng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết

Đức Trân 27/06/2019 08:00

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận gần 58.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 3 ca tử vong, số ca mắc cao gấp hơn 3 lần so với năm 2018.

Gia tăng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết

Số ca mắc sốt xuát huyết tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Sốt xuất huyết gia tăng tại các địa phương

Tại Hà Nội, thống kê từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, số trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) trong tuần qua được ghi nhận ở 62 xã, phường của 21 quận, huyện với 110 trường hợp mắc mới, nâng số ca mắc của toàn thành phố từ đầu năm đến nay là 658 ca và không có tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, 208 xã, phường. Một số đơn vị có số ca mắc cao, như: Quận Hà Đông ghi nhận 108 ca SXH , tiếp đến quận Bắc Từ Liêm là 82 ca, quận Cầu Giấy 66 ca, quận Đống Đa 59 ca, quận Nam Từ Liêm 55 ca…

Tại khu vực Tây Nguyên, số ca mắc SXH cao hơn rất nhiều so với mấy năm gần đây với 5.048 trường hợp mắc, trong đó Gia Lai là 1.864 trường hợp, Đắk Lắk 1.865, Đắk Nông 1.119, Kon Tum 200; chưa có trường hợp tử vong. Tuy nhiên, tại đây dịch bệnh SXH đang diễn biến rất phức tạp khi chỉ trong 10 ngày giữa tháng 6 đã có hơn 1.740 người mắc, trong đó Đắk Lắk 809 trường hợp, Gia Lai xuất hiện 581 người mắc, Đắk Nông 296 người mắc bệnh và Kon Tum là 55 người.

Theo nhận định của các chuyên gia y tế, các tỉnh Tây Nguyên có khí hậu, môi trường và điều kiện kinh tế-xã hội khá đặc thù, nên công tác phòng, chống SXH gặp khá nhiều khó khăn. Cụ thể đồng bào vẫn giữ tập quán trữ nước, dùng nhiều vật dụng để trữ nước không đúng cách là điều kiện thuận lợi cho muỗi Aedes Aegypti, lăng quăng/bọ gậy phát triển. Đặc biệt, khu vực Tây Nguyên, diện tích cây cao su nhiều, người dân khi khai thác, các chén đựng mủ thường không được xử lý triệt để, sẽ là nơi cư trú, sinh sôi “lý tưởng” của bọ gậy, loăng quăng. Cùng với đó, ý thức về chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, vệ sinh môi trường sống của người dân còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng không ít đến công tác phòng, chống dịch bệnh.

Cũng có số ca mắc SXH tăng cao so với cùng kỳ năm trước là tỉnh Bình Định với gần 3.700 ca mắc SXH chỉ trong 6 tháng đầu năm – bằng với số ca mắc trong cả năm 2018, trong đó nhiều nhất là thị xã An Nhơn và huyện Hoài Nhơn.

Còn nhận thức sai về bệnh

BS Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu (BV bệnh nhiệt đới trung ương) cho biết, hiện nay nhiều người dân vẫn hiểu lầm về phòng chống, điều trị SXH. Rất nhiều người nghĩ rằng với SXH thì bị một lần rồi sẽ không mắc lại nữa. Thực tế, virus gây bệnh SXH có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Nếu một người đã nhiễm với chủng virus này thì vẫn có thể bị mắc lại chủng virus khác và thậm chí lần mắc sau còn nặng hơn lần trước.

Bên cạnh đó, người bệnh SXH thường sốt cao trong 3 ngày đầu tiên, tới ngày thứ 4 thì giảm sốt, điều này khiến nhiều người nghĩ giảm sốt là khỏi bệnh. Tuy vậy, BS Nguyễn Trung Cấp cảnh báo, đây là suy nghĩ sai lầm, bởi thời điểm giảm sốt đối với bệnh nhân mắc SXH lại là thời điểm nguy hiểm nhất, tại thời điểm này người bệnh dễ gặp những biến chứng nặng.
Một điểm rất nguy hiểm cũng được các bác sĩ chỉ ra, đó là tâm lý “tự khám bệnh, tự điều trị” của một bộ phận người dân.

Nhiều người bệnh khi bị SXH tự ý ra hiệu thuốc mua thuốc giảm đau về uống, phổ biến nhất là uống 2 loại thuốc Aspirin và ibuprofen. Thực tế, 2 loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng chảy máu ở người bệnh SXH trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng. Lý do vi bệnh SXH Dengue gây ra tình trạng rối loạn đông máu, khiến cho cơ thể dễ bị chảy máu, trong khi đó thuốc Aspirin và ibuprofen cùng có tác dụng ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu. Hơn nữa, Aspirin còn có tác dụng phụ là loét dạ dày tá tràng và có thể gây xuất huyết dạ dày, ói ra máu.

Một sai lầm thường gặp nữa là nhiều người cho rằng chỉ cần phun thuốc muỗi một lần là yên tâm không lo mắc bệnh. Thực tế, sau khi phun thuốc diệt muỗi chỉ có tác dụng diệt đàn muỗi gây bệnh ở thời điểm đó. Khoảng một vài ngày sau, những đàn muỗi ở khu vực xung quanh nếu chưa bị tiêu diệt vẫn có thể bay vào nhà, tấn công và truyền bệnh cho người....

Chủ động phòng, chống

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh- Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định, hiện nay đã bắt đầu bước vào mùa cao điểm của dịch SXH tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, vì thời tiết nắng nóng và mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Trong tuần tiếp theo, nhiệt độ vẫn duy trì ở mức 28 đến 39 độ C, đây là điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh SXH Dengue.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, bọ gậy là nguyên nhân trực tiếp làm sản sinh muỗi vằn và gây SXH, do đó công tác diệt bọ gậy cần được chú trọng hơn bao giờ hết. Theo đó, chính quyền phải vào cuộc, có chính sách cho cộng tác viên để hướng dẫn, tuyên truyền phòng/chống bệnh đến tận nơi ở của người dân. Khi đã lập ra các ban ngành kiểm tra thì phải phát huy vai trò giám sát người dân xem họ có làm hay không. Có như vậy, thì mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ mắc sốt xuất huyết, giảm tỷ lệ tử vong do SXH gây ra của Bộ Y tế đề ra mới hiệu quả.

* Riêng tại Hà Nội, trong tuần qua cũng ghi nhận 32 trường hợp mắc sởi; giảm 2 trường hợp so với tuần từ 10-16/6. Bệnh nhân phân bố rải rác tại 18 quận, huyện, 29 xã, phường. Như vậy, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có 1.513 trường hợp mắc sởi, không có tử vong, bệnh nhân phân bố tại 30 quận, huyện, 415 xã, phường. Trong đó 16 trường hợp đang điều trị, 1.497 trường hợp đã khỏi bệnh. Bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng ghi nhận thêm 8 trường hợp, giảm 10 trường hợp so với tuần từ 10-16/6. Bệnh nhân phân bố tại 7 xã, phường của 6 quận, huyện. Tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 316 trường hợp mắc, không có tử vong; bệnh nhân phân bố tại 30 quận, huyện, 181 xã, phường. Bệnh ho gà ghi nhận 4 trường hợp mắc trong tuần tại Đông Anh, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Mê Linh, cộng dồn từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có 81 trường hợp mắc tại 26 quận, huyện, 68 xã, phường và không có tử vong.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gia tăng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO