Giải bài toán sinh kế

ThAnh TùnG 20/07/2020 09:55

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần nỗ lực chung tay tạo sinh kế mới, sinh khí mới, niềm tin mới để sớm vượt qua khó khăn, thách thức của đại dịch Covid-19.

Nhờ kích cầu du lịch nội địa, khách du lịch đã tăng trở lại ở đô thị cổ Hội An. Ảnh Thanh Tùng.

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt 14 tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên, ngày 18/7 tại Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần nỗ lực chung tay tạo sinh kế mới, sinh khí mới, niềm tin mới để sớm vượt qua khó khăn, thách thức của đại dịch Covid-19.

Theo thông tin từ Bộ LĐTBXH, tính đến cuối tháng 6/2020, cả nước có khoảng 8 triệu lao động mất việc, nghỉ luân phiên hay giãn việc. Chỉ 4 tháng đầu năm 2020, đại dịch đã khiến 670.000 lao động ở các thị trường lao động phát triển như đồng bằng sông Hồng (gần 45.000 người), Đông Nam Bộ (trên 84.000 người), Đồng bằng sông Cửu Long (trên 40.000 người). Lao động mất việc làm đông nhất trong 4 tháng đầu năm nay, tập trung ở 14 tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung với số lượng lên đến trên 65.200 người.

Như vậy, bài toán sinh kế, việc làm đối với lao động mất việc và hàng trăm ngàn hộ gia đình gặp khó khăn đang đặt ra rất cấp bách.

Ngày 5/7, Sở LĐTBXH, Hội Doanh nhân trẻ, Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức Ngày hội việc làm, tư vấn, định hướng giáo dục nghề nghiệp cho học sinh, người lao động. Tại Ngày hội, đã có 5.418 lao động được đăng ký, tuyển dụng vào làm việc trong các lĩnh vực khác nhau. Trong khi đó, thành phố này có gần 200.000 lao động và hơn 24.000 hộ kinh doanh bị ảnh hưởng, 12.600 người bị chấm dứt hợp đồng lao động, 59.600 người tạm ngừng việc, đặc biệt là 106.800 người mất việc làm.

Tại Khánh Hòa, tính đến giữa tháng 4, Sở LĐTBXH tỉnh này được các doanh nghiệp thông báo là phải cho trên 1.770 lao động nghỉ việc, ngừng việc. 14 tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung (từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận), mỗi tỉnh có hàng trăm ngàn lao động mất việc, nghỉ việc; hàng chục ngàn hộ gia đình ở khó khăn. Sẽ ra sao nếu chính quyền, cơ quan chức năng không chủ động, nỗ lực tìm sinh kế mới cho hàng chục ngàn lao động, hàng chục ngàn hộ gia đình khó khăn do đại dịch?

Việt Nam ngăn chặn, khống chế thành công dai dịch Covid-19 nhưng cũng khó có thể mở rộng cánh cửa giữa lúc đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, thậm chí bùng phát, lan rộng trở lại ở nhiều quốc gia trên thế giới. Vì thế nên hàng loạt tỉnh, TP khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã khó khăn lại thêm khó khăn chồng chất. 3 địa phương trong danh sách 14 tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung có mức tăng trưởng âm sau hàng chục năm là Đà Nẵng, Quảng Nam và Khánh Hòa.

Chí vì thế “sinh khí mới” được Thủ tướng nêu ra trong buổi làm việc là vô cùng quan trọng, không chỉ là phát huy nền tảng ý chí con người nơi vùng đất từng trải qua lửa đạn chiến tranh, có truyền thống cách mạng kiên cường, bất khuất mà còn cần được cụ thể hóa bằng khẩu hiệu “biến nguy thành cơ” (tìm ra cơ hội phát triển mới trong đại dịch).

Sinh khí mới cũng chính là thành công của tinh thần “chống dịch như chống giặc”, rất cần được các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể ở từng địa phương miền Trung - Tây Nguyên phát huy mạnh mẽ, khơi dậy như niềm tự hào về sự đoàn kết, đồng thuận trên dưới một lòng vượt qua khó khăn.

Sinh khí mới còn là sợi dây liên kết giữa 14 tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung cùng 5 tỉnh, thành phố của Tây Nguyên (đặc biệt là liên kết giữa 5 tỉnh, thành phố nằm trong danh sách vùng kinh tế trọng điểm là Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) với lợi thế 14 cảng biển, 9 sân bay, 9 khu kinh tế, khu công nghiệp có hạ tầng hoàn chỉnh; bờ biển dài; nhiều lợi thế vượt trội về sản phẩm du lịch, sản phẩm nông nghiệp; người dân cần có truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, cần cù, chịu khó, dám đương đầu với khó khăn, thách thức để vươn lên.

Trước đó, tại Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung (tổ chức vào ngày 20/8/2019 tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), thông tin do Bộ KHĐT đưa ra cho thấy, GRDP của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến 2018 chỉ chiếm 6,93% GDP của cả nước. Tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2019 của 4/5 địa phương (vùng kinh tế trọng điểm miền Trung) tăng trưởng thấp hơn bình quân chung của vùng và cả nước. 5 tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng, đầu tầu dẫn dắt kinh tế khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Dẫn lại những số liệu này để thấy rằng đây là thời điểm mà các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên cần thắt chặt hơn nữa sợi dây liên kết, gắn kết, cùng chia sẻ phát huy lợi thế, ưu điểm nổi trội của từng địa phương bằng những hành động thiết thực, cụ thể.

Giữa lúc nhiều quốc gia trên thế giới còn phải căng mình đối phó với đại dịch thì 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam (trong đó có 14 tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung, là cửa ngõ của 4 tỉnh Tây Nguyên là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông) đã có thể yên tâm thực hiện mục tiêu kép, ngăn chặn dịch xâm nhập từ bên ngoài và phát triển kinh tế.

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các địa phương miền Trung - Tây Nguyên phải tạo được môi trường đầu tư tốt, cơ chế đầu tư thông thoáng, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư cũng như tháo gỡ khó khăn cho các dự án bị ngưng trệ, giúp doanh nghiệp hoạt động trở lại bằng niềm tin mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải bài toán sinh kế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO