Giải bài toán năng lượng điện

Minh Phương 03/02/2017 08:00

Theo dự báo của các chuyên gia, thời gian tới, bài toán nguồn cung điện sẽ ngày càng khó tìm lời giải do thủy điện ngày càng trở nên hữu hạn, nhiệt điện than có ảnh hưởng xấu đến môi trường, trong khi các nguồn năng lượng tái tạo khác như điện gió, điện mặt trời… lại khá đắt đỏ. Nhiều ý kiến cho rằng, để giải bài toán nguồn cung điện trong thời gian tới hoàn toàn không dễ dàng.

EVN khuyến cáo, người dân cần nâng cao ý thức tiết kiệm điện. Ảnh: TL.

Áp lực ngày càng lớn

Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) cho biết, để đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng kinh tế, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 đã đưa mục tiêu đến năm 2020, tổng công suất của các nhà máy điện phải đạt 60.000 MW, nghĩa là trong 5 năm 2016-2020, cần đưa vào thêm đến 21.650 MW. Đây thực sự là một con số thách thức đối với ngành điện của Việt Nam.

Theo Quy hoạch điện VII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, vào năm 2030, nhiệt điện than chiếm 51,6% tổng công suất và 56,4% về điện lượng (sản lượng) trong khi điện từ năng lượng tái tạo chiếm 9,4% về công suất và 6% về điện lượng.

Còn trong bản Quy hoạch điện VII điều chỉnh được Thủ tướng phê duyệt tháng 3-2016, vào năm 2030, nhiệt điện đốt than chiếm 42,6% về công suất và 53,2% về điện lượng và điện từ năng lượng tái tạo tăng lên 21% (khoảng 27.200MW) về công suất và 10,7% về điện lượng (khoảng 61 tỉ kWh).

Theo đánh giá của giới chuyên gia ngành năng lượng, nhu cầu điện đang ngày càng lớn và đây là một áp lực trên vai ngành điện. Chỉ tính riêng khu vực miền Nam, đến năm 2025-2030, khu vực này cần khoảng 30.000 MW nguồn điện tại chỗ để đáp ứng phát triển kinh tế.

Trong khi nguồn cung điện hiện nay lại khá căng thẳng, điện hạt nhân chưa thể triển khai, thủy điện đang dần “cạn kiệt”… Những yếu tố này buộc ngành điện phải cân đối mục tiêu phát triển, lựa chọn nguồn lực nào để có thể đảm bảo nguồn cung điện trong thời gian tới.

Nhìn vào sơ đồ Quy hoạch điện VII, không dễ để nhận ra rằng, nhiệt điện vẫn chiếm vị trí ưu tiên khi chiếm tới 42,6% về công suất và 53,2% về điện lượng. Như vậy, nhiệt điện đốt than vẫn chiếm hơn một nửa trong cán cân năng lượng Việt Nam.

Tuy nhiên, cảnh báo đã được đưa ra từ lâu nay, đó là nhiệt điện đốt than là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường hiện nay. Việc phát triển nguồn năng lượng này buộc phải xây dựng hàng loạt các nhà máy nhiệt điện than, và nếu như không có những giải pháp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu, nguy cơ môi trường có thể bị hủy hoại bởi các khí thải do tro xỉ thải ra là điều khó tránh.

Trong bối cảnh nguy cơ thiếu điện đang ngày một hiện hữu, để đảm bảo an ninh năng lượng mà không được phép đánh đổi môi trường sống, vậy cần làm gì để có đủ điện phục vụ cho nhu cầu tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn đảm bảo sạch về môi trường, an toàn cho đời sống dân sinh thực sự là một thách thức lớn đối với ngành điện hiện nay.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hiến, Nguyên viện trưởng viện năng lượng Việt Nam, giải bài toán nguồn cung điện chắc chắn sẽ không thể thiếu vai trò của các nhà máy nhiệt điện. Tuy nhiên, kèm theo đó là phải có các cơ chế để khuyến khích các DN ngành xây dựng tái sử dụng tro bay, tro xỉ được thải ra từ các nhà máy nhiệt điện than. Đó là cách tốt nhất để giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường đồng thời giảm chi phí mua nguyên liệu của các DN ngành xây dựng.

Bên cạnh đó, ông Hiến cũng cho rằng, cần phải xây dựng các chính sách phù hợp khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp đầu tư vào phát triển điện từ nguồn năng lượng tái tạo để bổ sung vào hệ thống điện quốc gia.

Ngành dệt may vẫn có nhiều cơ hội trong năm 2017.

Bài toán khó

Chia sẻ về áp lực nguồn cung điện năng hiện nay, ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho rằng, giải bài toán năng lượng điện, nhất định phải tính đến phát triển nguồn năng lượng điện mặt trời, vì đây là xu thế tất yếu của thế giới. Việt Nam cũng đang hướng đến mục tiêu sử dụng năng lượng mặt trời ngày một nhiều hơn để giảm áp lực nguồn cung điện. Tuy nhiên, làm sao để cân đối được các nguồn điện mặt trời, nhiệt điện… đó là gánh nặng trên vai của ngành điện hiện nay.

Theo ông Tuấn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang xây dựng kế hoạch để phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Song khó khăn hiện nay để phát triển nguồn điện này chính là vấn đề về đất đai.

“Mỗi dự án nhà máy điện mặt trời chiếm ít nhất 1 -1,5ha và yêu cầu của các dự án là phải lựa chọn được các địa điểm khô ráo, nhiều nắng. Đây là những yêu cầu hết sức khăn đối với EVN trong việc giải bài toán năng lượng tái tạo cho ngành điện hiện nay” – ông Tuấn cho biết.

Với EVN, giảm được sản lượng tiêu thụ điện thì sức ép về chi phí càng giảm. Do đó, ngoài việc tập trung xây dựng kế hoạch phát triển nguồn năng lượng tái tạo, EVN khuyến cáo, người dân cần được nâng cao ý thức tiết kiệm điện năng.

“Nếu mỗi hộ gia đình người dân Việt Nam sử dụng một thiết bị chiếu sáng bằng năng lượng (lấy ánh sáng từ mái nhà) thì sẽ giảm đi rất nhiều áp lực bài toán nguồn cung điện hiện nay” – ông Tuấn nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải bài toán năng lượng điện

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO