Giấc mơ vaccine mang tên Việt Nam

Minh Thủy 13/03/2021 09:00

Từ những lô vaccine nhập ngoại, chúng ta càng khao khát nhanh chóng có được vaccine do chính chúng ta sản xuất, vaccine Covid-19 mang thương hiệu Việt Nam.

8/3, ngày đầu tiên Việt Nam tiêm vaccine ngừa Covid-19, vaccine nhập ngoại của AstraZeneca, do Đại học Oxford và tập đoàn dược phẩm Vương quốc Anh sản xuất. Từ những lô vaccine nhập ngoại, chúng ta càng khao khát nhanh chóng có được vaccine do chính chúng ta sản xuất, vaccine Covid-19 mang thương hiệu Việt Nam. Giấc mơ đó có thể nói là không quá xa vời khi Việt Nam đã đạt được những thành tựu xuất sắc trong lĩnh vực vaccine, cũng như hiện chúng ta đang có 4 loại vaccine ngừa Covid-19 trong giai đoạn nghiên cứu, thử nghiệm.

Nano Covax, vaccine ngừa Covid-19 do Việt Nam nghiên cứu sản xuất

Vũ khí trong cuộc chiến chống đại dịch

Cùng với những biện pháp đề phòng và ý thức của mỗi người tự bảo vệ mình cũng như bảo vệ cộng đồng trước các loại virus gây dịch bệnh, thì vaccine được coi là vũ khí cực kỳ quan trọng, với khả năng thay đổi cục diện của đại dịch.

Cũng chính vì thế, trên thế giới, khoa học vi trùng học được đánh giá cao và cũng là nơi tập trung nhiều nhà khoa học y học tài năng; cũng như thu hút sự đầu tư lớn của các nhà dầu tư cũng như các chính phủ. Thực tế cho thấy, trong quá trình chiến đấu với dịch bệnh do virus gây ra, loài người đã vượt qua chết chóc bằng vaccine. Tuy nhiên, đó cũng là những chuỗi ngày đau đớn kéo dài khi mà một loại vaccine được công nhận, trở thành thương phẩm và được tiêm chủng rộng rãi thường phải mất từ 7 năm đến 10 năm.

Nhưng, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 lần này, việc nghiên cứu, điều chế, sản xuất vaccine Covid-19 đã diễn ra nhanh chưa từng thấy. Chỉ trong vòng chưa tới 1 năm, đã có ít nhất 11 loại vaccine ngừa Covid-19 được đưa vào sử dụng, với sự kiểm soát khắt khe của các tổ chức y tế uy tín.
Cuối tháng 2/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bày tỏ lo ngại về một loại vaccine ngừa virus Sars-Cov-2 có thể sản xuất thành công trong vòng 18 tháng. Nhưng chỉ 8 tháng sau đó, đã có hơn 320 ứng viên tham gia vào cuộc đua nghiên cứu và thử nghiệm vaccine Covid-19 trên toàn cầu. Tới tháng 11/2020, đã có 56 ứng cử viên vaccine nghiên cứu lâm sàng, trong đó, ứng viên của AstraZeneca là một trong những loại vaccine phòng bệnh Covid-19 vươn lên top dẫn đầu cuộc đua, với cam kết cung cấp 3 tỷ liều cho toàn thế giới.

Đây cũng là loại vaccine Việt Nam nhập về, bắt đầu tiêm chủng từ ngày 8/3 vừa qua.

Đối với dịch bệnh do virus Corona gây ra, có cơ chế “miễn dịch thụ động”, nghĩa là kết quả đạt được nhờ huyết thanh từ chính người mắc bệnh đã tự hồi phục sau khi nhiễm. Trong trường hợp này, nhiều người không hề biết mình đã nhiễm bệnh. Tuy nhiên, “miễn dịch chủ động” mới là điều căn cốt, mà điều đó thì phải cần đến vaccine: Ngoài việc tạo ra kháng thể chống lại virus, vaccine còn có thể tạo ra tế bào lympho T và lympho B ghi nhớ để chiến đấu với tác nhân gây bệnh, chống lại chúng nếu bị tấn công.

Rút ngắn thời gian nghiên cứu để sớm đưa vào sử dụng vaccine Covid-19 do Việt Nam sản xuất.

Trước khi có những đàm phán và quyết định mua vaccine từ bên ngoài để chống Covid-19, thì Việt Nam cũng đã tiến hành nghiên cứu, điều chế, thử nghiệm với tinh thần chủ động nguồn vaccine do chính chúng ta sản xuất.

Tới nay, có 4 đơn vị được chỉ định nghiên cứu. Đó là Nanogen (sản xuất vaccine Nano Covax); Vabiotech; IVAX; Polyvax. Trong đó Nano Covax đang dẫn đầu trong cuộc đua khi đã hoàn thành giai đoạn 2 tiêm chủng trên người tình nguyện và đang rút ngắn thời gian “chờ” để nhanh chóng bước vào giai đoạn 3 của thử nghiệm, nhằm có thể sản xuất được vaccine vào cuối năm nay. Cùng với Nanogen, 3 đơn vị còn lại cũng đang rút ngắn thời gian nghiên cứu để bước vào thử nghiệm, trong đó IVAX đang nổi lên như một ứng viên tiềm tàng.

Có vaccine, hiệu quả miễn dịch trong cộng đồng sẽ được nâng cao, người dân được bảo vệ khỏi Covid-19, tái thiết lập cuộc sống bình thường, an toàn và khỏe mạnh. Khi mà lượng vaccine do chúng ta sản xuất ra dồi dào, chúng ta sẽ chủ động được trong cuộc chiến chống Covid-19, giá thành thấp sẽ giảm chi phí cho người dân, và rất quan trọng là nó giúp giảm gánh nặng bệnh tật, giảm áp lực kinh tế, gia tăng cơ hội để người dân được hưởng sức khỏe thể chất và tinh thần toàn diện.

Mặc dù Việt Nam còn nghèo nhưng việc chăm sóc sức khỏe toàn dân từ lâu đã được đẩy mạnh, đặc biệt thành công với y tế dự phòng. Lần này cũng vậy, khi mà Covid-19 hoành hành khắp thế giới thì Việt Nam đã nhanh chóng kiểm soát. Hơn 1 năm, chúng ta đã trải qua 3 lần Covid-19 lây lan trong cộng đồng, nhưng cả 3 lần đều nhanh chóng dập tắt, chặt đứt nguồn lây nhiễm. Tới nay, cả số người bị nhiễm cũng như số ca tử vong là rất ít so với tổng số dân của cả nước. 35 ca tử vong, hầu hết là người có bệnh nền kinh niên kéo dài, cơ thể suy nhược, mất sức đề kháng. Thế giới coi Việt Nam như ngôi sao sáng trong cuộc chiến chống đại dịch lần này.

Mũi tiêm vaccine Covid-19 AstraZeneca đầu tiên cho nhân viên y tế tại Trung tâm Y tế thành phố Hải Dương, ngày 8/3.

Đứng trong danh sách “cường quốc vaccine”

Trong nghiên cứu, điều chế, sản xuất vaccine, ngay từ cuối tháng 8/2018, Việt Nam đã sản xuất được vaccine cúm mùa “3 trong 1” ở quy mô công nghiệp, có giá chỉ bằng 1/3 giá vaccine cùng loại phải nhập khẩu (từ 80.000 đến 120.000/liều). Quan trọng hơn, ở thời điểm đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đặt hàng vaccine cúm mùa của Việt Nam. Lúc ấy, Việt Nam là 1 trong 14 quốc gia được WHO đặt hàng phục vụ phòng chống đại dịch trên thế giới.

Trước khi sản xuất thành công vaccine cúm mùa, chúng ta cũng đã sản xuất thành công nhiều loại vaccine chống lao, sởi, rubella, rota, tả, thương hàn, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi-rubella, ngừa cúm A/H5N1. Điều đó đã đưa Việt Nam lọt vào danh sách “cường quốc” vaccine của thế giới. Theo WHO, Việt Nam là 1 trong 42 quốc gia sản xuất được vaccine phòng bệnh, mục tiêu đến năm 2024 sẽ sản xuất được 12 loại vaccine và đến năm 2030 có 14 loại vaccine.

Cũng cần nhắc lại, tới nay Việt Nam là quốc gia thứ năm có khả năng sản xuất vaccine trong khu vực Tây Thái Bình dương đạt các tiêu chuẩn toàn cầu của WHO. Ngay từ tháng 6/2015, WHO đã chính thức công nhận Việt Nam có một hệ thống quản lý vaccine quốc gia được trang bị đầy đủ, hiệu quả và an toàn. Nư vậy, chúng ta đã sánh ngang các nước phát triển trên thế giới cũng đạt tiêu chuẩn này.

Vaccine mang tên Việt Nam trên phạm vi toàn cầu đã và đang dần trở thành hiện thực, kể cả vaccine ngừa Covid-19. Để có được vị thế đó là cả một hành trình dài gian khó của các nhà khoa học Việt Nam, trước hết là vì sức khỏe người Việt, cùng đó là đóng góp sức mình vào công cuộc phòng chống dịch bệnh cho nhân loại.

Nhân đây, xin được kể một câu chuyện của 60 năm trước, trong hoàn cảnh đất nước vô cùng khó khăn thì chúng ta đã sản xuất được vaccine phòng bại liệt. Lúc ấy (đầu những năm 60 của thế kỷ trước), bại liệt là căn bệnh quái ác khiến trung bình mỗi năm 17.000 người mắc, trong đó có 500 người tử vong. Những người qua khỏi thì cũng mang theo di chứng bệnh tật đến cuối đời.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - Bộ trưởng Bộ Y tế lúc bấy giờ là người quyết tâm tự sản xuất vaccine trong nước. Chỉ một thời gian rất ngăn, năm 1962, lô vaccine phòng bại liệt “made in Vietnam” gắn với tên tuổi bác sĩ Hoàng Thủy Nguyên chính thức xuất xưởng. Niềm vui không gì so sánh được, sau khi được sử dụng tỷ lệ người dân mắc bại liệt giảm rõ rệt. Từ năm 1990, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được uống đủ 3 liều vaccine phòng bại liệt được duy trì trên 90% và đây là tiền đề để Việt Nam thanh toán bệnh bại liệt năm 2000.

Kể từ đó, bằng nỗ lực không ngừng nghỉ, các nhà khoa học Việt Nam kiên trì nghiên cứu, sản xuất trong điều kiện không thể sánh được với các quốc gia phát triển. Nhưng chúng ta đã chứng minh cho thế giới thấy trí tuệ của người Việt Nam, tinh hoa y học của dân tộc Việt Nam bằng nhiều loại vaccine khác.

Còn nhớ, cuối năm 2003, đại dịch cúm gia cầm xảy ra ở các nước trong khu vực mà Việt Nam là điểm nóng, hàng triệu gia cầm bị chết và bị tiêu hủy, thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Nhiều trường hợp cúm gia cầm A/H5N1 lây sang người với triệu chứng lâm sàng trầm trọng, tỷ lệ tử vong cao. Trong tình thế nóng bỏng, GS.TS Lê Trần Bình và PGS.TS Đinh Duy Kháng - Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) kết hợp với TS Trần Xuân Hạnh - Công ty cổ phần thuốc Thú y trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) triển khai nghiên cứu, sản xuất vaccine để dập dịch. Và chúng ta đã thành công.

Tại lễ trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2019 cho các tác giả, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Dù điều kiện còn rất hạn chế nhưng các nhà khoa học Việt Nam đã đạt được những kết quả nghiên cứu mà thế giới đánh giá ngang bằng các nước có thu nhập bình quân và chi phí cho khoa học, công nghệ nhiều gấp mấy lần”.

Năm 2015, Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp Chứng nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vaccine (NRA). Thời điểm đó, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 45 quốc gia có ngành công nghiệp vaccine và là một trong 39 quốc gia đạt NRA. Ngay năm sau, năm 2016, Việt Nam tự sản xuất được vaccine phối hợp phòng sởi-rubella (MR). Lúc đó, Việt Nam là 1 trong 25 quốc gia sản xuất được vaccine và là nước thứ tư tại châu Á có thể sản xuất vaccine MR sau Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giấc mơ vaccine mang tên Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO