Giá thịt lợn 'leo thang' từng ngày

Minh Phương 01/12/2019 07:00

Dù nhà quản lý đã trấn an dư luận rằng sẽ đưa ra nhiều giải pháp nhằm bình ổn giá thịt lợn, thế nhưng, giá thịt lợn vẫn đang “leo thang” từng ngày. Nhiều người tiêu dùng cho biết, đi ra chợ giờ như bị “móc túi” vì không chỉ thịt lợn tăng giá, mà nhiều sản phẩm khác cũng “té nước theo mưa”.

Giá thịt lợn 'leo thang' từng ngày

Giá thịt lợn hiện đã leo lên mức 160.000 - 180.000 đồng/ kg, thậm chí có lúc leo lên 200.000 đồng/kg.

Các bà nội trợ choáng với giá thịt lợn

Bão dịch tả lợn châu Phi hoành hành khiến cho thịt lợn bỗng trở thành “đặc sản” với người dân hiện nay, khi mà mỗi ngày, giá lại leo cao lên một nấc. Khảo sát tại nhiều chợ trên địa bàn Hà Nội như chợ Cầu Giấy, chợ Nghĩa Tân, chợ Thành Công, chợ Hôm cùng nhiều chợ cóc, chợ dân sinh khác, giá thịt lợn hiện đã leo lên mức 160.000 - 180.000 đồng/ kg, thậm chí có lúc leo lên 200.000 đồng/ kg, cao ngang ngửa với giá thịt bò. Đây là mức giá cao kỷ lục, chưa từng có đối với sản phẩm thịt lợn - món ăn thường nhật của người dân Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, tiểu thương ở chợ Cầu Giấy cho biết: “Giá thịt lợn lên cao quá khiến người kinh doanh khó bán được hàng. Trước, mỗi ngày nhập về vài tạ thịt lợn cùng rất nhiều sườn non đều bán trong chỉ một buổi sáng, nhưng giờ rất ế khách, người dân đi chợ họ chỉ mua một vài lạng chứ không mua nhiều như trước. Đặc biệt sườn trước đây bán chạy, nay chẳng mấy khách hỏi mua vì giá lên cao quá”.

Quả thực, giá thịt lợn tăng cao khiến cho không ít bà nội trợ choáng váng. Bà Lâm Mai Thu (phố Lê Trọng Tấn, Hà Nội) than thở: “Có cháu nội thích món thịt ba chỉ quay giòn, ngày trước chiều nào cũng mua 120.000 đồng được 6-7 lạng, cả nhà ăn thoải mái, giờ cũng với số tiền ấy chỉ mua được nổi 3 lạng, thành ra cả nhà không ăn thịt lợn chỉ dành mua cho riêng cháu nội ăn”.

Nhiều người tiêu dùng cũng cho biết, hiện đã giảm hẳn thịt lợn trong các bữa ăn mà thay bằng nhiều các loại thịt gia cầm, gia súc khác. Tuy nhiên, giá thịt lợn tăng cũng đang gây ra tình trạng té nước theo mưa, khiến nhiều loại thực phẩm khác cũng tăng. Cụ thể, theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), trong tháng 11, tâm lý “té nước theo mưa” khiến giá các sản phẩm chế biến từ thịt lợn và giá các mặt hàng thay thế cũng tăng như giá thịt quay, giò chả, thịt hộp, thịt bò, thịt gà, tôm… Chỉ tính trong tháng 11, giá thịt quay, giò chả tăng 5,99%, giá thịt hộp, thịt chế biến khác tăng 0,59%. Đáng chú ý, dù nguồn cung vẫn dồi dào song tâm lý tát nước theo mưa khiến giá thịt bò tăng 1,29%; giá thịt gà tăng 1,57%; giá cá, tôm tươi ướp lạnh tăng từ 0,89%-1,36%; giá thủy sản chế biến tăng 0,49%…

Tìm giải pháp hạ nhiệt

Theo dự báo của Vụ Thị trường trong nước, tháng 12, giá thịt lợn vẫn sẽ tiếp tục tăng và sẽ tăng từ 10-15%. Song, quan trọng hơn, giá nhiều mặt hàng thực phẩm khác cũng dự báo sẽ tăng theo giá thịt lợn vì tâm lý “tát nước theo mưa”, cùng với nhu cầu cuối năm tăng cao.

Được biết, tại cuộc họp mới đây, hai Bộ Công Thương và Tài chính đã cùng đưa ra những giải pháp nhằm “hạ nhiệt” giá thịt lợn trong thời gian tới. Theo ông Đặng Công Khôi – Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), hiện Bộ Tài chính vẫn theo dõi diễn biến chung giá các mặt hàng và nhận thấy chưa có dấu hiệu tăng đột biến. Tuy nhiên, tâm lý tát nước theo mưa là có, nên sắp tới, Bộ Tài chính sẽ làm việc với các Sở Tài chính địa phương để tăng cường theo dõi kê khai giá các mặt hàng, tránh tình trạng tăng giá quá cao các mặt hàng. Đồng thời có chỉ thị để thông báo các giải pháp bình ổn giá.

Về phía Bộ Công Thương, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - nhấn mạnh: Ngoài việc ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT ngày 21/10/2019 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2019 và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã có nhiều cuộc họp với các địa phương về chuẩn bị nguồn hàng cuối năm. Cụ thể, Bộ này đã yêu cầu các địa phương quan trọng nhất là phải có dự trữ nguồn hàng để đảm bảo ổn định cung cầu; đồng thời có kế hoạch, kịch bản ổn định giá cả hàng hóa bằng cách dành một phần ngân sách hoặc kết nối với các ngân hàng để cho doanh nghiệp vay vốn lãi suất ưu đãi để dự trữ hàng Tết. Với những mặt hàng do Nhà nước quản lý giá, từ giờ đến cuối năm sẽ cố gắng giữ ổn định trong bối cảnh giá thịt lợn và nông sản thiết yếu có thể tăng, từ đó ổn định CPI.

Riêng với mặt hàng thịt lợn, Tổ Điều hành thị trường trong nước đề nghị các địa phương, bộ, ban, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tránh tình trạng găm hàng, tăng giá dịp cuối năm; giám sát chặt chẽ và hạn chế tối đa việc buôn bán thịt lợn sang nước láng giềng nhằm vừa giữ được nguồn cung cho thị trường trong nước, vừa tránh lây lan dịch bệnh.

Phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đưa ra dự báo lượng thịt lợn thiếu hụt trong quý IV ước lượng khoảng 200 ngàn tấn. Và để bù đắp khoản thịt lợn thiếu hụt, nhà quản lý đã lên kế hoạch nhập khẩu thịt lợn đáp ứng nguồn cung dịp cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới.

Theo giới chuyên gia kinh tế, để có thể ổn định được thị trường thịt lợn, giảm áp lực về giá, nhà quản lý cần tổ chức tốt nguồn cung và khâu phân phối để kiểm soát tốt giá cả. Ông Vũ Vinh Phú - chuyên gia thị trường – nhấn mạnh: “Cần theo dõi sát để điều hòa nguồn thịt lợn cũng như các sản phẩm khác trên cơ sở quan hệ cung cầu nhằm hạn chế những đột biến về giá. Đặc biệt cần có giải pháp để giảm bớt khâu trung gian, như vậy sẽ tránh được tình trạng giá thịt lợn bị đẩy lên vô lý vì phải qua quá nhiều khâu”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá thịt lợn 'leo thang' từng ngày

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO