Giá thịt lợn tăng, người chăn nuôi vẫn e dè

Lê Bảo 26/07/2022 09:15

Chi phí thức ăn chăn nuôi tăng quá cao, do đó dù giá lợn hơi cũng như giá thịt lợn tăng nhưng người chăn nuôi vẫn chưa thực sự mừng, từ đó cũng chưa dám mở rộng tái đàn.

Chi phí đầu vào tăng nên người chăn nuôi lợn chưa thực sự mừng khi giá thịt lợn tăng.

Giá sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới

Tại thị trường miền Bắc giá thịt lợn hơi tiếp tục tăng. Cụ thể, tại tỉnh Thái Bình, giá lợn hơi ở mức 73.000 đồng/kg. Tại tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định giá lợn hơi ở mức 70.000 - 72.000 đồng/kg. Còn tại Hà Nội, Tuyên Quang thu mua với mức 69.000 đồng/kg. Nhìn chung, giá thịt lợn ngày 25/7 tại miền Bắc đang dao động trong khoảng từ 69.000 - 73.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Bình Thuận giá thịt lợn hơi cũng đang ở mức 70.000 - 73.000 đồng/kg. Còn tại tỉnh Đắk Lắk, Hà Tĩnh, Huế, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận giá thịt lợn hơi thấp hơn chút ít với mức 66.000 - 69.000 đồng/kg.

Còn tại thị trường miền Nam các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Bến Tre, Tây Ninh, An Giang, Vũng Tàu giá lợn hơi đạt mức 70.000 - 72.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Xuân Dương - Phó chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, những ngày qua giá lợn hơi trên thị trường đã tăng khá mạnh, nhưng sẽ không dừng lại mà vẫn tiếp tục tăng thêm, rất có thể sẽ tăng đến mức 80.000 đồng/kg. Theo ông Dương giá thịt lợn tăng hơn do giá lợn hơi các nước xung quanh đều cao hơn Việt Nam.

“Giá lợn hơi ở Thái Lan đang dao động từ 90.000 đến 100.000 đồng/kg. Một số nước EU lại tăng nhập khẩu thịt đông lạnh để dự trữ,... cũng là những lý do đã và sẽ tiếp tục tác động đến giá lợn hơi” - ông Dương nói.

Ngoài yếu tố tác động từ thị trường bên ngoài, ông Dương cũng cho rằng nhu cầu thị trường trong nước tăng nên cũng góp phần đẩy giá thịt lợn hơi tăng. Cùng đó, mặt bằng đầu vào đang rất cao, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi đã 6 lần tăng giá. Đối với các doanh nghiệp lớn vẫn đảm bảo vấn đề thu chi, nhưng với những hộ chăn nuôi nhỏ đã lỗ rất nhiều. Do vậy, giá lợn hơi tăng là để đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp và người chăn nuôi thì có lời.

Người chăn nuôi vẫn e dè

Thực tế chia sẻ về lợi nhuận ông Nguyễn Tuấn Đức - chủ trang trại với quy mô 200 con lợn tại huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương cho biết, giá lợn hơi tăng là tín hiệu vui cho người chăn nuôi sau một thời gian dài thua lỗ. Song mức tăng hiện nay chỉ vừa có lời nếu chăn nuôi lợn nái, trong khi đó nếu nhập lợn giống về nuôi thì chỉ tạm hòa vốn.

“Chi phí thức ăn chăn nuôi tăng quá cao so với cùng kỳ năm ngoái, do đó đối với các trang trại chăn nuôi hiện tại chưa có lãi. Hơn nữa chi phí chăn nuôi tăng quá cao nên thời gian qua khiến nhiều chủ trang trại e ngại việc tái đàn, giảm số lượng con trong mỗi lứa để giảm bớt gánh nặng. Dù hiện nay giá lợn hơi đã tăng nhưng để tái đàn với số lượng lớn thì chúng tôi vẫn rất cân nhắc, chưa dám mạnh dạn đầu tư”- ông Đức chia sẻ.

Đại diện Hội Chăn nuôi Việt Nam cũng cho rằng, giá lợn hơi tăng cao như hiện nay người chăn nuôi đã có lãi, nhưng người chăn nuôi lo ngại giá tăng lên rồi sẽ giảm. Bên cạnh đó, dịch tả lợn châu Phi vẫn còn diễn biến phức tạp nên không tăng đàn ồ ạt như trước đây, chỉ tái đàn một cách thận trọng. Ngoài ra, tình hình tái đàn còn phụ thuộc vào con giống và nguyên liệu đầu vào.

Theo nhận định của giới chuyên gia, trong thời gian tới giá thịt lợn hơi vẫn tiếp tục tăng nhưng không xuất hiện tình hình sốt giá, đặc biệt là giai đoạn những tháng cuối năm sẽ không xảy ra tình trạng khan hiếm thịt lợn.

Trước diễn biến giá thịt lợn có xu hướng tăng cao thời gian gần đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu thực hiện ngay các biện pháp bình ổn giá. Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài chính và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương theo dõi sát diễn biến, tình hình giá cả, cung cầu thịt lợn trên thị trường để thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nguồn cung thịt lợn, thức ăn chăn nuôi và bình ổn giá theo quy định, bảo đảm quyền lợi của người chăn nuôi, không để thiếu hụt thịt lợn, giá thịt lợn tăng ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và gây áp lực lên lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô…

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết sẽ chủ động cập nhật thông tin, diễn biến thị trường, nắm sát nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước để chỉ đạo sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường; theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung các mặt hàng nông sản; trong đó có mặt hàng thịt lợn tại các địa phương trong nước trong điều kiện mới. Bộ cũng sẽ phối hợp, hướng dẫn các địa phương trên cả nước bảo đảm nguồn cung về giống, vật tư và sản phẩm… Đồng thời, chỉ đạo chuẩn bị các phương án sản xuất, bảo đảm nguồn cung con giống, vật tư, thúc đẩy sản xuất, tháo gỡ khó khăn trong lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản; cấp đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng và xuất khẩu.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) sau một thời gian dài dưới giá thành, gần đây giá một số sản phẩm chăn nuôi bắt đầu có lãi. Điều này chứng tỏ nhu cầu tiêu thụ đang tăng trở lại, nhất là nhu cầu từ các bếp ăn tập thể, nhà hàng, quán ăn, khách sạn… hồi phục. Song với nguồn cung, cộng với tình hình phát triển đàn heo hiện tại thì Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giá thịt lợn tăng, người chăn nuôi vẫn e dè

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO