Giải bài toán an toàn thực phẩm

Lục Bình 19/04/2016 10:28

Hà Nội sẽ lập mô hình tương tự “tổ liên ngành 141” để kiểm tra, xử lý quyết liệt với hành vi mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Còn TP HCM sẽ có cơ quan độc lập chuyên nghiệp quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm kiểm soát, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân. Những động thái cương quyết, trách nhiệm này của hai đầu tầu kinh tế đã hé mở lời giải cho bài toán khó về vệ sinh an toàn thực phẩm đã làm người dân bất an bấy lâu.

Giải bài toán an toàn thực phẩm

Đã có những tín hiệu tích cực trong cuộc chiến với thực phẩm bẩn.

Chưa khi nào vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) lại cấp bách như lúc này, khi mà đụng đâu cũng thấy thực phẩm chứa chất cấm, có chất gây ung thư ngày ngày bào mòn sức khỏe thậm chí là tính mạng của nhân dân. Hậu quả nhãn tiền đã quá rõ ràng khi mỗi năm trên mảnh đất hình chữ S có khoảng 150.000 người mắc ung thư và phân nửa số đó phải từ giã cõi đời này.

Người ta rùng mình khi ngày càng có nhiều hơn những ngôi “làng ung thư” tồn tại như nói lên mặt trái của xã hội hiện đại. Ngộ độc thực phẩm từ chóng mặt, nôn mửa cho đến tử vong nay không còn là những trường hợp đơn lẻ, cá biệt mà đã mang tính đồng loạt, từ vài chục cho đến vài trăm người từ quy mô từng gia đình cho đến cả trường học và xí nghiệp…

Thế nên, cương quyết nói không với thực phẩm bẩn, tăng chế tài xử phạt với những người đưa ra thị trường những sản phẩm độc hại bằng việc truy cứu trách nhiệm hình sự tới đây được coi là liều thuốc đủ mạnh. Tuy nhiên, vấn đề VSATTP có bớt nóng?

Thực tế thì vấn đề đảm bảo VSATTP chưa bao giờ Nhà nước coi nhẹ. Thế nên, đã có sự chung tay phối hợp của nhiều lực lượng với những tổ công tác liên ngành được ra đời để lo thực phẩm sạch cho người dân. Ở địa phương cũng vậy, trách nhiệm đầu ra của thực phẩm cũng đã giao rõ ràng. Nhưng tại sao thanh tra xây dựng chỗ nào đổ vật liệu sai cán bộ ngay lập tức đến xử phạt còn thực phẩm bẩn tràn lan thì không thấy lực lượng thanh tra thực phẩm xử lý?

Lý giải điều này, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa (Hà Nội) Hà Thị Lê Nhung trần tình: Đây là lần đầu tiên triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP ở cấp phường nên quá trình thực hiện không khỏi bỡ ngỡ, trong khi đó cán bộ thanh tra chuyên ngành ATTP đều mới và kiêm nhiệm, trong khi trình tự thủ tục thanh tra lại nhiều nên không ít cán bộ lúng túng trong thực thi nhiệm vụ.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thúy Ngân- Phó trưởng Phòng Y tế quận Đống Đa cho biết, thời gian qua, trên địa bàn quận, mới chỉ thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch còn thanh tra đột xuất chưa thực hiện được, bởi khi phát hiện cơ sở có dấu hiệu vi phạm thì không được kiểm tra ngay mà phải chờ để xin quyết định của Chủ tịch UBND quận. Thế nhưng, “khi có được quyết định thì… đã muộn” ?!

Hóa ra, thực phẩm bẩn chưa được xử lý rốt ráo chỉ vì những lý do rất lãng xẹt: Chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt! Để giải quyết bất cập này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã đồng ý thực hiện cơ chế đặc thù cho lực lượng thanh tra ATVSTP giống mô hình 141 của Công an Hà Nội.

Theo đó, có thể kiểm tra, xử phạt được ngay cơ sở vi phạm mà không phải chờ quyết định của Chủ tịch UBND quận, huyện như hiện nay. Đồng thời, yêu cầu công khai thông tin về cơ sở vi phạm lên thông tin đại chúng, tăng tính răn đe, nhắc nhở. Ngoài ra, Hà Nội sẽ tập trung giải quyết các điểm nóng về ATTP, đặc biệt là tại các chợ đầu mối như Long Biên, Phùng Khoang… rồi đến các chợ dân sinh, các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Bên cạnh đó, gắn trách nhiệm của lãnh đạo UBND các xã, phường để xảy ra tình trạng vi phạm ATTP trên địa bàn.

Một giải pháp được cho là cứng rắn trong việc nói không với thực phẩm bẩn cũng được TP.HCM quyết tâm thực hiện. Theo đó, một cơ quan trực thuộc UBND TP đảm nhận trách nhiệm ATTP cho toàn TP.HCM sẽ ra đời. Có một đầu mối chịu trách nhiệm về ATVSTP sẽ khiến việc quản lý ATVSTP sẽ không còn bị cắt khúc như lâu nay nữa.

Như vậy, khi gia súc xuất chuồng, rau quả ra khỏi trang trại... trên đường lưu thông đến người tiêu dùng - sẽ thuộc sự quản lý của Cơ quan quản lý ATVSTP thành phố. Ngoài ra, cơ quan này cũng sẽ thay cho Chi cục ATVSTP trong việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, tiếp nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm”. Tóm lại, đầu ra của thực phẩm đến tay người tiêu dùng sẽ có cơ quan chuyên trách nhận trách nhiệm chứ không còn tình trạng cơ quan nọ đổ lỗi cho cơ quan kia với giọng điệu muôn thuở đó là “lỏng khâu phối hợp, trách nhiệm không rõ ràng” mới dẫn đến tình trạng thực phẩm mất an toàn ngang nhiên qua mặt cơ quan chức năng.

Dù hai đầu tầu của đất nước đã có những động thái tích cực trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn; nhưng thực phẩm mất an toàn không thể một sớm một chiều chấm dứt. Chỉ khi nào truy nguyên được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm chứ không theo kiểu mò kim đáy biển như hiện nay thì mới áp được chế tài xử phạt nghiêm khắc. Đồng thời, cơ quan, cá nhân hữu trách phải chịu trách nhiệm và bị xử phạt tương ứng khi để thực phẩm bẩn tồn tại trên địa bàn cá nhân, đơn vị mình có trách nhiệm quản lý thì mới hy vọng cuộc chiến chống thực phẩm bẩn không còn cam go như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải bài toán an toàn thực phẩm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO