Giải 'cơn khát' đề tài hiện đại của sân khấu

Minh Quân 22/08/2022 14:48

Cùng với sự phát triển của cuộc sống, các loại hình giải trí trong đó có lĩnh vực sân khấu đang đòi hỏi phải có những tác phẩm mang hơi thở của thời đại để đáp ứng thị hiếu của công chúng. Tuy nhiên, sau nhiều năm “đãi cát, tìm vàng” mảng kịch mục đề tài hiện đại của sân khấu vẫn đang là một khoảng trống khó thể san lấp.

Một số cảnh diễn trong các tác phẩm sân khấu về đề tài hiện đại.

Lối mòn hoài cổ

Theo số liệu thống kê của Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, trong những năm trở lại đây với sự phát triển của ngành sân khấu số lượng các vở diễn ở các loại hình đang có sự gia tăng cả về chất và lượng. Ngoài các vở diễn do nhà nước đặt hàng, nhiều nhà hát đã và đang mạnh dạn huy động các nguồn xã hội hóa để dàn dựng các tác phẩm đáp ứng thị hiếu của khán giả.

Tuy nhiên, dù rất nỗ lực nhưng có nghịch lý là số lượng các tác phẩm về đề tài hiện đại vẫn là con số vô cùng khiêm tốn. Đơn cử như gần đây nhất là năm 2017, đã có hơn 80 vở diễn gồm các thể loại được dàn dựng trên sân khấu các đoàn, nhà hát công lập và tư nhân, trong đó 27 vở diễn kịch hát (tuồng, chèo, cải lương, kịch dân ca) được dàn dựng mới hoặc phục hồi, nhưng chỉ có 3/27 vở diễn kịch hát (đều là Cải lương) thuộc đề tài hiện đại. Năm 2018, tại Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc, chỉ có 9/32 vở đề tài hiện đại phản ánh cuộc sống hôm nay (còn lại 9 vở đề tài chiến tranh cách mạng và hậu chiến, 14 vở đề tài lịch sử, dã sử, dân gian).

Lý giải, nhà lý luận, phê bình sân khấu Trần Thị Minh Thu - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, nguyên nhân chủ yếu và thậm chí là cố hữu của ngành sân khấu là thiếu các kịch bản chất lượng để dàn dựng. Bên cạnh đó, các đơn vị sân khấu hiện nay đang lúng túng trong việc sáng tạo các vở diễn đề tài hiện đại. Bởi lẽ sân khấu vốn đã được định hình về phong cách thể loại (tĩnh), trong khi đó, cuộc sống đương đại luôn thay đổi từng ngày, từng giờ với muôn hình vạn trạng của hiện thực lẫn con người (động). Do đó, để đưa đề tài hiện đại vào sân khấu mà vẫn giữ được tinh hoa giá trị truyền thống của thể loại… là điều không đơn giản đối với những người làm nghề. Chính sự khó khăn trong sáng tạo mới đã dẫn đến hiện tượng các đoàn, nhà hát chỉ tìm đến đề tài lịch sử, dã sử, dân gian vì các đề tài này áp dụng khi ca, múa, diễn và các nghệ sĩ đỡ mất công tìm tòi, thử nghiệm.

Dưới góc độ làm nghề, NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho rằng, hiện nay các thế hệ nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng của Việt Nam rất nhiều người đã cao tuổi hoặc không còn trên văn đàn, người còn người mất. Họ ra đi và để lại một khoảng trống khó có thể lấp đầy với nghệ thuật sân khấu. Trong khi đó, văn đàn thiếu vắng thế hệ kế cận xuất sắc và nổi bật. Phần lớn do định hướng và xu hướng lựa chọn nghề nghiệp hiện nay không ưu tiên nghiệp viết.

Ông Hiếu cũng cho biết thời gian qua Nhà hát luôn muốn dàn dựng các vở diễn hiện đại, đi thẳng và trực diện vào những vấn đề nóng bỏng nhất, hiện thực nhất của xã hội hiện đại. Nhưng dù đã nhận được nhiều kịch bản về đề tài hiện đại của các nhà văn, nhà viết kịch trẻ, nhưng các kịch bản đó vẫn có nhiều điểm cần khắc phục như tính cách nhân vật xây dựng chưa nhất quán, tình huống kịch còn sơ lược, nội dung kịch chưa đủ chiều sâu, thông điệp rõ ràng nên rất khó đưa lên sàn diễn.

Thay đổi để tiếp cận khán giả

Có thể nói với sự phát triển của cuộc sống xã hội, với ngành sân khấu để thu hút khán giả là một hành trình đầy gian nan, thậm chí là “tiến thoái, lưỡng nan”. Bởi hiện nay để khán giả bỏ tiền mua vé đến rạp đòi hỏi không chỉ là một vở diễn hay mà còn phải mang những hơi thở của thời đại và có tính giải trí cao. Tuy nhiên, ngay cả với các vở diễn về đề tài hiện đại dù được dàn dựng cũng đang rơi vào vòng “luẩn quẩn” trong việc khai thác kịch bản. Rất dễ để nhận ra cách lựa chọn kịch bản của nhiều đơn vị sân khấu hiện nay thường tập trung ở mảng chống tham nhũng với nhiều vở diễn luôn lặp lại hình ảnh “chiếc cặp đựng tiền đem đến hối lộ”.

Để tìm ra hướng đi cho sân khấu mảng đề tài hiện đại, theo NSND Lê Tiến Thọ - nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, để có những kịch bản tốt thì các tác giả tăng cường tổ chức đi thực tế cơ sở bám sát đời sống thực tiễn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của khán giả để sáng tác nhiều kịch bản có chất lượng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ giá trị văn hóa nghệ thuật ngày càng cao của nhân dân. Ông Thọ cũng cho rằng Bộ VHTTDL cần rà soát lại Quy chế các cuộc liên hoan nghệ thuật về đánh giá chất lượng nghệ thuật, tránh loạn chuẩn vì bệnh chạy theo thành tích trong các cuộc liên hoan nghệ thuật sân khấu. Cần ưu tiên, đề cao những tác phẩm sáng tác về đề tài hiện đại và tổ chức nhiều cuộc liên hoan sân khấu về đề tài hiện đại.

“Trong thời kỳ bùng nổ thông tin, có sự cạnh tranh gay gắt về văn hóa trên mạng xã hội. Nhà nước cần xây dựng kênh thông tin để giới thiệu văn học nghệ thuật cho mọi đối tượng xã hội trong thời kỳ 4.0” - ông Thọ nói.

NSND Trung Hiếu cho rằng, kịch bản đề tài hiện đại thường phản ánh những vấn đề còn nhức nhối và nóng hổi trong xã hội, thậm chí là những chủ đề nhạy cảm và gai góc. Khi tiếp cận và dàn dựng những kịch bản có đề tài hiện đại, ban lãnh đạo của các đơn vị nghệ thuật cần có một cái nhìn rộng và bao quát về cuộc sống hiện đại, mạnh dạn sử dụng và xử lý một cách tinh tế và linh hoạt trên sân khấu biểu diễn. Nhờ đó mới thúc đẩy được các kịch bản có đề tài hiện đại xuất hiện nhiều hơn trên sàn diễn, tạo động lực cho đội ngũ sáng tác tích cực và chuyên tâm cho các kịch bản mang hơi thở cuộc sống đương đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải 'cơn khát' đề tài hiện đại của sân khấu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO