Gia tăng tranh chấp từ M&A

Thanh Giang 21/12/2018 08:30

Nhờ kinh tế phát triển ổn định nên hoạt động mua bán – sáp nhập (M&A) Việt Nam không ngừng thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, bênh cạnh những cơ hội tốt, không tránh khỏi những rủi ro đi kèm từ M&A. Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo “Giao dịch M&A – Nhận diện rủi ro pháp lý phòng ngừa và giải quyết tranh chấp”, do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam tổ chức ngày 20/12.

Ông Trần Du Lịch – Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho hay: “Trong vài năm trở lại đây thị trường M&A Việt Nam ghi nhận có 4.300 giao dịch với tổng giá trị đạt 49 tỷ USD. Chưa thật sự đình đám nhưng con số nêu trên hoàn toàn không nhỏ”. Đồng quan điểm trên, nhiều ý kiến nhận định, Việt Nam là thị trường mới nổi trong hoạt động M&A nhưng đã tạo được sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Dự báo năm 2018 giá trị M&A đạt mốc 6,5 – 6,9 tỷ USD, tăng so với năm 2017. Theo nhận định, những năm tiếp theo các thương vụ M&A tập trung nhiều vào bất động sản, bán lẻ, hạ tầng, giáo dục, dược phẩm…

“Cơ hội ở thị trường M&A Việt Nam là rất lớn. Ngoài hoạt động giao dịch giữa các doanh nghiệp (DN) tư nhân với nhau, việc tái cơ cấu DN nhà nước chắc chắn hứa hẹn nhiều thương vụ lớn, đặc biệt là quá trình cổ phần hóa DN” - ông Phạm Duy Nghĩa, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam nhấn mạnh.

Đánh giá cao hoạt động M&A trên thị trường, tuy nhiên giới đầu tư và các chuyên gia kinh tế cũng quan ngại những tranh chấp xảy ra trong giao dịch. Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho hay, tranh chấp thương mại M&A ngày càng gia tăng. Ở thị trường trong nước, nếu như năm 2013 có khoảng 100 vụ tranh chấp thì đến năm 2018 có gần 160 vụ tranh chấp giữa bên bán và bên mua. Ngoài số vụ ở thị trường trong nước, DN Việt Nam còn dính 12 vụ với trọng tài nước ngoài. Theo ông Trần Du Lịch, hầu hết các vụ tranh chấp M&A đều liên quan đến pháp lý.

“Thị trường M&A tuy mới nhưng phát triển sôi nổi, trong đó khung pháp lý hoạt động khá mới mẻ nên hoạt động của thị trường này chưa chặt chẽ. Chưa kể M&A lại bị tác động từ nhiều yếu tố bên ngoài và hai bên, kể cả những chính sách liên quan” - ông Lịch nói.

Nhằm hạn chế tranh chấp từ M&A, ông Nghĩa khuyến cáo, DN nên thận trọng trong các điều khoản của hợp đồng, tránh những rủi ro về tài chính. Trường hợp vi phạm hợp đồng có thể khởi kiện. Theo chuyên gia kinh tế, nếu không may xảy ra tranh chấp từ M&A, thay vì chờ toà án xét xử, DN nên tìm đến trọng tài thương mại. Bởi giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tiên tiến, hiệu quả được sử dụng rộng rãi hiện nay.

“Cơ hội kinh doanh đến rất nhanh, nếu DN chậm chạp có thể đánh mất thương vụ. Theo tôi, khi có tranh chấp thương mại DN nên tìm đến trọng tài thương mại để được giái quyết nhanh nhất có thể” - ông Trần Du Lịch hướng dẫn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gia tăng tranh chấp từ M&A

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO