Giải bài toán năng lượng: Áp lực ngày càng lớn

Minh Phương 05/05/2017 09:00

Áp lực nguồn cung điện đang trở thành một bài toán hóc búa đối với Việt Nam khi thủy điện đang ngày càng cạn kiện, nguồn năng lượng tái tạo chưa thể khai thác vì chi phí quá lớn, nhiệt điện lại đang đối mặt với đòi hỏi cao về công nghệ… Đây là những vấn đề được nêu ra tại Diễn đàn năng lượng Việt Nam: Hiện tại và tương lai do Bộ Công Thương tổ chức sáng 4/5.

Ngành điện đang gặp nhiều áp lực Ảnh: TL.

Áp lực lớn trên vai ngành điện

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, nhu cầu năng lượng nước ta thời gian qua phát triển rất nhanh, đặc biệt là trong 5 năm gần đây với mức tăng trưởng năng lượng khoảng 9,5%/năm và tiếp tục tăng khá cao trong 15 năm tới. Nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam tăng trung bình khoảng 13%/năm trong giai đoạn 2006 - 2010 và khoảng 11% trong 5 năm gần đây.

Dự kiến trong thời gian tới nhu cầu sẽ tăng trên dưới 10%. “Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức trong lĩnh vực năng lượng khi nhu cầu năng lượng tăng cao trong bối cảnh nhu cầu cũng như các ràng buộc môi trường ngày càng chặt chẽ đã gây áp lực rất lớn cho việc đảm bảo an ninh năng lượng. Từ một nước xuất khẩu năng lượng, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu năng lượng”- ông Vượng cảnh báo.

Theo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 điều chỉnh (Quy hoạch điện VII điều chỉnh), ngành điện phải bảo đảm cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7,0%/năm. Sản lượng điện toàn hệ thống cũng được xác định vào khoảng 265-278 tỷ kWh vào năm 2020; năm 2025 khoảng 400-431 tỷ kWh và năm 2030 khoảng 572-632 tỷ kWh…

Để đáp ứng nhu cầu này, từ nay đến năm 2020, tổng công suất các nhà máy điện phải đạt khoảng 60.000 MW. Năm 2030 phải đạt khoảng 129.500 MW. Nhu cầu than cho các nhà máy nhiệt điện nếu vào đúng quy hoạch cần tới 64,1 triệu tấn vào năm 2020 và khoảng 131,1 triệu tấn vào năm 2030.

Tuy nhiên, tính đến hết năm 2016, tổng công suất nguồn điện cả nước mới đạt trên 42.000 MW. Như vậy, từ nay đến năm 2020, bình quân mỗi năm phải đưa vào vận hành gần 5.000 MW; giai đoạn từ 2020-2030, mỗi năm cần xây dựng mới trên 6.000 MW nguồn điện.

Trong bối cảnh đó, thủy điện đang bị khai thác ngày càng cạn kiệt. Về năng lượng tái tạo, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, điện mặt trời đạt 850MW (hiện nay 140 MW), điện gió đạt 800 MW (hiện 160 MW) vào năm 2020.

Như vậy, từ nay đến năm 2020, hai nguồn này còn thiếu trên 1.500 MW và với tình hình triển khai các dự án năng lượng tái tạo hiện có thì kể cả có lo đủ nguồn vốn cũng chưa thể đạt mục tiêu đề ra.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đây thực sự là thách thức lớn đối với ngành điện Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh giá điện hiện nay vẫn chưa được điều chỉnh theo cơ chế giá thị trường. Mặt khác, một số dự án điện theo Quy hoạch điện VII có thể chậm tiến độ, trong khi nhu cầu phụ tải vẫn duy trì ở mức hai con số, nếu không có giải pháp kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu điện trong tương lai gần.

Cách tiếp cận “có vấn đề”

Để giải quyết vấn đề năng lượng của đất nước, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, Bộ đang tập trung xây dựng cơ chế chính sách theo 2 hướng tiếp cận là sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm hiệu quả, hai là áp dụng các công nghệ thân thiện với môi trường phục vụ cho nhu cầu năng lượng trong đó có hướng tới nền kinh tế các bon thấp, tập trung vào năng lượng xanh, thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng hiện tại theo hướng bền vững.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, hiện Việt Nam mới bắt đầu thay đổi cách tiếp cận như trên là hơi muộn, thực tế chúng ta đang bị tụt rất xa so với các nước trên thế giới.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên- Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong thời gian qua, Việt Nam phát triển công nghiệp hóa một cách lạc hậu, mô hình tăng trưởng dựa quá lâu vào các ngành khai thác tài nguyên, công nghiệp truyền thống, các ngành công nghệ thấp tiêu tốn năng lượng.

Ông Trần Đình Thiên dẫn chứng, ngành nông nghiệp của Việt Nam cứ ngỡ là tiêu tốn ít năng lượng nhưng thực tế không phải vậy. Việt Nam đang duy trì, phát triển nền nông nghiệp chạy theo sản lượng. Mỗi tấn gạo chất lượng cao có thể bán giá bằng 10 tấn gạo chất lượng thấp.

Nhưng để sản xuất ra 10 tấn lúa gạo chất lượng thấp đó, Việt Nam phải tiêu tốn nhiều hơn các loại nguyên liệu đầu vào như diện tích đất trồng, nước, giống, phân bón, thuốc trừ sâu, bơm nước, xay xát, chuyên chở… Điều này tất yếu dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp, tiêu tốn tài nguyên, tiêu tốn năng lượng, ô nhiễm môi trường…

“Hiện lãng phí năng lượng trong công nghiệp ngành xi măng ở mức 50%, gốm sứ 35%, dệt may 30%, thép 20%, nông nghiệp 50%...”- ông Thiên nhận định. Theo vị chuyên gia này, cần phải thay đổi tư duy tiếp cận trong chiến lược năng lượng, thay vì chỉ trọng bên cung như hiện nay thì cần chú trọng cả cung và cầu.

“Hiện nay, chúng ra đang ra sức sản xuất điện để chạy theo đáp ứng nhu cầu. Phát triển năng lượng trong tình trạng thiếu nguồn cung thì tìm mọi cách bù đắp; trong khi sản xuất công nghiệp và nông nghiệp năng suất thấp dẫn đến việc tiêu tốn nguồn năng lượng lớn nhưng lại chưa có giải pháp căn cơ để tiết giảm nhu cầu. Đó là cách tiếp cận cần phải thay đổi”- ông Thiên nhấn mạnh.

Ông Ngô Đông Hải- Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương tỏ ra quan ngại với một thách thức rất lớn đối với phát triển nguồn cung năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng nước ta trong thời gian tới.

Ông cho rằng, việc đầu tư phát triển các nguồn năng lượng không chỉ đến từ một nguồn ngân sách quốc gia mà cần phải thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư không chỉ trong nước và quốc tế để cùng nhau giải quyết bài toán phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải bài toán năng lượng: Áp lực ngày càng lớn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO